Dư âm chương trình nghệ thuật 'Ký ức để lại': Bi tráng và xúc động

20/04/2025 16:49 GMT+7 | Văn hoá

Diễn ra tối 19/4 tại Tây Ninh, Ký ức để lại không chỉ là chương trình nghệ thuật chính luận hoành tráng mà còn cho thấy những sáng tạo có chiều sâu từ lòng tự hào và ý thức công dân của thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Do Đảng ủy Công an Trung ương (Bộ Công an) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức tại Quảng trường Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, tái hiện dấu ấn lịch sử của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam - cơ quan đầu não đóng vai trò then chốt trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Dư âm chương trình nghệ thuật 'Ký ức để lại': Bi tráng và xúc động - Ảnh 1.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật "Ký ức để lại"

Gắn với vùng đất Tây Ninh – một căn cứ địa cách mạng kiên trung nhưng cũng là nơi hứng chịu những đợt càn quét khốc liệt nhất từ kẻ thù – chương trình vinh danh những đóng góp thầm lặng nhưng phi thường của lực lượng Công an nhân dân, những người đã góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975.

Ký ức để lại được đạo diễn - tổng biên đạo Tuyết Minh cùng ê-kíp hơn 500 nghệ sĩ thực hiện dưới hình thức sân khấu bán thực cảnh - nơi âm nhạc, múa, điện ảnh, kỹ xảo ánh sáng và kịch nói hòa quyện, tạo nên một không gian giàu cảm xúc. Với cấu trúc 3 chương - 6 cảnh, kéo dài 80 phút, chuowg trình dẫn dắt người xem đi qua hành trình gian khổ nhưng đầy tự hào của lực lượng an ninh cách mạng, từ miền Bắc những năm 1960, đến chiến trường miền Nam rực lửa, và kết thúc tại Tây Ninh - điểm khởi đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại.

Dư âm chương trình nghệ thuật 'Ký ức để lại': Bi tráng và xúc động - Ảnh 2.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật "Ký ức để lại"

Cần nhắc lại, trong lịch sử, Tây Ninh là vùng đất giữ vị trí chiến lược và được xem như "an toàn khu" của cách mạng miền Nam. Tại đây, những chỉ đạo chiến lược, những mệnh lệnh quyết định cho toàn chiến trường đã được phát đi. Vì vậy, các lực lượng quân sự Mỹ luôn xem nơi này là mục tiêu triệt phá hàng đầu, khiến chiến sự luôn căng thẳng, ác liệt. Bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng tại Tây Ninh trở thành nhiệm vụ sống còn của lực lượng an ninh - một nhiệm vụ đòi hỏi sự hy sinh thầm lặng nhưng bền bỉ và gan dạ.

Từ chất liệu ấy, chương trình khắc họa sâu sắc chất dân tộc và nhân dân trong cuộc chiến tranh cách mạng. Không chỉ tái hiện những cảnh chiến đấu bi tráng, Ký ức để lại còn tập trung xây dựng hình tượng những người chiến sĩ trong đời sống thường nhật với tình cảm gia đình, tình đồng chí, nghĩa tình với nhân dân. Và đứng bên cạnh họ là những người mẹ miền Bắc tảo tần, vừa gánh vác việc nước, vừa giữ lửa nơi hậu phương; là những người dân miền Đông Nam bộ luôn sẵn sàng che chở cán bộ cách mạng, bất chấp hiểm nguy, tra tấn.

Dư âm chương trình nghệ thuật 'Ký ức để lại': Bi tráng và xúc động - Ảnh 3.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật "Ký ức để lại"

Ba chương chính của chương trình -  Ký ức đỏ, Chia lửa với miền Nam, và Đất lửa Tây Ninh, cùng phần kết đầy cảm xúc Ký ức để lại - là bản hùng ca ngợi ca tinh thần quả cảm, trí tuệ và bản lĩnh của lực lượng an ninh nhân dân. Về mặt nghệ thuật, chương trình đan xen giữa những câu chuyện lịch sử có thật với thủ pháp dàn dựng cách điệu, điển hình hóa hình tượng người chiến sĩ cách mạng.

Các nhân vật chính luận được khắc họa rõ nét, trong khi những đoạn diễn, cảnh múa, hoạt cảnh được xử lý đa lớp, tạo hiệu ứng sân khấu mạnh mẽ. Những khoảng lặng giàu chất nhân văn đan xen với các đại cảnh hào hùng khiến khán giả bị cuốn theo mạch chuyện suốt chương trình.

Dư âm chương trình nghệ thuật 'Ký ức để lại': Bi tráng và xúc động - Ảnh 4.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật "Ký ức để lại"

Ký ức để lại có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi góp mặt, như NSƯT Đỗ Kỷ (trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh), NSƯT Quang Khải (vai Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn), các ca sĩ Đào Mác, Anh Thơ, Khắc Tiệp... Và mỗi người trong số họ đều có những cảm xúc, tâm sự riêng sau đêm diễn.

Đơn cử, NSƯT Trần Quang Khải chia sẻ: "Tôi cảm thấy tự hào khi góp mặt trong một chương trình có ý nghĩa lớn như thế này. Tác phẩm là một lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về những cống hiến âm thầm, trải dài suốt lịch sử của thế hệ đi trước, từ đó mở ra cho chúng ta lòng biết ơn và tinh thần cống hiến cho Tổ quốc".

Dư âm chương trình nghệ thuật 'Ký ức để lại': Bi tráng và xúc động - Ảnh 5.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật "Ký ức để lại"

Tương tự, ca sĩ Khắc Tiệp (vai tướng Westmoreland - Tổng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam) cho biết: "Tôi gặp thử thách lớn, nhưng cũng đầy hào hứng khi hóa thân thành một nhân vật ở phía bên kia chiến tuyến, nhưng tôi hào hứng. Tôi đã nghiên cứu tư liệu kỹ để thể hiện nhân vật với đúng tinh thần chương trình. Với tôi, nghệ thuật là một cách tiếp cận rất hiệu quả để khơi gợi ký ức dân tộc".

Còn ca sĩ Hoàng Ngọc thì xúc động: "Được tham gia chương trình này là một vinh dự lớn. Với tôi, đó là cách để thế hệ hôm nay bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người đi trước - những người đã hy sinh cả máu xương cho hòa bình hôm nay. Trong bối cảnh ấy, chúng tôi càng phải nghiêm túc, sáng tạo, đưa tinh thần tuổi trẻ vào nghệ thuật để chạm được đến trái tim khán giả hiện đại".

"Đây là lần đầu tiên tôi được dựng chương trình về một cơ quan an ninh đặc biệt, nơi phát đi mệnh lệnh cho toàn chiến trường miền Nam" - đạo diễn Tuyết Minh chia sẻ - "Tôi đã cố gắng làm hết sức mình, với mong mỏi rằng những chương trình mang tính chính luận không chỉ có sự hoành tráng, mà còn mang theo chiều sâu cảm xúc, giá trị nghệ thuật đích thực và thông điệp rõ ràng để gửi tới người xem".

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm