'Giải tán bóng đá Viettel chỉ là hiểu lầm'

19/03/2015 06:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Từ chỗ tưởng như đã giải tán rồi Viettel bất ngờ thông báo họ bắt tay với Dortmund làm học viện bóng đá. Cuộc trao đổi giữa Thể thao & Văn hóa với Trung tá Vũ Tam Hòa, Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel, là để lý giải việc này và cả những tham vọng của Viettel.

Tháng 7 năm ngoái, những người làm bóng đá Viettel chia sẻ thông tin rằng chính họ cũng hụt hẫng và sốc khi Viettel quyết định xóa sổ trung tâm bóng đá. Thậm chí, có người đã gọi điện cho phụ huynh các cầu thủ trẻ để thông cảm, mời đến nhận lại con.

Nhưng rồi quyết định giải tán ấy được cho là bị thu lại. Bẵng đi vài tháng, Viettel bỗng mời báo chí tới để thông tin cho cái gọi là quyết định hợp tác với Dortmund để xây dựng học viện, và nó chỉ là một trong những rất nhiều điều họ ấp ủ trên con đường tham dự trở lại bóng đá chuyên nghiệp. Ông Vũ Tam Hòa chia sẻ:

"Thời gian đó báo chí có một số thông tin, nhưng không chính thống. Ngay các anh em trong trung tâm cũng hiểu không đúng. Viettel bỏ trung tâm bóng đá để đưa nó lên một tầm cao hơn. Nó là tổ hợp thể thao".

* Phóng viên: Vậy hợp tác với Dortmund, Viettel nói là hợp tác, nhưng người hâm mộ chưa thấy 2 bên đặt bút ký vào một bản hợp đồng, hay một thỏa thuận nào đó. Cá nhân tôi thì đã từng nghe về những hợp tác, những dự án này kia của Viettel 6, 7 năm qua mà chưa cái nào thành sự thật cả?

- Hợp tác của chúng tôi với Dortmund bắt đầu cách đây 2 năm. Người của chúng tôi sang đó. Họ lắng nghe chúng tôi nói về tiềm lực, tham vọng và họ đồng ý. Chỉ là giới thiệu và họ tự tìm hiểu. Chúng tôi không phải thuyết phục họ bất cứ điều gì cả. Hiện nay việc xây dựng trung tâm của chúng tôi đã hoàn tất, khoảng 17-18 hecta trong đó có 12 hecta dành cho bóng đá. Toàn bộ trung tâm (cách trung tâm Hà Nội hơn 30km) được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn của Dortmund. Việc hợp tác giữa chúng tôi với Dortmund chỉ còn chờ họ sang đây và 2 bên ký vào văn bản hợp tác.

Bóng đá với chúng tôi không phải là số 1

* Vậy thì Viettel muốn làm bóng đá như thế nào? Triết lý kinh doanh thì tất cả đã thấy. Còn triết lý bóng đá có khác biệt gì không?  

- Cho tôi nói dài một chút. Viettel là tập đoàn lớn rồi. Kinh tế hùng mạnh hàng đầu đất nước, thậm chí là hàng đầu khu vực về lĩnh vực viễn thông. Viettel đang tiến ra thế giới. Tiềm lực của chúng tôi là thế. Còn triết lý phát triển phải gắn với trách nhiệm xã hội. Nên chúng tôi quyết định làm cái việc chưa ai nghĩ và chưa ai làm: Đầu tư cho con người.

Thế nên, như anh gọi trung tâm bóng đá là không đúng. Bây giờ chúng tôi là trung tâm thể thao. Phát triển bóng đá chỉ là một phần thôi, và không phải nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhiệm vụ là mang sứ mệnh lớn, đưa công tác thể dục thể thao rèn luyện con người Viettel trên toàn thế giới, 63 tỉnh thành, 10 quốc gia (mà Viettel hiện diện - PV), phục vụ lại chính tập đoàn, cho sự phát triển bền vững.

Rồi nhiệm vụ thứ 2 mới làphát triển bóng đá. Quan điểm của chúng tôi là phải đào tạo bài bản bền vững. Tại sao không tiến lên chuyên nghiệp ngay?Chúng tôi có thể mua cầu thủ và lên hạng ngay, nhưng chúng tôi muốn các cầu thủ phải hiểu được triết lý, mang trong mình văn hóa, ý chí, khát vọng của Viettel.

Muốn thế thì chỉ có người do chính mình đào tạo. Chính bởi thế, trong tiêu chí đào tạo một cầu thủ, tiêu chí về kỹ chiến thuật chúng tôi chỉ xếp ở vị trí thứ 4. Còn văn hóa là hàng đầu. Cầu thủ của Viettel sau này tất cả phải có bằng Đại học. Ai không đạt tiêu chuẩn ấy, sẽ bị loại. Chúng tôi quan niệm đá bóng xong chưa phải là hết, mà cầu thủ sau đó còn có giá trị với xã hội.

* Một cầu thủ giỏi lại có học vấn ai cũng thích. Bố mẹ nào cũng thích con mình như thế nếu cho đi theo nghiệp đá bóng. Nhưng liệu có thực hiện được không khi Viettel muốn thỏa mãn cả 2 yếu tố: vừa là một cầu thủ giỏi, vừa cử nhân giỏi. Thế giới tôi chưa từng thấy, kể cả nền thể thao của Mỹ phát triển rất mạnh từ phong trào học đường. Họ cũng hiếm có những cử nhân giỏi mà đá bóng hay. Ngay cả môn golf có nhiều cử nhân nhưng nhiều trường hợp chỉ là hình thức. Viettel có đi đầu được không?

- Nói Viettel đi đầu thì thiếu khiêm tốn. Những tôi không cho rằng cái gì mà Mỹ không làm được thì mình  cũng không làm được? Nhiều cái mình có thể. Ví dụ như đưa Internet băng siêu rộng vào các trường. Viettel đã làm được mà Mỹ chưa làm được. Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama, ông ấy đặt lộ trình kết thúc nhiệm kỳ 2 mới hoàn thành. Nhưng Viettel đã làm xong rồi. Chúng tôi tuyển chọn các cầu thủ trẻ có tiêu chí. Nếu chỉ chọn vì kỹ năng chơi bóng thì sẽ không thể. Nhưng chúng tôi sẽ chọn dựa trên cả tư duy nữa. Tư duy của các cháu ở độ tuổi 12.  

Nhưng tôi cũng muốn nhắn nhủ qua Thể thao & Văn hóa, là chúng tôi tham vọng thế thôi, chứ chưa làm được gì cả. Anh hỏi thì tôi mới nói, đây cũng là lần đầu tôi tiếp xúc với báo chí từ khi về làm Giám đốc Trung tâm. 

Mỗi tỉnh sẽ có một trung tâm thể thao Viettel

"Lịch sử phát triển của chúng ta, làm thể thao rèn người thì chưa ai làm cả. Chúng ta nói Việt Nam ngày càng thấp đi, thì chính là cái này. Chúng tôi lên kế hoạch mỗi tỉnh có một trung tâm: bóng đá, bóng chuyền, tennis, cầu lông, bóng bàn cho người của Viettel tập luyện, để giao lưu với các đơn vị khác trong tỉnh. Mỗi trung tâm có diện tích từ 7.000 đến 10.000m2. Chúng tôi cũng sẽ phát triển tới cả tuyến huyện. Nếu cấp huyện chúng tôi không đầu tư được cơ sở hạ tầng của riêng mình thì sử dụng hạ tầng có sẵn ở địa phương, hoạt động bằng kinh phí của Viettel. Chúng tôi sẽ đầu tư lớn, cả về nhân lực".

2020 lên hạng cũng được

"Chúng tôi đào tạo cầu thủ, coi kỹ năng chơi bóng chỉ là yếu tố thứ tư. Đầu tiên là văn hóa, phải theo chương trình của Bộ Giáo dục. Cầu thủ phải theo những lớp, trường có chất lượng ở ngoài xã hội. Học sinh phải tốt nghiệp phổ thông loại khá, rồi tất cả phải đỗ Đại học, một tỉ lệ lớn phải có bằng khá. Nếu không đạt tiêu chí văn hóa đó thì giỏi đá bóng mấy cũng bị loại.

Nếu có nền tảng văn hóa, kiến thức đó, thì sau thời gian đá bóng, họ có thể trở thành kỹ sư, cán bộ trong số hàng ngàn người mà Viettel tuyển dụng bổ sung mỗi năm.

Thể lực phải đạt tầm mức hàng đầu châu Á, như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Không có thể lực thì không chơi được, chưa đá đã đi bộ trên sân. Lứa trẻ hiện tại đã tương đối tốt, nhưng chưa đâu vào đâu. Chúng tôi đang làm lại, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu dinh dưỡng. Thậm chí, các cầu thủ phải có thể lực như các cầu thủ châu Âu.

Kỷ luật: Phải có kỷ luật kỷ cương, phải giống như là người lính. Phải chơi bóng đá sạch, bóng đá cống hiến, văn hóa ứng xử, đạo đức, và ngăn chặn các tệ nạn.

Kỹ thuật, tư duy chiến thuật: Chúng tôi không đặt kỹ thuật hay thành tích lên hàng đầu vì không bị áp lực về thành tích. Muốn có thành tích thì phải dài hơi. Khi nào lên hạng? Năm 2017, 2018 hay 2020 lên chuyên nghiệp cũng được".


Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm