22/08/2023 07:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
Thắng Viettel trong trận chung kết Cúp quốc gia, bóng đá Thanh Hóa lần đầu tiên có danh hiệu quốc nội. Chi tiết đó nghe thật… bi tráng, bởi nói về chất truyền thống và độ đam mê thì xứ Thanh không kém gì ai, vậy nhưng bằng một cách nào đó, vinh quang luôn lẩn khuất.
Nói về tên gọi, Thanh Hóa là đội đứng đầu về số lần thay tên, đổi họ. Cái gốc của đội bóng hiện tại vốn là nhờ Thể Công năm 2009 giải thể và "tặng" suất đá V-League cho CLB Thanh Hóa khi đó vốn cũng bị xóa sổ.
Nhờ việc chuyển suất đá V-League mà Thanh Hóa không phải xuất phát từ giải hạng Ba. Họ đã thay đổi rất nhiều phiên hiệu, có đến chục lần thay đổi đơn vị quản lý/sở hữu. Thời điểm mạnh nhất là khi có nhà tài trợ FLC, nhưng tựu trung, đổi gì thì đổi chứ bóng đá Thanh Hóa vẫn không đổi được "vận" của mình. Ngay trận chung kết Cúp quốc gia 2023, họ còn phải đợi đến loạt sút mang tính may rủi… Thử thách cho vinh quang có lẽ đến thế là cùng.
Nhưng đó cũng là một câu chuyện đáng để suy nghĩ. Làm bóng đá tử tế là một chuyện, đoạt vinh quang, cho dù đó chỉ là chiếc Cúp không nhiều danh giá, là một chuyện khác. Có đội bóng đá mãi, đá mãi cũng đâu có được gì. Thế nên, nếu chỉ hướng đến danh hiệu để đưa ra các quyết định đầu tư vào bóng đá, sẽ không bao giờ lâu bền.
Ở Nhật Bản, người ta cũng đã nhận ra điều này và bằng các thiết chế của mình, các CLB Nhật Bản luôn phải có một tỷ lệ sở hữu nhất định của các địa phương. Nó làm bảo đảm tính bền vững của bóng đá chuyên nghiệp. Nói cách khác, các CLB phải có sự gắn chặt với địa phương, người hâm mộ của mình. Còn nói theo ngôn ngữ kinh doanh, nếu không bán được vé cho CĐV địa phương thì đừng nghĩ gì đến chuyện làm chuyên nghiệp.
Vấn đề là bóng đá Việt Nam lại luôn dễ dàng đánh mất nền tảng ấy. Vụ Hội CĐV Nam Định giải thể là điển hình rất đau đớn. Cho dù Hội này không chính thức, thì chí ít họ đang thay mặt đội bóng kéo một lượng khán giả đến sân mỗi trận đấu.
Trở lại với câu chuyện của bóng đá Thanh Hóa. Họ là đội bóng có lối chơi rất cuốn hút ở giai đoạn 1. Trong cuộc đua vô địch V-League, họ cũng tranh chấp đến vòng áp chót. Bây giờ thì đoạt Cúp quốc gia. Cần nhớ là 3 mùa trước, Thanh Hóa là đội thuộc nhóm phải tranh đấu trụ hạng. Đó là giai đoạn "hậu FLC", mọi thứ đều đi xuống. Nhưng sức sống của bóng đá xứ Thanh vẫn còn đó, nhờ vậy mà họ vẫn tồn tại để rồi cuối cùng vẫn đoạt được danh hiệu đầu tiên của mình.
Nhưng có bao nhiêu đội bóng duy trì được nỗ lực ấy? 20 năm trước, sở hữu một đội bóng đá là niềm hãnh diện của các doanh nghiệp cũng như các địa phương. Nhưng nay, chúng ta nhìn CAHN thì sẽ rõ. Chúng ta biết họ có những nguồn tài trợ quảng cáo rất lớn để có đủ ngân sách mua các ngôi sao, nhưng vấn đề là các doanh nghiệp ấy hầu như không thấy xuất hiện để quảng bá cho mình như cái thời của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển. Ngay cả Thép Xanh Nam Định cũng thế. Trước khi có doanh nghiệp, dù vật vã tìm tiền để duy trì, nhưng Nam Định rõ ràng là đội bóng của thành Nam. Bây giờ, nó vẫn thuộc địa phương hay là của doanh nghiệp? Chẳng có gì rõ ràng cả. Thế nên mới có chuyện Hội CĐV giải thể thì họ thuê ngay một đội cổ vũ vào sân. Cách nhìn nhận về "cầu thủ thứ 12" như vậy thật nguy hiểm.
Xin chúc mừng bóng đá Thanh Hóa. Màu vàng trên khán đài của họ bao lâu nay vẫn kém so với màu vàng của người hàng xóm SLNA. Nhưng trong khi sân Vinh từ lúc chuyển giao CLB cho doanh nghiệp ngày càng vắng người xem thì Thanh Hóa vẫn giữ được sự sôi động của mình, phải chăng nhờ vậy mà họ được đền đáp?!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất