06/08/2014 12:32 GMT+7 | Văn hoá
Mỗi tháng một người lính có tiêu chuẩn ăn 21 kg gạo, 21 đồng tiền ăn /tháng (khoảng 6 hào 8 xu/ngày), tiền quân trang 6 đồng/ năm với hai bộ mùa Hè và mùa Đông, hai đôi tất, một đôi giày. Khi mới nhập ngũ mỗi người được phát một bộ chăn màn, hai đôi giày, hai bộ quần áo. Tiền phụ cấp hàng tháng theo cấp bậc, thấp nhất là binh nhì mới nhập ngũ là 5 đồng/tháng, cao nhất là thượng sĩ thâm niên 13 - 15 năm thì 36 đồng/tháng. Tiêu chuẩn này của thượng sĩ còn cao hơn cả chuẩn úy, với 54 đồng/tháng nhưng phải nộp tiền ăn và tiền quân trang.
Ngoài ra mọi tiêu chuẩn thịt, rau, gạo đều được mua theo giá bao cấp. Mỗi người lính được phát nửa cân đường, hai bao thuốc/tháng, nếu ai nhiều râu thì được phát dao cạo. Quần áo bộ đội lúc đó hầu hết là vải gabardine Trung Quốc, tất sợi tơ tằm rất bền, giày vải cao cổ rất tốt cho việc đi rừng. Nếu đi miền Nam sẽ được phát thêm võng, dép cao su tốt. So với người dân bình quân 10 - 13 kg gạo/tháng thì bộ đội nói chung no đủ.
Đối với sĩ quan, chuẩn úy được hưởng lương 54 đồng/tháng. Thiếu úy 65 đồng, trung úy 72 đồng, thượng úy 85 đồng, đại úy 100 đồng, thiếu tá 112 đồng, trung tá 132 đồng… cho một tháng. Con số này tôi biết theo trí nhớ từ đời sống nhất là những năm do làm tài vụ trong quân đội, có thể không chính xác, nhưng đại loại là như vậy. Hàng tháng những sĩ quan phải nộp tiền ăn và tiền quân trang nộp cho năm. Đi công tác sẽ được cấp tiền ăn và tiền tàu xe, tiền lưu trú, hàng tháng cũng có tiêu chuẩn đường sữa, thuốc lá như những người lính. Khi ăn tập thể từ thượng úy trở xuống ăn chung với lính theo tiêu chuẩn đại táo, 6 hào 8 xu/ngày. Từ đại úy đến thiếu tá ăn theo tiêu chuẩn trung táo chừng 9 hào/ngày. Trên nữa thì ăn theo tiêu chuẩn tiểu táo 1,2 đồng/ngày. Các đơn vị kỹ thuật có những bồi dưỡng thêm về thuốc men đường sữa. Riêng phi công ăn 5,4 đồng/ngày, với sự bao cấp tuyệt đối thì tiêu chuẩn ăn của phi công là rất cao. Các cô gái sẽ được thêm tiền phụ nữ hàng tháng là 5 hào, nếu vào chiến trường sẽ có tiền hao mòn sắc đẹp.
Những đơn vị lớn trong quân đội lúc đó đều có sân bóng đá, bãi tập thể thao, đơn vị không quân còn có huấn luyện viên thể thao thể lực riêng. Có thư viện ở cấp trung đoàn. Hàng tháng có chiếu phim và xem văn nghệ tự biên tự diễn từ quân chủng. Quân đội cũng có những trung tâm bồi dưỡng kiến thức, nhất là cho những người sắp ra quân muốn thi vào đại học, có những người được quân đội nuôi cho đến khi học hết đại học. Tất cả các đơn vị to nhỏ đều tìm cách tổ chức học văn hóa cho mọi đối tượng, ít nhất là phổ cập trung học cấp hai, và cấp ba nếu có thể, theo kiểu tự dạy lẫn nhau, rồi đưa ra ngoài thi bổ túc văn hóa.
Có thể nói trong thời chiến tranh và bao cấp, môi trường quân đội thực sự là một trường đại học lớn, không ai qua đó mà không trưởng thành về thể chất và tinh thần, trừ phi không muốn. Đương nhiên đời sống quân đội có những khắc nghiệt riêng, nhưng có thể nói trong khi nhân dân gặp muôn vàn khó khăn đói kém thì những người lính được đảm bảo đời sống tốt nhất.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất