09/06/2023 07:42 GMT+7 | Bóng đá Việt
Indonesia sẽ đá với Argentina vào ngày 19/6 trong loạt FIFA Days tới đây. Các bạn không nghe nhầm đâu. Còn Việt Nam gặp Hong Kong (Trung Quốc) và Syria, xen kẽ là các trận đấu tập với Công an Hà Nội và Hải Phòng của cả 2 ĐTQG và U23 quốc gia.
Trong nhiều năm, tính bằng cả thập niên, Việt Nam chưa bao giờ là điểm đến yêu thích của các đội bóng hàng đầu. Lần cuối cùng người hâm mộ được xem tận mắt, dắt tận tay các ngôi sao tầm cỡ quốc tế, đấy là khi đội tuyển Việt Nam đá với CLB Manchester City ở Mỹ Đình. Trận đấu ngày 27/7/2015 kết thúc với tỷ số 1-8 (Văn Quyết là tác giả của bàn thắng danh dự).
Chúng ta sẽ thắc mắc không phải mới đây, chỉ cuối tháng 11 năm ngoái, đội bóng áo đỏ cũng đã gặp Borussia Dortmund đấy sao và thậm chí còn giành chiến thắng 2-1?! Đấy không phải là một trận giao hữu đúng nghĩa nằm trong kế hoạch tập trung ĐTQG cho các mục tiêu quan trọng (dù AFF Cup 2022 sát nách), mà đơn giản chỉ là "nhà có cỗ". Đại diện Bundesliga không đưa ra sân đội hình mạnh nhất và dường như cũng chỉ đá cho có lệ, trước khi yêu cầu kết thúc sớm trận đấu để kịp giờ ra sân bay.
Hẳn không một ai quên hình ảnh khá xấu hổ của BTC sân Mỹ Đình hôm ấy, với cầu môn bị hỏng và hệ thống cabin Ban huấn luyện, ghế ngồi dành cho trọng tài thứ 4 cũng như điều phối viên... bị gió thổi bay tá lả. Cùng với đó là chất lượng mặt cỏ quá tệ của sân bóng quốc gia.
Vẫn phải nhắc lại, là ngay cả mời được các CLB hàng đầu như Juventus cách đây gần 3 thập niên hay Arsenal, Man City, Dortmund..., thì ngoài mục đích thương mại kèm theo ý nghĩa rửa mắt khán giả, nó hoàn toàn không phục vụ bất cứ tiêu chí nào về chuyên môn, nếu không muốn nói là đi ngược với khuyến cáo của FIFA trong việc bảo lưu giá trị thương mại, hình ảnh của các ĐTQG thành viên.
Trở lại với việc tại sao và như thế nào PSSI (LĐBĐ Indonesia) có thể mời được nhà vô địch thế giới với Lautaro Martinez và cả ngôi sao Leo Messi đến Gelora Bung Karno đấu với ĐTQG nước này?
Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á sở hữu sân bóng đẹp nhất và hùng vĩ nhất khu vực, đó là tiêu chuẩn đầu tiên cho việc phát triển thị phần, hình ảnh của các đội bóng hàng đầu. Chúng ta không sở hữu điều đó là một thiệt thòi lớn. Ngoài ra còn phải kể đến mối quan hệ của VFF và các Liên đoàn bóng đá thành viên FIFA ngoài Đông Nam Á. Và, một yếu tố cơ bản khác: Tài chính, phí ra sân cho các đội khách mời.
Cứ mỗi dịp Hè, người hâm mộ Việt Nam lại tìm đủ mọi cách săn vé đi Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia và cả Trung Quốc để được xem các CLB hàng đầu thế giới trình diễn trong các Asia Tours của họ.
Các ĐTQG thời hậu Park Hang Seo được trao lại cho HLV Philippe Troussier và có cảm giác đang được tổ chức hơi rời rạc, thiếu sinh khí. Các ngôi sao của đội tuyển trước đây đã đến ngưỡng, tức là kịch trần về năng lượng tận hiến, cũng như năng lực chinh phục. Thế nên, có thể dễ dàng cảm nhận khao khát của một bộ phận các cầu thủ này là không cao. Chúng tôi chia sẻ với HLV Troussier và không ngạc nhiên khi người dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam đang thực hiện các kế hoạch trẻ hoá đội hình. Đó là một chiến lược mạo hiểm và đầy gian nan.
HLV trưởng người Pháp đã và đang đánh vật với khối lượng công việc quá lớn, và ông rất cần nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ từ VFF cũng như đội ngũ trợ lý và dĩ nhiên là các CLB ở hệ thống giải quốc nội.
Trong tương lai, có lẽ HLV Troussier cần nhiều hơn những trận đấu giao hữu với đối thủ có đẳng cấp cao thực sự để nâng tầm cho ĐTQG cũng như U23 quốc gia, nhằm đem tới hiệu quả tối đa như mong đợi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất