Đội tuyển Việt Nam: Chiến thuật cho hệ thống phòng ngự...

11/10/2024 06:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

... Là một thể loại chiến thuật khó làm nhất trong bóng đá, so với các tuyến còn lại như ở hàng tiền vệ hay tiền đạo, tuyến tấn công. Phần lớn các HLV đều ý thức được điều này, song giảm thiểu sai sót và tối ưu tính hiệu quả của hàng phòng ngự như thế nào lại là chuyện khác.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang Sik đã để lọt lưới 12 bàn sau 5 trận đã đấu, rõ ràng hệ thống phòng ngự của đội bóng rất không ổn.

Trước đây, HLV Park Hang Seo rất ưa thích hệ thống phòng ngự với 3 trung vệ giăng ngang, 2 cầu thủ chạy cánh và ít nhất một tiền vệ đánh chặn, gọi là vị trí mỏ neo hay "deep lying play maker", tức tiền vệ tổ chức bóng từ xa.

Bóng đá hiện đại gần như không còn khái niệm tiền vệ phòng ngự hay thu hồi bóng như trước nữa, bởi toàn bộ hệ thống đều phải tham gia phòng ngự hoặc tấn công. Tốc độ và sự chính xác trong chuyển đổi trạng thái là yếu tố then chốt, quyết định thành bại.

Hệ thống phòng ngự 6 người của ông Park (chưa bao gồm thủ môn) đã chơi rất hiệu quả và đó chính là chìa khóa đem lại chu kỳ thành công của các ĐTQG kéo dài suốt 5 năm. Ở thời kỳ cuối, chiến thuật phòng ngự chặt/tổ chức tấn công nhanh của HLV Park Hang Seo bị các đối thủ trong khu vực như Thái Lan và Indonesia "bẻ", phần vì đối phương đã mạnh lên, song cơ bản là lối chơi ấy đã trở nên cũ kỹ.

Các phương án chiến thuật đều dựa trên nền tảng con người, song nó cũng thay đổi từng ngày. Đến như tiki taka cũng từng phá sản và phải đổi mới.

Người quan sát: Chiến thuật cho hệ thống phòng ngự... - Ảnh 1.

Cải thiện chất lượng của hàng phòng ngự với những cái tên như Thành Chung (ảnh) là ưu tiên lớn nhất lúc này của HLV Kim Sang Sik. Ảnh: Hoàng Linh

Thực ra, những gì xảy ra với ĐTQG Việt Nam tại AFF Cup 2022 đã từng xuất hiện với khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ của HLV tiền nhiệm Henrique Calisto. Đó là AFF Cup 2010, khi Việt Nam để thua Malaysia sau 2 trận bán kết và bị biến thành cựu vương. Phù thủy người Bồ cũng chia tay dải đất hình chữ S sau đó và không bao giờ trở lại dẫn dắt bất cứ đội bóng Việt Nam nào nữa, kể cả CLB.

Bóng đá Việt Nam cấp độ ĐTQG gần như đã kịch trần về năng lực chinh phục tầm cao, sau những cột mốc kỳ vĩ kéo dài 5 năm cùng HLV Park Hang Seo. Điều này dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Tìm lại vị thế trong thời gian ngắn là rất khó, nhưng nếu muốn giữ tham vọng ấy, HLV Kim Sang Sik phải làm khác đi. Và nó bắt đầu bằng việc đảo lại hệ thống phòng ngự.

Với Đặng Văn Lâm và Filip Nguyễn, chúng ta đang có 2 thủ môn đẳng cấp và ưu việt bậc nhất trong nhiều năm qua. Nhưng, hệ thống 3 trung vệ giăng ngang thường xuyên mắc lỗi bọc lót. Vậy phương án với hệ thống phòng ngự 4 hậu vệ thuần túy, cổ điển, thêm 2 tiền vệ phòng ngự lùi sâu thì sao?! Tại sao chúng ta không thử, mà cứ mải miết chạy theo lý tưởng hão huyền?! Không thể tấn công mà không có bóng và nói luôn, ngoài bộ cánh Văn Hậu - Hồ Tấn Tài, bóng đá Việt Nam không còn ai đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho các vị trí lên công về thủ ở hành lang biên. Chúng ta đã thấy Văn Thanh, Tuấn Tài và Hồng Duy thay nhau chơi rồi, rất không ổn.

Cựu danh thủ, HLV Vũ Như Thành, trung vệ từng được đánh giá là trăm năm có một, từng chia sẻ với người viết rằng, tiêu chí làm chiến thuật cho hệ thống phòng ngự một cách chủ động, đề cao quyền kiểm soát và hỗ trợ tấn công, là yêu cầu tất yếu của bóng đá hiện đại.

Phần lớn các HLV đều muốn xây dựng hệ thống như thế. Nhưng, cũng cần phải biết liệu cơm gắp mắm, có bột mới gột nên hồ, tùy theo đối thủ cụ thể mà vận con người, lối chơi nào cho hợp. Tức là phải có nhiều phương án.

Quan sát đội bóng dưới thời ông Kim Sang Sik thời gian qua, lối chơi cơ bản là một màu, ít đột biến. Gặp đối thủ nào chúng ta cũng nhập cuộc như vậy, cách tiếp nhận và tiếp cận trận đấu thiếu đa dạng.

Hôm rồi ở Thiên Trường, nếu chủ nhà Nam Định bung hết sức đá thì cũng chưa biết chúng ta đã thắng!

Hy vọng trận đấu với Ấn Độ tới đây chúng ta sẽ tìm thấy một hình ảnh đội tuyển khang khác và tươi mới hơn.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm