20/07/2021 16:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sự đa dạng về địa hình, từ miền núi, trung du, đồng bằng tới biển đảo, sự giàu có về lịch sử, danh thắng, với hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia, quốc tế... mang tới cho du lịch xứ Thanh tiềm năng phát triển dồi dào.
* Miền đất mang vẻ đẹp hoang sơ - Pù Luông
Bá Thước là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa hơn 100 km về phía Tây; có tổng diện tích tự nhiên trên 777,52 km2; dân số 108 ngàn người, gồm ba dân tộc anh em chung sống, gồm dân tộc Mường, dân tộc Thái và dân tộc Kinh.
Bá Thước là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; quê hương gắn liền với sử thi “Đẻ đất đẻ nước” với “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc”; truyện “Nàng Ờm - Chàng Bồng Hương”, Lễ Hội Pồn Pôông, những điệu hát xường (của dân tộc Mường); Truyện thơ “Khăm Panh”, những làn điệu khặp, những lễ hội dân gian (của dân tộc Thái).
Thiên nhiên ban tặng cho Bá Thước nhiều danh thắng và thác nước đẹp có thể khai thác phát triển du lịch, như: Thác Muốn (xã Điền Quang), Thác Hiêu (xã Cổ Lũng), Thác Dần Long (xã Lương Ngoại), Hang cá thần xã Văn Nho, Hang Dơi (Kho Mường, xã Thành Sơn); Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với hệ sinh thái rừng, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, nhiều điểm có cảnh quan đẹp, hoang sơ, khí hậu mát mẻ, như khu Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao) được ví như một Sa Pa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 18 - 220C, đôi khi mùa đông có tuyết rơi, tối mùa hè nhiệt độ cũng xuống rất thấp…
Ở Bá Thước, mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện muộn hơn một số tỉnh phía Bắc, nhưng cũng đã đem lại không ít thành công. Theo ông Trương Văn Minh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin - Huyện Bá Thước: Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở Bá Thước tập trung phát triển nhiều nhất ở các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Thành Sơn, Lũng Cao. Du lịch cộng đồng ở đây chủ yếu kết hợp giữa việc tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân. Du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống ở nhà dân, cùng tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày như các hoạt động tập thể: đốt lửa trại, đi bộ, ngắm cảnh, tham quan rừng nguyên sinh... Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Phú Thịnh (Tapas Travel) tổ chức giải Marathon băng rừng Việt Nam tại Pù Luông thu hút gần 1000 vận động viên thuộc 46 quốc gia, đây là dịp kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng như quảng bá hình ảnh Bá Thước đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tổng số khách du lịch đến với Bá Thước giai đoạn 2015 - 2018 là trên 47 nghìn lượt người, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt gần 50 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch từ năm 2015 đến nay trên 100,2 tỷ đồng.
VIDEO giới thiệu du lịch Pù Luông:
* Bãi biển Sầm Sơn, Vườn Quốc gia bến En, Bán đảo Nghi Sơn...
Trong cuộc hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (diễn ra năm 2020), PGS.TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đã nhấn mạnh Thanh Hóa là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch mang tính đặc thù, đặc biệt về lịch sử văn hóa bên cạnh các giá trị tự nhiên đặc sắc và hấp dẫn như biển Sầm Sơn, VQG Bến En …Với tiềm năng du lịch đặc sắc mang tính đặc thù về văn hóa và tự nhiên, Thanh Hóa có thế mạnh nổi trội trong phát triển du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch biển. Đây là lợi thế tạo nên thương hiệu riêng có của điểm đến Thanh Hóa, góp phần quan trọng tạo nên sức cạnh tranh của điểm đến.
Hơn 110 năm trước, người Pháp đã nghiên cứu và chỉ ra Sầm Sơn là một trong những “khu nghỉ mát lý tưởng nhất Đông Dương”, khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí họ đưa ra như: độ thoải dốc của bờ, độ khoáng mặn lý tưởng của nước và cấp độ sóng vừa phải, không có đá ngầm, an toàn khi bơi xa…
Nhận thức được những tiềm năng và lợi thế về du lịch, trong những năm qua, đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây,Thanh Hóa đã chú trọng phát triển du lịch, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập củacộng đồng và tạo được hình ảnh của Thanh Hóa như một điểm đến năng động, giàu bản sắc và thân thiện.
Không giống với những bãi biển du lịch nổi tiếng tấp nập, sầm uất, Bãi Đông cứ tĩnh lặng một mình, sống cuộc sống biệt lập, thở hơi thở hoang sơ, tựa như một ý niệm nhẹ nhàng về niềm khát khao tự do của sóng, của gió. Đến Bãi Đông, người ta như vào một thế giới khác – kì lạ, độc đáo mà không thiếu đi phần lãng mạn. Dưới chân là dải cát trắng mịn, bên tai là tiếng sóng rì rào, hơi nước mát lạnh lẫn mùi biển tan trong gió, màu xanh của những rặng phi lao chạy tít về phía chân trời và làn nước lấp lánh màu nắng vàng ấm áp. Bãi Đông phản ánh muôn màu cuộc sống của một xã biển tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống đô thị.
VIDEO giới thiệu du lịch Nghi Sơn:
Trong khi đó, Vườn quốc gia Bến En vốn được mệnh danh từ lâu là “Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nét đẹp thanh tú, nguyên sơ, nơi đây thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm và là niềm tự hào lớn lao của những con người xứ Thanh.
Chỉ cách trung tâm thành phố 30 phút đi xe, nơi đây dần trở thành sự lựa chọn lí tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước dù ở bất kì thời gian nào trong năm. Nhắm mắt và liên tưởng đến Vườn Quốc Gia Bến En, người ta thường nghĩ đến những cánh rừng xanh vô tận với muôn vàn động vật quý hiếm, những hang động kì vĩ, hay những dòng sông trong xanh bao quanh khu rừng.
* Mũi nhọn kinh tế du lịch
Tuy nhiên theo thống kê, mức chi tiêu trung bình của du khách đến Thanh Hóa năm 2020 chỉ đạt 1,4 triệu đồng/người. Hệ quả là, dù lượng khách đến Thanh Hóa luôn ở mức cao, nhưng doanh thu du lịch lại kém xa các tỉnh có cùng tiềm năng. Chẳng hạn, năm 2019, Thanh Hóa đón 9.655.000 lượt khách, cao hơn Đà Nẵng (8.692.421 lượt) nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 14.526 tỉ đồng, bằng gần một nửa Đà Nẵng (30.973 tỉ đồng).
Nhận định về mũi nhọn du lịch của Thanh Hóa, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Lâu nay, du lịch Thanh Hóa chỉ nổi tiếng ở Sầm Sơn. Nhưng Sầm Sơn lại là du lịch mùa vụ, trong khi văn hóa du lịch ở đây lại chưa đủ sức quyến rũ du khách.
Gần đây, khi có một số nhà đầu tư lớn vào làm du lịch ở đây, chân dung du lịch Sầm Sơn được cải thiện đáng kể. Văn hóa du lịch của người dân cũng được đẩy lên nhưng vẫn chưa đủ để biến Sầm Sơn thành tọa độ du lịch sánh vai được, ví dụ, với Đà Nẵng, Hạ Long hay Nha Trang”.
PGS. TS. Trần Đình Thiên cũng đã chỉ rõ con đường đánh thức tiềm năng cho du lịch Thanh Hóa: “Không cần nhìn đâu xa. Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Phú Quốc đã cho thấy cách “lột xác” ngoạn mục của thị trường du lịch trong quãng thời gian không dài, với hạ tầng kinh tế – du lịch phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa, giải trí. Cốt lõi là thu hút được những con “đại bàng” đủ năng lực tạo chân dung phát triển cho chính nơi mời gọi chúng và được chúng chọn”.
Bài - Clip: Nguyễn Thị Hồng Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất