03/10/2018 09:43 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cục Điện ảnh đã chọn phim Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn: Kay Nguyễn và Trần Bửu Lộc) để đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Oscar 2019. Cơ hội để phim này lọt vào Top 5 vòng đề cử chính thức Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất gần như không có, nhưng với hiện tình bộ phim và hiện trạng của nền điện ảnh, việc “bó đũa chọn cột cờ” này khá hợp lý.
1. Bởi thử hỏi trong năm vừa qua, ngoài Song lang (đạo diễn: Leon Quang Lê), thì còn phim nào xứng đáng hơn Cô Ba Sài Gòn? Về chất lượng nghệ thuật, phim này có thể yếu hơn Song lang vài điểm, nhưng về tính quốc tế của câu chuyện phổ quát, thì ưu trội một hơn một chút.
Theo quy định của Oscar, tất cả nhưng phim đã công chiếu thương mại từ ngày 1/10/2017 đến 30/9/2018 đều có cơ hội tham gia. Cả Cô Ba Sài Gòn và Song lang của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đều đáp ứng được yêu cầu này.
Oscar không đặt ra các tiêu chí bằng văn bản để chọn phim, chấm phim, nên chẳng ai biết các tiêu chí của giải này là gì. Gần như đề tài nào cũng được, thể loại nào cũng phù hợp, miễn phim chạm đến cảm xúc và trái tim của ban giám khảo. Tất nhiên, về sự táo bạo trong các vấn đề về tình dục, bạo lực, tâm lý, tôn giáo, dân tộc… thì Oscar có vẻ “nhẹ nhàng hơn” nếu so với Cannes, Venice.
Năm 1993, phim Mùi đu đủ xanh (đạo diễn: Trần Anh Hùng) lọt Top 5 đề cử chính thức ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải Oscar có một bộ phim nói tiếng Việt đi sâu như vậy. Tuy nhiên, đây là một phim Pháp nói tiếng Việt, vì được thực hiện tại Pháp, do Pháp đầu tư.
Nếu Mùi đu đủ xanh thường được nhiều nơi xếp vào Top 5 phim hoặc Top 10 phim nói tiếng Việt hay nhất mọi thời đại, thì chắc có lẽ khó bao giờ Cô Ba Sài Gòn được như vậy. Theo quan điểm riêng, nhà phê bình Lê Hồng Lâm xếp Song lang vào sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất vừa phát hành, mà không có tên Cô Ba Sài Gòn. Đạo diễn Bá Vũ - một ngòi bút bình phim tiếng tăm - cũng cho rằng Song lang xứng đáng đến Oscar hơn Cô Ba Sài Gòn.
Xét về tổng thể, tính thẩm mỹ, tư tưởng, khả năng chạm đến cảm xúc, Cô Ba Sài Gòn còn một khoảng cách khá xa so với Mùi đu đủ xanh. Đó là chưa nói đến việc Mùi đu đủ xanh được đề cử giải Palme d'Or (Cành cọ Vàng), được giải Camera Vàng tại Cannes 1993, được giải César cho Phim đầu tay hay nhất. Năm 2015, tại LHP quốc tế Busan, Mùi đu đủ xanh lọt vào Top 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
2. Tại Oscar lần thứ 91 này, phía châu Á có các phim đã gây thanh thế lớn. Ví dụ phim Shoplifters (đạo diễn: Manbiki Kazoku) của Nhật Bản, đã được chọn công chiếu tại LHP Cannes 2018, nơi nó giành giải Cành cọ Vàng. Hay như phim Burning (đạo diễn: Lee Chang Dong) của Hàn Quốc, đã được chọn tranh giải Cành cọ Vàng tại Cannes 2018. Để cùng các phim này vào Top 5 là điều bất khả với Cô Ba Sài Gòn.
Đây là chưa nói nhìn lại lịch sử của hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất từ năm 1947 đến nay, chỉ có 5 - 6 phim từ châu Á, 4 phim từ châu Mỹ, 3 từ châu Phi - tùy cách tính - được trao giải. Câu chuyện còn lại là các phim của châu Âu, mà trong đó các nền điện ảnh lớn như Italy, Pháp… là ưu trội. Một nền điện ảnh lớn như Vương quốc Anh cũng ít có giải, vì đa số phim nói tiếng Anh, nên không được đề cử. Kết quả này cho thấy Oscar ít thiên vị, vì suy cho cùng, cái nôi của điện ảnh đến từ châu Âu, nơi đang có nhiều đạo diễn tài ba, việc họ được nhiều giải thưởng hơn cũng là tất yếu.
Oscar lần thứ 91 dự kiến trao giải vào tối 24/2/2019 tại Los Angeles (Mỹ). Đường đi của Cô Ba Sài Gòn thì hoàn toàn tự do, nhưng để đến đích là điều gần như bất khả thi.
“Định nghĩa” về Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Là phim có độ dài trên 40 phút. Được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, với lời đối thoại chủ yếu không phải tiếng Anh (trên 50%). Phim truyện hoạt hình và phim tài liệu cũng được tranh giải giống như phim điện ảnh. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất