14/05/2015 13:04 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tuần này, ông Francois Hollande đã vừa trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên ghé thăm chính thức Cuba kể từ năm 1898. Giới quan sát lập tức đánh giá đây là động thái nhạy bén, nhằm củng cố vị trí của Pháp tại đất nước Cuba đang đối mặt với những thay đổi lịch sử.
Khi đến Cuba trong ngày 11/5, ông Hollande cũng là nguyên thủ phương Tây đầu tiên đặt chân tới thủ đô Havana kể từ năm 1986 - thời điểm Thủ tướng Tây Ban Nha Felipe Gonzales thực hiện chuyến công du chính thức Cuba.
Doanh nghiệp Pháp lập tức thu lợi
Ông đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo Cuba: lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro và Chủ tịch Cuba Raul Castro. “Đứng trước tôi đây là một con người đã làm nên lịch sử” - Hollande nói sau cuộc gặp dài 50 phút tại nhà riêng lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel ở Havana.
Trong các cuộc gặp ấy, Hollande không quên nhấn mạnh vai trò của Pháp, nói rằng đất nước ông sẽ là “đồng minh chung thủy” với Cuba, khi Havana tiến hành cải cách nền kinh tế kế hoạch, tập trung, nhằm hội nhập hệ thống kinh tế toàn cầu.
Lâu nay Pháp vẫn duy trì quan hệ với Cuba và hiện là một trong những nước nắm nhiều nhất các khoản nợ của Cuba. Bất chấp việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên Cuba, không ít các công ty của nước này đã tìm tới đây làm ăn. Chính quyền Pháp cũng phản đối mạnh lệnh cấm vận ấy, tin rằng nó không mang lại lợi ích.
Nay, việc Mỹ và Cuba cải thiện quan hệ đã khiến Pháp muốn củng cố hơn nữa chỗ đứng của mình tại Cuba và thu lấy các lợi ích kinh tế. Chính quyền Paris đánh giá việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận sẽ giúp các công ty Pháp đã hiện diện ở Cuba, như doanh nghiệp xuất khẩu ngũ cốc Groupe Soufflet, sẽ còn làm ăn tốt hơn.
Tại chuyến công du lần này, tháp tùng ông Hollande là nhiều quản trị viên từ các công ty lớn của Pháp như công ty hàng không Air France, tập đoàn khách sạn Accor, công ty rượu Pernod Ricard. Cả 3 công ty này đều đã hoạt động ở Cuba, nhưng họ vẫn muốn mở rộng kinh doanh và nhanh chóng tận dụng các tiềm năng sẽ thu được từ việc Mỹ thôi cấm vận kinh tế Cuba.
Trong số các doanh nghiệp trên, Accor dường như đã được hưởng lợi ngay lập tức. Hôm 11/5, công ty thông báo đã đạt được thỏa thuận xây dựng khách sạn hạng sang Pullman Cayo Coco gồm 518 phòng ở gần sân bay quốc tế Cuba
Accor, tập đoàn đã hoạt động ở Cuba trong gần 20 năm, hiện đang quản lý hai khách sạn tầm trung dưới thương hiệu Mercure tại đây, gồm Mercure Sevilla Havana với 178 phòng ở vùng Habana Vieja và Mercure Playa de Oro với 385 phòng ở resort ven biển Varadero.
Theo thỏa thuận ký kết với công ty nhà nước Gran Caribe của Cuba, Accor sẽ điều hành khách sạn Pullman mới dưới một hợp đồng quản lý. Khách sạn sẽ khai trương ngay trong tháng 11 năm nay. Hơn ba triệu du khách đã ghé thăm Cuba trong năm ngoái, mang lại khoản doanh thu tới 2,7 tỷ USD. Đó rõ ràng là con số không nhỏ, là miếng bánh béo bở cho các công ty như Accor.
Hàng loạt nước muốn tăng cường quan hệ
Những tiềm năng khổng lồ từ Cuba khiến Pháp không phải nước duy nhất muốn nhanh chóng cải thiện quan hệ. Các chính trị gia hàng đầu từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Italy, Hà Lan và Nga đều đã ghé thăm Cuba trong mấy tháng gần đây. Họ muốn nhanh chóng tìm chỗ đứng hoặc duy trì quan hệ với quốc đảo này.
Gần như các phái đoàn ngoại giao đều có sự tháp tùng của những doanh nhân quan tâm tới nỗ lực hút hơn 8 tỷ USD tiền đầu tư nước ngoài của Cuba. Các phái đoàn cũng nỗ lực để chính quyền Cuba không quên họ, khi bắt đầu kỷ nguyên mới tăng cường làm ăn với Mỹ.
Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy và Pháp hiện đang là các đối tác thương mại lớn nhất của Cuba ở Liên minh châu Âu (EU). Cả khối EU là đối tác kinh tế lớn thứ 2 của Cuba, với tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa, máy móc và các mặt hàng khác giữa đôi bên đã lên tới 4,65 tỷ USD trong năm ngoái.
Ngoài thương mại, Cuba còn là thị trường dầu khí hứa hẹn. Cuba từng tuyên bố rằng vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này chứa hơn 20 tỷ thùng dầu thô chưa được phát hiện. Tuần trước, Cuba lại công bố dữ liệu xác nhận có hàng triệu thùng dầu dưới khu vực vùng biển thuộc chủ quyền của nước này ở Vịnh Mexico.
Công ty Total của Pháp đã từng tới Cuba vào đầu những năm 1990 và khoan thăm dò 2 giếng dầu, nhưng do chẳng thu được gì nên phải rời đi vào năm 1995. Với chuyến thăm của ông Hollande, không loại trừ họ sẽ sớm trở lại cuộc chơi trong thời gian tới.
Hương Giang (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất