26/06/2017 10:39 GMT+7 | Điểm đến
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi rẽ vào thăm suối cá thần Lương Ngọc ở huyện Cẩm Thuỷ, một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Thanh Hoá.
Một ngày bình thường. Khu vực này vẫn khá đông khách. Bãi đỗ khá rộng vẫn kín các loại xe khách, xe con. Dòng người vẫn tiếp tục đến từ các hướng. Từ một phía có cầu treo, xe ô tô lớn không qua được, khách thăm phải chuyển sang các xe chuyên dụng vào suối cá .
Đây là suối cá ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương. Có một suối cá thứ hai ở thôn Dùng, xã Cẩm Liên, cũng trong huyện này. Suối cá thứ ba thì ở thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Thanh Hoá nổi tiếng với ba suối cá này.
Chúng tôi hoà vào dòng người thăm suối cá. Trên đoạn suối chảy chỉ khoảng một trăm mét chảy từ lòng núi ra, có hàng ngàn con cá bơi lội. Có loại vài ba cân, có loại cả chục cân. Nghe nói trong lòng núi có cá chúa cỡ ba mươi cân nhưng ít khi ra ngoài.
Cá ở đây gọi là cá giốc thuộc họ cá chép, màu xanh thẫm, mép và vây có viền đỏ, khi bơi trong nắng tạo ra những vầng sáng lấp lánh rất đẹp.Giống cá này có tên trong sách đỏ Việt Nam, từ lâu đời được người dân coi như cá thần, đem lại sự yên vui no ấm cho con người ở đây.
Đàn cá thần Cẩm Lương gắn với một truyền thuyết về chàng Rắn, được hai vợ chồng người dân Cẩm Lương nuôi từ nhỏ, đã quên mình đánh nhau với thuỷ quái để giữ bình yên cho xóm làng, được thượng đế phong là "Tứ phủ long vương ".
Dân làng lập đền thờ chàng Rắn dưới chân núi Trường Sinh , bên suối Ngọc.Từ đấy, có hàng ngàn con cá theo suối về chầu trước cửa đền.Người dân tin rằng đây là điều linh thiêng và không bao giờ ăn cá suối Ngọc. Đàn cá ngày một sinh sôi, ở trong lòng núi, ban ngày mới bơi ra ngoài.
Dọc bên bờ suối, khách tham quan khá đông nhưng mọi người chi chụp ảnh, ghi hình với sự tôn trọng tự nhiên dành cho đàn cá. Qua cây cầu nhỏ , chúng tôi vào viếng " Tứ phủ long vương" để thể hiện lònh thành kính với một truyền thuyết lâu đời làm nên bản sắc của vùng văn hoá độc đáo này.
Điều may mắn suối cá thần đem lại cho Lương Ngọc còn ở khía cạnh khác. Cái làng nhỏ dưới chân núi Trường Sinh này, nhờ có suối cá, trở thành điểm tham quan hấp dẫn.
Du khách thập phương về thăm ngày một đông đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dịch vụ mở mang, đem lại nguồn thu cho địa phương, công ăn việc làm cho nhiều người. Khu suối cá thành nơi đón và phục vụ khách, đồng thời cũng thành khu chợ sầm uất, nơi trao đổi sản phẩm hàng hoá nông sản cho cả vùng.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất