09/10/2018 06:47 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cháu gái tôi bắt đầu đi học. Suốt tháng đầu tiên của năm học mới, trông nó chững chạc và lạ mắt hẳn trong bộ đồng phục của học sinh.
Không chỉ vậy, mỗi khi đón cháu, tôi cũng ngắm không chán những bộ đồng phục đang tràn ngập ở các cổng trường - với màu sắc, kí hiệu, logo, kiểu cách... rất riêng, in đậm dấu ấn của ngôi trường nơi các cháu theo học.
Đồng phục, như định nghĩa trong từ điển tiếng Việt, là các loại quần áo giống nhau và được mặc bởi các thành viên của một tổ chức khi tham gia các hoạt động trong tổ chức đó, theo những nội quy riêng được đề ra.
Thẳng thắn, đồng phục tạo hiệu ứng thẩm mỹ khá tốt. Cho dù, trước ngày khai giảng, tôi đọc báo cũng thấy phụ huynh và học sinh một số trường than khổ vì quy định phải mua đồng phục và balo theo đúng yêu cầu của nhà trường đề ra. Điều ấy gây khó khăn cho nhiều gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế không dư dả.
Tự dưng, tôi lại nhớ tới những bộ đồng phục của mình.
Bộ đồng phục đầu tiên trong đời tôi được mặc là bộ K82 của quân đội dành cho hạ sĩ quan, nó được may bằng chất liệu vải diềm bâu dày và thô, nhuộm màu xanh. Lúc mới được phát mặc vào, không ai nhận được ra nhau ngay vì bị hòa lẫn vào màu xanh như nhau, ai cũng cười toe toét.
Vì là quân phục người lính cho nên chúng tôi phải mặc 24/24, thế nên mới có câu “cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày”. Vả lại công việc học tập và huấn luyện trong quân đội vất vả, hay phải lăn lê bò toài… cho nên ai cũng nhận thức được giá trị bộ quân phục và luôn có ý thức gìn giữ. Những dịp lễ trang trọng, những buổi chào cờ đầu tuần thì quân phục bao giờ cũng được chú ý, trong điều lệnh đội ngũ ai cũng biết có phần: chỉnh đốn trang phục.
Và tất nhiên ý nghĩa quan trọng nhất của bộ đồng phục - quân phục mà bất cứ người lính nào khoác lên cũng là một thông điệp: họ đang mang trên mình tấm áo xanh bộ đội. Hãy ứng xử đúng theo 10 lời thề danh dự của quân nhân chứ không phải chỉ mặc cho oai.
Sau này, khi ra quân, đi làm cho một số công ty nước ngoài tôi để ý thấy việc mặc đồng phục không chỉ có nghĩa là mang trên mình thương hiệu hình ảnh nhận diện của công ty. Rộng hơn, điều ấy gắn với yêu cầu về trách nhiệm chung của mỗi người - trên tư cách là một thành viên của công ty - đối với toàn xã hội.
Thực tế, chúng ta cũng đã biết đến nhiều câu chuyện về cách ứng xử của một thành viên nào đó ngoài xã hội, khi họ đang khoác một bộ đồng phục trên người. Dù bị “ném đá” hay được dư luận biểu dương, bộ đồng phục ấy tất nhiên cũng sẽ tạo nên những cảm xúc tiêu cực/tích cực - khi ta nghĩ về cộng đồng đang mặc chung bộ đồng phục với thành viên ấy.
Có nghĩa, đồng phục không chỉ để mặc cho đẹp, cho dễ nhận biết một nhóm người. Xa hơn, đó là yêu cầu về trách nhiệm mà một tổ chức đang đặt lên những thành viên khoác bộ đồng phục của họ.
***
Việc mặc đồng phục cho đẹp trường lớp, để nhận diện thương hiệu của trường không phải là không tốt. Tuy nhiên, thẳng thắn, tôi có cảm giác ở nhiều nơi, đồng phục chỉ gắn với khái niệm “đẹp”, mà chưa khơi gợi ở các em ý thức trách nhiệm đối từ bộ quần áo đang khoác trên người.
“Đồng phục học sinh”, về bản chất, phải gắn với “đồng phục về kỷ luật” trong trường lớp, “đồng phục về ứng xử” trong trường cũng như ra ngoài xã hội, “đồng phục về trình độ của giáo viên, giảng viên” và trên hết là “đồng phục về ý thức trách nhiệm” của nhà trường đối với hai việc chính: dạy và học. Làm được như thế, hình ảnh và thương hiệu của nhà trường còn được biết đến rộng rãi hơn, được nhân bản nhiều hơn, và được chính học sinh và phụ huynh đánh giá cao hơn.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất