21/02/2011 07:44 GMT+7 | Đọc - Xem
Nhìn tiểu thuyết Việt Nam sau 10 năm Vào ngày cuối cùng của năm 2010, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của nhà thơ/nhà văn Trần Dần được xuất bản, sau hơn 44 năm nằm “phủ bụi” (từ 1966). Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bình luận: “Đặt cuốn sách này bên cạnh các tiểu thuyết của ta 10 năm qua, lấy nó như một điểm nhìn quy chiếu, mới thấy các nhà tiểu thuyết của ta lạc hậu rất nhiều, rất xa”. Cũng dịp này, giải cao nhất của Giải thưởng tiểu thuyết Việt Nam lần thứ ba (2006- 2009) của Hội Nhà văn Việt Nam đã được trao cho Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân.
Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN QUỲNH TRANG |
(TT&VH Cuối tuần) - Một chuyện cũ mà giờ này ít còn ai nhắc tới: “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong văn chương. Giờ đây nếu có hỏi vì sao nó đã không còn, dễ thấy hoặc người ta im lặng cười hoặc kể ra một chuỗi lý do đã biết. Chắc chắn có một lý do hiếm gặp: vì nó đã không sản sinh những tiểu thuyết “để đời”; nó hầu như vẫn chỉ luôn là một ước mơ.
Trong khi nếu định danh khác đi, ta sẽ có một cái gì đó: tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ, tiểu thuyết Việt Nam kháng chiến, tiểu thuyết miền Nam, chẳng hạn.
Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?
Nhắc đến điều nói trên bởi nhớ rằng mấy năm đầu thập niên vừa kết thúc này đã có lúc rộ lên tiếng hô hào “đi tìm tiểu thuyết Việt Nam”, rồi không lâu sau là một câu hỏi treo: “Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?”
Các thảo luận như vậy dường như tiếp nối một thảo luận từng sôi nổi đặt vấn đề hồi chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: tại sao chúng ta chưa có tác phẩm văn học lớn xứng với tầm vóc sự kiện lịch sử đó?
Những luận bàn đó, đôi khi rất khác nhau, cho thấy, trái với nhiều nhận xét bi quan, luồng suy nghĩ trong khu vực văn học của chúng ta chuyển xoay và biến động không ngừng. Các hiện tượng mới về tiểu thuyết, hiếm hoi hoặc không có cơ hội được nhìn nhận thỏa đáng, vẫn nối nhau xuất hiện trong hai thập niên cuối - 1980 và 1990, ở cả các tác giả lớp từ chiến trận trở về cũng như các tác giả trẻ “hậu chiến” hoặc không trực tiếp xông pha trận mạc - các hiện tượng đó bộc lộ hai nhánh lớn của tư duy văn học vẫn kéo dài đến nay: hiện thực chủ nghĩa truyền thống và hiện đại chủ nghĩa mô phỏng.Văn học hiện thực chủ nghĩa đầu thế kỷ XX của chúng ta đã tạo ra khuôn mẫu bền vững hiệu quả về ngôn ngữ tiểu thuyết, một khuôn mẫu có sức sinh sôi, như đã chứng tỏ qua các tiểu thuyết tiếng Việt sau này; và đó là một chủ nghĩa hiện thực Việt Nam như khẳng định mới đây của nhà phê bình văn học Trần Đăng Suyền: “thống nhất trên một mức độ nhất định giữa chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng dân chủ, tư tưởng yêu nước và cách mạng”. (Trần Đăng Suyền, NXB Khoa học Xã hội, 2010, tr.540)
Về chủ nghĩa hiện đại, chúng ta đã lệch pha và chậm bước ngay từ ban đầu: hai thập kỷ đầu tiên thế kỷ XX tính hiện đại là bản thân sự xuất hiện của tiểu thuyết tâm lý hiện thực chủ nghĩa bằng tiếng Việt quốc ngữ, trong khi, ở xứ sở ảnh hưởng cội nguồn của các tiểu thuyết đó (nước Pháp), người ta đã phát hiện và dịch James Joyce (Anh), Franz Kafka (Tiệp Khắc), đã có Marcel Proust, Andre Gide v.v... - và những biến chuyển mới này chưa bao giờ kịp ảnh hưởng đến tư duy văn học nơi tiểu thuyết của chúng ta.
Tư duy hiện thực chủ nghĩa hay hiện đại chủ nghĩa vốn không phải là những hiện tượng viển vông hay thiếu căn cứ của ý thức văn chương. Ít nhất có một nền tảng hiển nhiên quy định cái ý thức đó: đời sống ngôn ngữ tiếng Việt. Ba mươi năm chiến tranh và cách mạng, một tiến trình “nhất biên đảo” xây dựng bản sắc văn hóa - chính trị của nước Việt Nam mới, sức thống soái của một từ vựng cùng một quan điểm diễn ngôn v.v... là những ảnh hưởng trực tiếp, đôi khi quyết định.
Mặt khác thì ý thức luôn có những phát triển tự thân, bởi vậy tư duy của tiểu thuyết dù chật vật đến đâu cũng vẫn phải sống, tức phải tiến bước.
Đã có sự bừng nở…
Không viện đến bất cứ mong mỏi lạc quan nào, có thể thấy quá trình hoạt hóa tư duy tiểu thuyết ngày càng mạnh lên và mở rộng kể từ phong trào gọi là “chống tiêu cực” mà truyện ngắn, báo chí và thơ nổi lên hàng đầu trong nửa cuối thập niên 1980; hệ quả là sự xuất hiện của Thời xa vắng và ba cuốn tiểu thuyết được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991; và cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, tư duy hiện thực chủ nghĩa như đi vào một cuộc tái sinh bất tận bằng việc khai phá đường biên những cấm đoán một thời. Sự nổi lên trong suốt thập niên 2000 của những tiểu thuyết như Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, Trăm năm thoáng chốc của Vũ Huy Anh, Dòng sông mía của Đào Thắng, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy,… rồi Ba người khác của Tô Hoài, Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng,… cho thấy sự dồi dào của nguồn cảm hứng từ khu vực đó.
Lý do nữa lại liên quan đến tư duy hiện đại chủ nghĩa mô phỏng. Trước hết bởi tại tính mô phỏng của nó - không tác giả nào tự nhận mình theo đuổi văn chương theo chủ nghĩa hiện đại, nhưng một sự đồng thuận tương đối với cái được gọi là “yêu cầu cách tân văn học” khiến cho khuynh hướng tư duy này gần gũi với một tập hợp “chủ nghĩa”, dẫu xét ra chẳng có một chủ nghĩa rõ rệt nào.
Tuy nhiên, đã có một sự bừng nở. Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già-1994, Người đi vắng-1999, Trí nhớ suy tàn-2000) cùng với Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa - 2000) đánh dấu khuynh hướng tư duy mới ở lĩnh vực này, trở nên hai gương mặt quen thuộc hơn cả khi nói đến văn học của thế hệ mới. Đi tìm nhân vật rồi Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Phố Tàu rồi Paris 11 tháng Tám của Thuận, Tường thành của Võ Thị Xuân Hà, Một thế giới không đàn bà của Bùi Anh Tấn, Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam, Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thụy,… sự xuất hiện mới mẻ cứ không ngừng, Nhiều cách sống của Nguyễn Quỳnh Trang, Phiên bản, Nháp và Kín của Nguyễn Đình Tú, Vắng mặt của Đỗ Phấn, Bờ xám của Vũ Đình Giang.v.v…
Thực tế, ở những tiểu thuyết của các tác giả mới - những cuốn đáng hài lòng hơn cả - thì những nhân tố gọi là “hiện đại” không nhiều và không đặc trưng đến độ “tiền phong”, “hiện đại chủ nghĩa” và “hậu-hiện đại” như nhiều nhà phân tích gọi ra hay mong mỏi chỉ ra được.
Có thể một số giới quan sát và sáng tác chưa đánh giá hết vai trò của truyền thống tư duy hiện thực chủ nghĩa đang trở lại và đồng thời biến đổi thích ứng với thời cuộc, sau một thời kỳ khá dài bị gián đoạn tiến trình phát triển “tự nhiên” của nó. Chính phẩm chất khai mở sự thật đã làm nên những thành công khác nhau của tiểu thuyết những năm vừa qua, chứ không phải do niềm khát khao “hiện đại” bằng bất cứ giá nào.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất