Câu chuyện du lịch: Chếnh choáng giữa rừng anh đào ở Turtuk

25/09/2016 09:26 GMT+7 | Điểm đến

(Dulich - Thethaovanhoa.vn) - Chuyến đi đến Nubra Valley và làng Turtuk ở Ấn Độ là hành trình lần tìm theo mùa hoa anh đào nở. Đến Leh hoa còn lác đác, đến Nubra đã tưởng rằng mãn nhãn nhưng khi đến Turtuk thì chúng tôi được chiêu đãi cả “một khu rừng”, gần như không còn trông đợi gì hơn.

Đường đi Nubra là một trong những cung đường gây cảm giác và cảm xúc mạnh, tuyết phủ bốn bề trên độ cao lên đến 5600m, qua Khadrung La, được xem là con đèo cao nhất thế giới mà xe có động cơ có thể qua được.

Khi dừng lại trên đỉnh  đèo, cơ thể phản ứng lại với việc thiếu hụt oxy trong không khí, làm tim đập nhanh và chân tay tê buốt, tôi khó lòng nhận ra được đâu là chứng say độ cao và đâu là cơn chếnh choáng của kẻ lãng du khi đứng trước đất trời rộng lớn và đặt chân đến một nơi đặc biệt như thế này.


Tác giả trong vườn đào Turtuk

Nhìn từ trên cao, con đường chúng tôi vừa đi qua chỉ bé nhỏ như một mảnh lụa mỏng tối màu, vắt qua một vùng tuyết trắng tưởng chừng như bất tận. Phương tiện lưu thông qua đây hầu hết phải hết sức cẩn trọng và các bác tài đều là những người dày dạn kinh nghiệm vì ở độ cao này, động cơ rât dễ trục trặc, và con đường chỉ cách vực sâu 1 bước sơ sảy.

Vừa qua khỏi Khadrung La thì màu xanh cây cối dần hiện dần trước mắt tuy nhiên vẫn rất rải rác vì chúng tôi đang tiến đến một vùng sa mạc lạnh – thung lũng Nubra. Nubra là một ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa những đồi cát xám mênh mông. Vào buổi chiều muộn, ánh mặt trời nhuộm vàng những đỉnh núi tuyết đằng xa vô tình hắt thứ ánh sáng màu hổ phách lên cảnh vật xung quanh. 



Con đường qua Khradrung La

Sau một hồi nhìn ngắm lang thang, tôi quyết định leo lên một đụn cát thật cao và ngồi thiền, tôi không cố gắng tâp trung vào bất cứ điều gì, chỉ để tâm trí mình trôi lờ lững như một dòng sông, gió đưa những đợt cát lao xao xung quanh tôi, chạm vào tôi rất khẽ, rồi tan biến giữa mênh mông. Cho đến khi cảm thấy hơi lạnh tôi mới mở mắt ra, hoàng hôn đã tắt từ bao giờ. Tôi chạm rãi trở vào nhà, nơi có bếp lửa ấm áp và những người bạn đang chuẩn bị bữa tối.

Buổi sáng hôm sau chúng tôi dậy thật sớm và đi bộ quanh làng, nơi này mang một vẻ đẹp bình dị, với những nếp nhà hiền lành, những câu chú tiếng Tạng được khắc trên những hòn đá ở khắp nơi, như những lời khấn nguyện bình an cho mọi người.

Mùa Xuân đang hiện diện ở đây, hoa đào khoe sắc rực rỡ và những chồi non dương liễu đã đâm chồi xanh thẫm. Tạm biệt Nubra, chúng tôi lên đường đến Turtuk, một ngôi làng sát biên giới Parkistan và chỉ mới được mở cửa cửa đón khách du lịch một vài năm gần đây.


Hoa đào ở Nubra

Khi xe sắp đi vào làng, từ đằng xa tôi bỗng nhận ra và reo lên “một rừng hoa anh đào” bên sườn núi, quên cả một chặng đường dài, quên cả việc chưa ăn trưa lúc 4h chiều, cứ nhìn theo hướng khu rừng mà đến, và quả nhiên, chúng tôi được chiêu đãi mọi giác quan khi đặt chân vào chốn địa dàng này.

Bạn tôi mê nhiếp ảnh, ngồi hàng giờ bên gốc hoa đào mong chụp được bức ảnh cánh đào rơi lả tả, anh tài xế gợi ý hay để anh rung cây thì bạn gạt đi, vì thương hoa. Khi tối mịt cả bọn mới rời đi và in dấu trong kí ức mình về một nơi thần tiên không dễ gì gặp lại trong đời.

Làng Turtuk khá nhỏ với khoảng gần 200 nóc nhà nhưng làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dọc các lối đi là mương nước trong veo, người dân múc nước trực tiếp từ đây cho sinh hoạt hằng ngày, nước chảy từ nơi cao xuống nơi thấp, được phân bố đều khắp các ngõ ngách. Buổi sáng chúng tôi ra đồng, thấy rất nhiều phụ nữ đang cắm cúi làm việc, khi đến gần thì phát hiện ra họ đang…bắt sâu, nông nghiệp ở đây hoàn toàn tự nhiên, rau màu không có thuốc hóa học tăng trưởng.


Một mảnh vườn ở Turtuk

Việc tự cung tự cấp ở một nơi biên cương xa xôi cho phép họ duy trì được nền nông nghiệp tự nhiên hoàn hảo vậy, quả thực rất đáng để mơ ước. Nhưng bên cạnh khung cảnh làng quê yên bình, đôi khi bị xao động vì tiếng máy bay trực thăng tuần tra trên không, và dày đặc các chốt quân sự dọc đường, chúng tôi mới sực nhớ rằng, mình đang ở một trong những vùng biên chiến sự căng thẳng nhất thế giới.

Ấy vậy mà những con người nơi đây vẫn hiền hòa đến lạ lùng, giữa chiến tranh mất mát, họ vẫn cần mẫn sống như bao đời, vẫn chăm sóc từng mảnh vườn khóm rau, và vô tình qua đó, họ chăm sóc chính tâm hồn mình, trong chúng ta, mấy ai làm được điều này?

Bài & Ảnh: Thảo Uyên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm