16/06/2021 23:59 GMT+7 | Chuyên gia
(Thethaovanhoa.vn) - “Hỡi những người anh em nước Ý. Nước Ý đã thức giấc rồi”. Đó là những lời mở đầu của quốc ca Italy, một trong những bài quốc ca có giai điệu hào hùng, hoành tráng bậc nhất thế giới, nhất là khi nó được hát lên ở sân vận động, trước một trận cầu nảy lửa…
1. Điều tôi ấn tượng nhất ở tất cả những trận đấu mà đội tuyển Italy có mặt chính là màn hát quốc ca của họ.
Những người đàn ông đứng kề vai, ngẩng cao đầu cất tiếng hát-đúng hơn là gầm lên một cách dũng mãnh, vô cùng đều-y như là một dàn hợp xướng chuyên nghiệp đã tập hàng chục lần mỗi ngày. Lần nào cũng vậy, họ hát như chưa từng được hát, sự quyết tâm ngời sáng trên mỗi khuôn mặt, ánh mắt. Tiếng hát vang rộng ra không gian của sân vận động, lên khu huấn luyện viên rồi hòa vào cùng với các cổ động viên trên khán đài khiến ngay cả cổ động viên trung lập cũng thấy rung lên niềm xúc cảm cho dù không hiểu tiếng Ý, không biết về ý nghĩa của lời ca.
2. Ở Khúc Biến tấu đầu tiên, phần nhắc về trận cầu khai mạc giữa Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã đặt niềm tin vào chiến thắng cho đội bóng áo Thiên thanh với lý do… họ đẹp trai. Kết quả thì đúng, nhưng có hai điều mà tôi đã sai, hôm đó tuyển Italy không mặc áo màu của bầu trời thẳm xanh Địa Trung Hải, họ mặc màu trắng. Và nữa, họ có lẽ là đội tuyển Italy xấu giai nhất trong lịch sử của đội bóng này khiến một người mê trai đẹp như tôi thật là thất vọng.
Nhưng, bù lại sự khá cục mịch lại lắm râu ria vẻ ngoài, tuyển Italy đã làm tôi ngỡ ngàng bởi lối đá có thể nói là chưa từng bao giờ thanh thoát đến thế. Dường như là bao nhiêu cái hào hoa, lãng tử vốn có ở diện mạo của các cầu thủ Italy trước đây giờ đã hóa thành lối chơi trên sân cỏ.
Thật kỳ lạ, đội tuyển với đặc sản truyền thống trứ danh là lối đá phòng ngự phản công mang tên Catenaccio, cái lối đá đôi khi - đúng hơn là luôn luôn - gây ức chế với đối thủ cũng như người hâm mộ (dĩ nhiên ngoại trừ các tifosi) bỗng nhiên chơi khoáng đạt đến bất ngờ.
Với những người chứng kiến trận đấu, nếu tắt đi tiếng bình luận viên gọi tên các cầu thủ chắc hẳn sẽ không ai tin rằng đội quân áo trắng đang thi đấu trên sân kia là Azzurri. Những đường lên bóng khoáng đạt, tấn công pressing tầm cao, cầm bóng, áp sát, áp đặt và làm chủ cuộc chơi và dồn ép tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đến ngạt thở, đứt hơi kia không thể thuộc về đội bóng của ông Roberto Mancini.
Nếu không xem, hẳn ai cũng sẽ thấy có gì đó sai sai khi đọc các thông số được các chuyên gia đưa ra sau trận đấu: Tuyển Italy đã có tỷ lệ cầm bóng đến 64% và tung ra 24 cú sút.
3. Sau thảm họa không được dự World Cup 2018, tuyển Italy có thể nói là đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ở trận đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ xứng tầm nhất ở bảng đấu này. Ở trận đấu thứ 2 trên sân Olimpico, tuyển Italy sẽ tiếp đón Thụy Sĩ một đối thủ chưa bao giờ được đánh giá cao. Và thực tế, qua trận đấu đầu tiên hòa 1-1 với Xứ Wale, đội quân đến từ đất nước trải dài qua sườn phía Bắc và phía Nam của dãy Alps này chưa thể hiện được gì nhiều. Một chiến thắng gần như là đương nhiên trong tầm tay của tuyển Italy.
Người đàn ông đẹp trai nhất tuyển Italy, HLV Roberto Mancini đang sở hữu một giàn cầu thủ chất lượng cao, không có ngôi sao nào thật nổi trội, không có cái tên nào thuộc top chuyển nhượng đình đám. Thậm chí, với những người không theo dõi Serie A như tôi thì chẳng biết đến một cái tên nào. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Roberto Mancini, họ đã trở thành một đội quân gắn kết, kỷ luật với lối đá sáng tạo đẹp mắt mà đầy hiệu quả.
Đội quân mà sau 5 năm, kể từ trận tứ kết EURO 2016 khi gặp lại ở giải đấu này đã khiến tôi, một người vốn chẳng ưa gì Azzurri bởi đội bóng này vốn luôn kỵ dơ với Die Mannschaft của tôi, cảm thấy hơi lạnh gáy. Có gì đó ở Italy mùa EURO này gần giống như tuyển Đức của tôi năm 2006. Họ đã thay đổi, đã thoát thai từ một hình hài xưa cũ để có một diện mạo mới.
“Hãy để chúng tôi tham gia vào những đội quân/chúng tôi sẵn sàng hy sinh/chúng tôi sẵn sàng hy sinh/Nước Ý đã gọi!”. Các cầu thủ Italy đã nghe lời gọi của nước Ý, họ đã sẵn sàng, để chinh phục, để chiến thắng và giành lại hào quang đã mất.
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng. |
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất