Khảo cứu văn hoá tâp tục: Đời sống thời bao cấp (1)

03/05/2014 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là thời nhọc nhằn, vô cùng thiếu lương thực, vô cùng thiếu quần áo, vô cùng thiếu thuốc men. Văn hóa có định hướng, nhưng được tổ chức tốt.

Phần khảo cứu văn hóa tập tục tới đây chúng tôi dành một thời lượng nhất định cho chuyên đề Đời sống thời bao cấp. Đó là quãng thời gian dài gian khó trong chiến tranh và hậu chiến, từ khoảng năm 1955 đến năm 1988, trong đó giai đoạn chiến tranh (Kháng chiến chống Mỹ cứu nước) được coi là kéo dài từ năm 1954 - 1975, nếu không kể hai cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 và biên giới phía Bắc năm 1979. Sau năm 1988, Nhà nước có chủ trương bỏ cấm chợ ngăn sông, chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường và bắt đầu công cuộc đổi mới.

Chúng tôi sẽ không đề cập nhiều đến các vấn đề lý luận mà đi vào khảo cứu các hiện tượng đời sống. Hiện tượng có thể không hoàn toàn nói lên bản chất, nhưng nó là những biểu hiện sinh động của đời sống hàng ngày, mà qua đó người ta tự nhận biết ý nghĩa bên trong là cái gì. Thời bao cấp hầu như tất cả các mặt hàng đều phân phối và có tem phiếu mới mua được, nhưng không phải là tất cả, như cái kem chẳng hạn, chúng vẫn được bán thoải mái tự do cho đến bây giờ. Thiếu thời nếu học giỏi, điểm cao, tối thứ Bảy bọn trẻ chúng tôi sẽ được bố mẹ đưa ra hiệu kem Bốn mùa ăn kem, sau đó, kem que vẫn được bán rong trên đường phố. Đó là món ưa thích của mọi trẻ thơ.


Trên đường sơ tán. Ảnh chụp bởi nhà nhiếp ảnh CHDC Đức Thomas Billhardt miền Bắc VN những năm kháng chiến chống Mỹ

Như mọi đứa trẻ lớn lên, chúng tôi cảm đời sống dần dà và thích nghi theo nó. Xung quanh mình có những người đi làm Nhà nước có lương, có sổ gạo, còn lại những người ngoài biên chế, không phải là cán bộ, cũng có sổ gạo, tem phiếu nhất định nhưng không có lương. Mọi mặt hàng trong đời sống dù có tiền cũng không mua được, mà phải có tem phiếu, mua gì người ta cắt loại tem phiếu đó. Chiến tranh lên đến đỉnh điểm, hàng hóa khan hiếm, người ta bán hàng thay thế các loại tem phiếu khác nhau, ví dụ phiếu vải, nếu không có vải, có thể được mua phụ tùng xe đạp, phiếu lương thực có thể chuyển thành đường sữa. Tem phiếu nào hàng ấy chỉ có ý nghĩa thời gian đầu.


Mẹ đèo hai con trên phố Hà Nội

Đại loại có những loại tem phiếu như sau: Sổ gạo - quan trọng hàng đầu, nên có câu thành ngữ: mất sổ gạo, ý nói là việc rất nghiêm trọng. Tem lương thực có thể thay thế cho sổ gạo. Bìa mua chất đốt, bìa mua rau, phiếu mua thịt, mỡ, nước mắm, muối, phiếu vải. Các mặt hàng khác như đường sữa, bánh kẹo, chè thuốc, đồ dùng gia đình, xe đạp, đài, phụ tùng xe đạp… thì phân phối không thường xuyên, chủ yếu theo cơ quan và dịp lễ Tết. Tình hình tem phiếu trên cho thấy, hàng hóa thiếu thốn đến mức, những người đi nước ngoài về tặng cho người quen một cái túi ni-lông hay vỏ hộp cũng là quý rồi. Người Hà Nội về thăm quê mang quà là mấy cái bánh mì. Điều đó, làm cho đời sống tự cung tự cấp ở nông thôn phục hồi trở lại và kinh tế thị trường tự nhiên len lỏi vào đời sống bao cấp ngay trong chiến tranh, cũng như đầu cơ buôn lậu là thường nhật.


Các nữ quân nhân trong một buổi mít-tinh tại Hà Nội. Ảnh chụp bởi nhà nhiếp ảnh CHDC Đức Thomas Billhardt miền Bắc VN những năm kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: reds.vn. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Nền kinh tế bao cấp không có gì đáng nói nếu nó không từng là đời sống tâm tư tình cảm của người Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tính của người Việt, ngay cả bây giờ người ta ăn uống cho đến mắc bệnh cũng là hậu quả của một thời thèm ăn khát uống.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm