21/08/2023 15:01 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến phát triển lĩnh vực văn hóa muốn hướng đến sự phát triển bền vững, bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và bổ sung những giá trị văn hóa mới.
Sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực; tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế khiến Luật Thủ đô chưa thể là bước đà tạo ra sự thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô cũng như thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Hợp tác công - tư trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa
PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nêu ý kiến, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng, mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra, phù hợp với thực tiễn và có khả năng tạo cơ chế đột phá để huy động, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô là rất cần thiết.
PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, "vượt trước" về văn hóa, để mục tiêu "kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô" có thể trở thành hiện thực.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến Điều 24 về "Bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao", PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương nhận định, quan điểm của Ban soạn thảo Luật là muốn hướng đến sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô, đó là đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và bổ sung những giá trị văn hóa mới, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô, để văn hóa Thủ đô, văn hóa của người Hà Nội ngày càng phong phú và tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Đây là một quan điểm phù hợp, đúng đắn.
PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương cho rằng nếu dùng từ "bảo vệ" thì chưa thể hiện được hết ý nghĩa này, còn dùng từ "bảo tồn" sẽ bao gồm cả việc phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống và việc sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên cơ sở những giá trị đã có, tức là không chỉ giữ mà còn sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương nêu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trong đó cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương cho rằng, với Hà Nội, hình thức này nên được thực hiện chính thức và quy định trong Luật, như dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được xây dựng.
Bở lẽ, nếu chỉ sử dụng ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn. Cho dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, cả về nhân lực và tài lực. Nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thì việc đầu tư sẽ nhanh chóng hơn, triệt để hơn và có thể thực hiện được nhiều dự án hơn do có thêm nguồn kinh phí, việc vận hành, duy trì cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn.
Trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công - tư trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể là khó khăn, phức tạp nhất bởi phải đảm bảo tính nguyên gốc, toàn vẹn, an toàn của bản thân di sản và không gian cảnh quan xung quanh trong khi phải có các hình thức phát huy giá trị di sản hiệu quả mới có thể thu hút được tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả.
Ở Việt Nam, một số di sản đã thưc hiện việc hợp tác này và lợi ích đem lại cho các bên là không thể phủ nhận, như Khu di tích - danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, Khu Phong Nha - Kẻ Bàng…
Lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt
Đóng góp ý kiến về sự cần thiết và cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp văn hoá trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ThS. Trần Dũng Hải, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh thêm, với vai trò là Thủ đô của cả nước và việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là không thể tách rời, cần có những chính sách, cơ chế đặc thù, cụ thể để các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội phát triển.
Luật Thủ đô năm 2012 ngoài các quy định chung cũng đã có riêng Điều về Bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, các quy định đa số mới chỉ dừng ở mức đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tính đặc thù và vai trò quan trọng của thủ đô Hà Nội trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" là khu vực tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại với các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.
Ngoài ra, đã có quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô.
Từ đó, ThS. Trần Dũng Hải đóng góp ý kiến sửa thuật ngữ "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" thành "Khu thúc đẩy văn hóa và thương mại", lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt, hoạt động thương mại, dịch vụ là hoạt động bổ sung, sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, phục vụ phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tránh tình trạng biến tướng, thương mại hóa các khu có tính chất đặc thù này trong thực tiễn triển khai sau này.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung các ngành công nghiệp văn hóa khác vào dự thảo như dự án đầu tư mới vào phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ… nhằm mục đích tạo ra hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa hỗ trợ nhau trong phát triển, tạo thành tổng thể hài hòa nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Sửa đổi Luật Thủ đô: Yêu cầu ttừ hực tiễn
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư; Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách về thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, KHCN, bảo vệ môi trường…
Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.
Nội dung dự thảo Luật bám sát 09 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.
Cụ thể: (1)Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (2)Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; (3)Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; (4)Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; (5)Phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; (6)Phát triển văn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Thủ đô; (7)Nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô; (8)Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; (9)Phát triển Vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Bố cục của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến gồm 06 chương, 54 điều (tăng 02 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012).
Về phạm vi điều chỉnh, trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật đã quy định cụ thể và bổ sung các nội dung về tổ chức chính quyền tại Thủ đô Hà Nội, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, liên kết, phát triển Vùng Thủ đô vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.
Một số điểm mới tại Dự thảo luật như: Cho phép tách, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với các dự án nhóm B, nhóm C; Cho phép Hà Nội được thực hiện các hình thức đầu tư khác quy định của pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa quy định; Phân quyền mạnh cho Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân trong tổ chức bộ máy, đầu tư;…
Hiện nay dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được đăng tải công khai lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/9/2023.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất