14/04/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tham gia thảo luận tại diễn đàn du lịch 2023 chủ đề "Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 14/4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh quan điểm "Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…" đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là "Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao". Luật Du lịch số 09/2017/QH14 quy định nguyên tắc phát triển du lịch là "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng".
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Do đó, để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh) kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương.
Cũng theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Ở Việt Nam, Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định các dòng sản phẩm ưu tiên cần tập trung phát triển trong đó có du lịch biển, du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Trong du lịch văn hoá ưu tiên phát triển du lịch di sản, lễ hội, tìm hiểu văn hoá lối sống…, các giá trị văn hoá có mặt trong mọi loại hình, sản phẩm khác.
Ở nước ta, cũng đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long... Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Múa rối nước", "À Ố Show"...
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống chiếm tỷ trọng cao. Đáng lưu ý, 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Thực tiễn đó cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế du lịch của di sản văn hóa truyền thống để tạo động lực cho phát triển.
Khẳng định Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, cả nước hiện có 5 di sản văn hoá vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bề dày lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Dựa trên các giá trị tài nguyên về du lịch văn hóa đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã được xây dựng, khai thác phục vụ khách du lịch.
Trong 3 năm liên tiếp, từ 2018-2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á", "Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á" và là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng giới thiệu về đề án Tứ đại cảnh – Huyền thoại Việt Nam nhằm quảng bá du lịch, văn hóa thông qua biểu diễn nghệ thuật; công nghệ âm thanh, ánh sáng. Chương trình hướng tới thu hút khách du lịch, đồng thời quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam (tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử và truyền thống nhân văn); lan tỏa thông điệp mang những giá trị cốt lõi của văn hóa lịch sử Việt Nam. Chương trình có thể là một chương trình biểu diễn hoàn chỉnh từ 60 -80 phút hoặc theo hình thức thu gọn đáp ứng về thời gian, không gian, địa điểm để phục vụ du lịch. Có thể được bán vé và biểu diễn thường xuyên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nêu việc liên kết để phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh trong năm 2023. Một Hội nghị quốc tế; diễn đàn "Du lịch và điện ảnh Việt Nam"... dự kiến sẽ diễn ra tại Khánh Hòa vào cuối tháng 5/2023 để đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh; đưa điện ảnh ra nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước là xu hướng chung của tất cả các nước. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2023...
Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú. Nguồn lực này được khai thác để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa. Cũng từ đó, du lịch đóng góp tích cực trong bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất