Điều chỉnh tăng lãi suất và tỷ giá: Nhiều ách tắc được giải toả

28/11/2009 08:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ ngày 26/11, quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản và nới lỏng tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. TT&VH đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hinh, Nguyên trưởng phòng Phân tích kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.

Theo ông Quyết định nâng trần lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam lên 8% chính thức có hiệu lực  sẽ có tác động thế nào đến thị trường tiền tệ?
 

Ông Lê Văn Hinh

- Quyết định đó sẽ có tác động tốt vì nó sẽ giảm được tình hình căng thẳng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không phải bán nguồn ngoại hối dự trữ như trước đây nữa. Việc tăng lãi suất còn tháo gỡ ách tắc trên thị trường tín dụng, làm cho Ngân hàng thương mại (NHTM) có thể huy động được vốn và cho vay nhiều hơn, giảm tình trạng căng thẳng về vốn. Hơn nữa việc điều chỉnh này giúp tỉ giá chính thức và giá thị trường sát nhau nên khả năng lợi dụng của giới đầu cơ ít hơn.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các Tổng công ty Nhà nước không được găm giữ ngoại tệ mà phải bán cho NHNN. Theo ước tính của NHNN các Tổng công ty này đang nắm giữ khoảng 10 tỷ USD ngoại tệ, số tiền này sẽ đáp ứng được cung ngoại tệ, giúp thị trường hoạt động trơn tru hơn.  Nhìn về trung hạn, tăng trần lãi suất giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế, cải tiến được cán cân thương mại do thời gian qua nhập siêu tới 11 tỷ USD.

Với biện pháp này Nhà nước sẽ không thực hiện các gói kích cầu (hỗ trợ) như dự kiến cho năm 2010 nữa mà sẽ hỗ trợ bằng cách khác. Nghĩa là không tiếp tục tung tiền ra nữa mà hỗ trợ bằng chính sách khuyến kích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để kiềm chế lạm phát, ổn định ngoại tệ, cải thiện cán cân thương mại ngăn cản sự suy giảm ngoại hối.

Còn tác động tới  giá vàng thì thế nào, thưa ông?

 - Giá vàng sẽ trở nên ổn định hơn, do các ngân hàng huy động lãi suất cao, đồng tiền Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Nhiều người sẽ giữ tiền, gửi tiền hơn là việc đổ xô vào vàng. Giá vàng thời gian tới sẽ phụ thuộc vào giá vàng thế giới, việc lên hay xuống sẽ do giá thế giới quyết định. Trong khi đó, giá vàng thế giới đang lên giá với hầu hết các đồng tiền. Theo WGC (Hội đồng vàng thế giới), giá vàng có thể lên tiếp do lo ngại về lạm phát của năm 2010. Đây là hệ lụy của chính sách kích thích kinh tế khi ngân sách nhà nước (NSNN) không cân bằng kịp ở hầu hết các nền kinh tế. Tăng lãi suất ở Việt Nam là ứng xử tốt và kịp thời của Chính phủ trước lo ngại lạm phát trong thời gian tới. Việc tăng lãi suất NH sẽ làm dân giữ VND và hạn chế đồng tiền chạy sang vàng. Như vậy chắc chắn sẽ làm thị trường vàng bớt đi phần nào căng thẳng.

Nhưng việc tăng lãi suất sẽ làm cho không ít các doanh nghiệp gặp khó vì phải vay lãi suất với mức cao?

- Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, đây cũng là một cách loại những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Việc tăng lãi suất ở các NHTM và ngừng cho vay hỗ trợ sẽ làm nền kinh tế vận hành theo hướng thương mại thực sự, các kỷ cương của thị trường được đảm bảo. Các doanh nghiệp có lãi, chấp nhận được lãi suất ở mức cân bằng này sẽ tiếp tục tiến lên phía trước. Trong khi các doanh nghiệp yếu kém sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Như vậy, tăng lãi suất đồng thời với bỏ lãi suất hỗ trợ tràn lan sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và làm cho thị trường không bị méo mó.

Như ông nói cái gì cũng có tính hai mặt và việc tăng trần lãi suất sẽ không ngoại lệ. Vậy mặt trái của tăng trần lãi suất là gì?

- Nó sẽ làm giảm giá đồng Việt Nam, tăng gánh nặng nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam. Nhưng nếu doanh nghiệp mạnh hơn, nguồn thu ngoại tệ về nhiều hơn tình hình sẽ lạc quan hơn rất nhiều. Do đó, với giải pháp này nên để trong tầm kiểm soát của NHNN và Chính phủ để tránh sốc. Trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải trải qua các cú sốc nhưng làm thế nào để điều hành nên kinh tế một cách êm ả là tốt nhất.

Lãi suất cân bằng và doanh nghiệp hấp thụ được một cách hiệu quả, không lãng phí các nguồn lực là điều quan trọng nhất. Việc hạ lãi suất xuống thấp và không quản lý được để tiền chảy vào khu vực chứng khoán, bất động sản (đầu cơ nói chung) sẽ gây ra bong bóng cho nền kinh tế ... làm cho nền kinh tế trở nên rủi ro hơn, dễ tổn thương hơn thì đó là hiểm hoạ. Cần nhớ rằng, việc kiềm chế lãi suất sẽ làm mất cân bằng kinh tế vĩ mô... việc thả lãi suất để cho nó trở về sát vị trí cân bằng thì thị trường hàng hoá nói riêng và nền kinh tế mới cân bằng. Các nguồn lực trong nền kinh tế (bao gồm cả nguồn tài chính) mới được sử dụng hiệu quả.

+ Cảm ơn ông!

Tuệ Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm