12/07/2018 06:40 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Dấu tích nơi những "công dân" đầu tiên của Hà Nội từng sinh sống đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Câu chuyện ấy đã được giới nghiên cứu nhắc đi nhắc lại trong hơn nửa năm qua – và lại vừa trở thành chủ đề của một cuộc tọa đàm do thành phố tổ chức vào sáng qua 11/7.
Địa điểm đặc biệt đó là khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Từ năm 1969, di chỉ này đã được phát hiện. Những cuộc khai quật rải rác đã làm hé lộ tại đây một hệ thống vô vùng phong phú các di vật. Cụ thể, đó là dấu tích 28 ngôi mộ táng của văn hóa Đông Sơn, là dấu vết của các hố hành lễ, là đồ gỗ, đồ trang sức, gạo hóa than, là các vết tích của thời kỳ đồ đồng như xỉ đồng, giọt đồng, khuôn đúc bằng đất nung...
Và, khi các nhận định ban đầu cho rằng khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ 3500 – 1000 năm trước, giá trị của di chỉ Vườn Chuối đã vượt qua phạm vi của lịch sử Hà Nội. Bởi, như nhận xét của PGS Tống Trung Tín, tại khu vực phía Bắc, những vết tích của thời đại đồng thau là không còn nhiều – ngay cả ở Phú Thọ, nơi khai sinh nhà nước thời Văn Lang cổ đại.
Thế nhưng, vết tích "nhà cũ" của những công dân đầu tiên tại Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Lý do: khu vực này (chưa nằm trong danh mục bảo tồn) lại nằm lọt trong vùng đất mà tỉnh Hà Tây cũ đã giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị từ năm 2007.
Khá may mắn, do điều kiện kinh tế, dự án xây dựng này chưa được triển khai. Để rồi, vào cuối 2017, khi dự án chuẩn bị khởi động lại, kiến nghị từ các chuyên gia đã giúp Hà Nội ra văn bản yêu cầu phía đầu tư tạm giữ nguyên hiện trạng của khu vực vườn chuối, trước khi chờ giải pháp mới.
***
Các ý kiến tại cuộc tọa đàm sáng 12/7 đều khẳng định: khu vực này cần sớm được xếp hạng di tích, đồng thời tổ chức khai quật thêm để xác định rõ các giá trị đi kèm.
Tất nhiên ý tưởng ấy là hoàn toàn hợp lý và khoa học, khi chúng ta chọn bảo tồn một không gian có giá trị của Hà Nội. Có điều, ý tưởng ấy mới chỉ là khởi đầu. Nó sẽ liên quan tới rất nhiều câu chuyện khác – mà trước hết là một nguồn kinh phí không hề nhỏ để "đền" cho doanh nghiệp phần đất được giữ lại, cũng như tiến hành khai quật di chỉ và tổ chức bảo tồn.
Thẳng thắn, nếu vẫn theo tư duy cũ, nguồn kinh phí ấy chỉ có thể trông chờ vào Nhà nước. Và, đáng nói hơn, nếu thiếu biện pháp tiếp cận hợp lý, di chỉ Vườn Chuối vẫn sẽ chỉ là một khu bảo tồn "chết" – khi khoảng cách 20km với trung tâm Hà Nội không dễ để hút du khách tới thăm.
Bởi thế, bên cạnh chuyện bảo tồn, bài toán ở đây là tìm hướng khai thác, để di chỉ được nhìn nhận và quảng bá đúng với giá trị tự thân của mình. Là nơi sinh sống của những "công dân" đầu tiên tại Hà Nội, không gian ấy mang theo nó quá nhiều câu chuyện và sức hấp dẫn tự thân để phục vụ du lịch hay giáo dục – cũng như để thu hút các nguồn lực đầu tư. Vấn đề khó nhất, như thực tế, chỉ là cơ chế và cách làm.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất