25/08/2017 08:31 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Giới “cò đất”, “đầu nậu” tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu “kích” giá đất quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất lên cao, nhằm thu lợi. Mặc dù việc “thổi giá” chưa đến mức báo động, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người mua cũng như thị trường nhà ở khu vực phía Tây, Tây Bắc thành phố.
Trong thời gian qua, Trung ương và TP Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, nghiên cứu, đề xuất đúng đắn trong việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết tình trạng quá tải cũng như việc đầu tư các dự án giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ sân bay.
Trong đó có chủ trương bàn giao đất quốc phòng để mở rộng một số tuyến đường quanh sân bay, mở thêm nhà ga lưỡng dụng khu vực đường Hoàng Hoa Thám, đề xuất mở thêm cổng tiếp cận sân bay trên đường Thống Nhất, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung thuộc địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp. Các phương án này đang được Trung ương và TP Hồ Chí Minh xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua, thậm chí đang trong giai đoạn mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia.
Thế nhưng, lợi dụng những thông tin kể trên, giới “cò đất”, “đầu nậu” tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu “kích” giá đất quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất lên cao, nhằm gom đất bán lại thu lợi. Mặc dù việc “thổi giá” chưa đến mức báo động, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người mua cũng như thị trường nhà ở khu vực phía Tây, Tây Bắc thành phố.
Hiện nay theo quy hoạch cũng như thực tế phát triển đô thị cho thấy, trên các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất như: Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn, Quang Trung, Nguyễn Oanh... đều đã hình thành các ô phố hoàn chỉnh, phủ kín nhà, hầu như không còn đất trống. Việc sinh hoạt, buôn bán kinh doanh tại các tuyến đường kể trên diễn ra nhộn nhịp nên hiếm hoi mới thấy treo biển “bán nhà”, mà chỉ có biển “cho thuê nhà”.
Đại diện trung tâm môi giới nhà đất trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết, hơn một tháng trở lại đây có nhiều người đến ký gửi nhà đất ở các tuyến đường giáp sân bay Tân Sơn Nhất như: Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Nhất Chi Mai... với giá bán tăng từ 20 – 30% so với giá thị trường. Đơn cử, nhà mặt phố đường Bình Giã (cắt đường Hoàng Hoa Thám), quận Tân Bình có diện tích 78m2, nhưng giá bán lên tới 7,4 tỷ đồng (94,8 triệu đồng/m2). Một người có nhà 3 tầng trên đường C1 (gồm 1 hầm 3 lầu, diện tích 79m2) tiếp giáp đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình cho biết, đang cho thuê lại với giá 25 triệu đồng/tháng hoặc sẵn sàng bán với giá 7,9 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Công ty định giá bất động sản Gạch Vàng, giá đất một số tuyến đường gần sân bay trên địa bàn quận Gò Vấp như: đường Quang Trung hiện có mức giá từ 117 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Oanh có giá từ 58,4 – 74,4 triệu đồng/m2, đường Phạm Văn Đồng có giá từ 84,3 – 103 triệu đồng/m2. Còn tại quận Tân Bình, giá đất một số tuyến đường cũng có giá cao “ngất ngưởng” như : đường Hoàng Hoa Thám với giá từ 161 – 210 triệu đồng/m2, đường Trường Chinh giá từ 180 – 212 triệu đồng/m2, đường Tân Sơn giá từ 71 – 88 triệu đồng/m2, đường Cộng Hoà giá từ 111,8 – 133,6 triệu đồng/m2... Theo chuyên viên thẩm định giá của Ngân hàng ACB, các đơn giá nói trên vào thời điểm hiện tại khi giao dịch có thể tăng từ 10 – 20%.
Trong vai người đi mua đất, phóng viên tiếp cận được cái gọi là “khu dân cư Tân Trụ”, quận Tân Bình (nằm trên đường Tân Trụ, sau đường Tân Sơn tiếp giáp sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc), được phân lô tách thửa, có giá bán từ 2,85 tỷ đồng/nền (diện tích từ 57,6m/nền).
Ông Phúc, một “cò đất” tại đây cho biết, khu dân cư gồm 24 nền, chủ yếu bán cho giới đầu cơ, hiện đã bán được 6 nền. Nếu không mua sớm thì sẽ không còn giá “mềm”, sắp tới sẽ tăng lên do sắp mở cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Hoàng Hoa Thám, Tân Sơn (!). Ông Phúc còn cho biết, sẵn sàng nhận ký gửi của khách mua để bán lại với chiết khấu 1%.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơn “sốt ảo” giá đất nền vừa qua là một ví dụ điển hình cho việc kinh doanh nhà đất theo tin đồn để trục lợi. Nếu có mở thêm cổng vào sân bay thì sẽ phải mở rộng thêm đường hiện hữu, lúc đó sẽ có người được hưởng lợi từ nhà hẻm trở thành nhà mặt tiền, nhưng cũng có người bị giải toả trắng. Đi cùng với việc mở rộng đường sẽ là các tiện ích giao thông, cây xanh, thoát nước, nên giá bất động sản tại những vị trí này sẽ tăng lên một cách tự nhiên, hợp lý.
“Hiện nay các phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đang được cơ quan quản lý xem xét, nghiên cứu, nhưng giới “cò đất”, “đầu nậu” đã lợi dung thông tin này để đẩy giá đất lên cao. Đây là thủ đoạn “thổi giá” dựa trên tin đồn chưa có căn cứ. Vì thế người dân cần tỉnh táo, cảnh giác với các giao dịch để tránh rủi ro”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết: Sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Gò Vấp trong thời gian qua là nguyên nhân chính thu hút lượng người nhập cư về đây sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có lý do liên quan đến thông tin triển khai các dự án giải quyết ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất nên gia tăng lượng người mua nhà tại các tuyến đường gần sân bay.
“Năm 2017 giá đất trên địa bàn quận có tăng lên, nhưng tăng lên theo thông tin dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì không rõ nét lắm. Bởi lẽ từ đầu năm 2016 giá đất trên địa bàn quận Gò Vấp có mức tăng cao hơn những tháng đầu năm 2017. Việc tăng giá đất ở một số tuyến đường gần sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Gò Vấp là sát với nhu cầu thực tế của thị trường, trong đó các giao dịch chủ yếu phục vụ cho mục đích sử dụng”, ông Lê Hoàng Hà khẳng định.
TTXVN/Trần Xuân Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất