29/09/2020 08:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm vừa rồi ngồi tán gẫu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi tò mò hỏi: Ánh in tổng cộng bao nhiêu cuốn sách rồi? Anh cho biết, nếu tính rời từng quyển thì chắc khoảng trên trăm cuốn (riêng bộ Kính vạn hoa gồm 54 cuốn, Chuyện xứ Lang Biang gồm 4 cuốn). Vậy thì,chưa tính đến mấy tập thơ và tản văn, chỉ riêng các tập truyện dài của anh cũng đã ước chừng 50 cuốn, trong đó có Làm bạn với bầu trời (NXB Trẻ, 2019).
1. Ngày cụ Tô Hoài còn sống, cụ cho biết tổng số đầu sách đã in của cụ khoảng trên 140 cuốn, bao gồm truyện dài, tiểu thuyết, hồi ký, chân dung, chuyện nghề; truyện viết cho thiếu nhi…
Tôi không có ý định so sánh văn tài và đóng góp của 2 nhà văn kể trên, mà chỉ nói đến sự tương đồng về số lượng vượt trội so với các nhà văn trong giới, từ đó cho thấy sự lao động cần mẫn, bền bỉ, chuyên nghiệp cũng như khả năng chinh phục bạn đọc đáng nể của cả 2 nhà văn này.
Đối với họ, viết văn là công việc lao động hàng ngày, liên tục, có kế hoạch, có kỷ luật. Như người nông dân nông vụ chí kỳ bới đất lật cỏ trên cánh đồng, đặng hy vọng những mùa màng mẩy hạt chắc bông. Họ quyết không viết thứ “văn chơi”, văn để chơi. Hành động viết văn của họ hướng tới chúng sinh, kiên nhẫn gieo trồng những hạt mầm thiện lành vào cõi sống này.
Tác phẩm Làm bạn với bầu trời đã khéo léo sắp đặt một cốt truyện thú vị để nhân vật nương vào và bộc lộ tính cách. Nhân vật chính là thằng Tèo bị chấn thương cột sống phải nằm nhà dưỡng bệnh, sau rồi phải đi bệnh viện, bệnh nặng tưởng chết, cuối cùng đã được hồi phục. Từ nhân vật này, tác giả thiết lập 2 tuyến nhân vật: Các nhân vật trẻ con gồm “tôi”, Nghị, Hằng, Diệu, Tí, Hào, Cường và các nhân vật người lớn trong mối quan hệ với đám trẻ con (các bậc cha mẹ, cô Đài chú Quỳ, chú Vịnh, bác Đỉnh, cô Hạnh, chú Toàn)… Trong đường dây cốt truyện này, tác giả đã cố ý chơi trò “tìm biết”, tức cố tình giấu độc giả, rồi tung ra những tình tiết bất ngờ, khiêu khích độc giả theo đuổi tận cùng câu chuyện.
Thí dụ, khi nhân vật Tèo đi viện, các bạn nhỏ ở nhà chờ đợi tin tức của người lớn từ bệnh viện trở về; lúc gặp họ, tự nhiên thấy trên ngực áo chú Vịnh tấm băng đen, thế là gây ra tình huống nhầm tưởng rằng Tèo đã chết. Đến chỗ này, người kể chuyện còn vòng vo chán chê, để cho các chuyện khác xen vào, cuối cùng mới hóa giải bằng cách thông báo cho bạn đọc biết tấm băng đen đó là để tang “ông ngoại của Tèo” vừa mới mất. Nhà văn cố ý để cho nhịp điệu kể chuyện dừng lại dềnh dang như thể trêu ngươi bạn đọc, khiến bạn đọc từ chỗ thương xót nhân vật, ám ảnh về nhân vật đến khi được vỡ òa trong niềm vui sướng vì nhân vật không chết, không phải chết, xứng đáng được sống và yêu thương giữa cõi đời này.
2. Như đã biết, với nhiều tác phẩm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất giỏi trong việc đẩy người đọc vào trò chơi rượt đuổi câu chuyện của nhân vật, gây nên những bỡ ngỡ, bất ngờ, nhờ vậy tạo ra được những chấn động cảm xúc.
Một ví dụ nữa trong Làm bạn với bầu trời: Nhân vật chú Vịnh, một người thiện lương, giàu lòng nhân ái, chuyện riêng tư trắc trở, không thành. Ở phần cuối truyện, trong cuộc đoàn viên giữa các nhân vật người lớn, chú Vịnh bỗng tự xưng là cha đẻ của Tèo. Những tưởng thế là “xong chuyện”. Nhưng tác giả rất quái trong trò đuổi bắt này: Kết truyện mới lại vỡ lẽ rằng chú Vịnh tự nhận vai trò cha đẻ của Tèo là do tình thế buộc vậy, nên vậy, vì Tèo, vì cô Hạnh, vì cả chính chú nữa… Thế đấy, nhà văn của chúng ta đã tung ra những ngón nghề “chọc tức” độc giả liên tục theo cách như vậy, khiến người đọc tò mò muốn biết hết chuyện, phải theo đuổi chuyện, không rời khỏi sách được.
Nhưng nếu chỉ có “mẹo” kể chuyện, tức phần kỹ thuật không thôi, truyện quá lắm chỉ khiến người đọc khen về cái sự thông minh của tác giả. Không, một tác phẩm hay phải có khả năng làm cho người đọc xúc động, đồng cảm, ám ảnh. Tác phẩm Làm bạn với bầu trời đủ để gieo vào lòng bạn đọc những yêu thương trìu mến. Nhân vật bé Tèo thông minh, đặc biệt có lòng yêu thương hoa cỏ, con vật; từ tâm với con người, nhất là người lớn. Trong vai một đứa trẻ đang nằm bệnh, được quyền nhận về những yêu thương, những chăm lo, cậu bé ấy lại để lòng yêu thương, chăm lo người khác. Trước những đối xử có khi không phải của người lớn, của đám trẻ với một câu nói, một hành động nào đó, cậu bé hoàn toàn độ lượng, vô chấp, luôn nghĩ về họ với những điều tốt nhất có thể. Tâm hồn của cậu bé chính là tâm hồn của một “thiên thần”.
3. Như tên cuốn sách, Làm bạn với bầu trời là một ngụ ý làm nên cái tứ của truyện. Trong một tình thế cụ thể, cậu bé Tèo bị bệnh, suốt ngày nằm bên cửa sổ, ngắm bầu trời, trăng sao, hoa cỏ, muôn loài. Nhưng vượt thoát ý nghĩa cụ thể, hình ảnh bầu trời chính là vương quốc của bầy tiên, của cao xanh, của sự thanh sạch, của mộng mơ và khát vọng… Sự mộng mơ có khi giúp con người chiến thắng được bệnh tật, vượt qua được những cám dỗ tầm thường, biết hướng về những điều tử tế và cao quý. Những thứ tầm thường, độc ác của đời sống này không có khả năng giết chết được những mộng mơ. Mộng mơ làm nên ý nghĩa của mỗi đời người. Mộng mơ được quyền tồn tại…
Tôi đã nói ở đâu đó cái ý rằng Nguyễn Nhật Ánh bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ vô nhiễm. Vànhờ thứ năng lượng ấy, ánh sáng ấy, các trang văn trong lành, lương thiện và mơ mộng của anh sẽ còn nối dài thêm mãi.
Danh sách các tác phẩm viết cho thiếu nhi và (Việc phân chia “thiếu nhi” và “tuổi mới lớn” trong danh sách này cũng mang tính quy ước, chứ thật ra cũng không thật rõ ràng lắm) Tác phẩm viết cho thiếu nhi - Trước vòng chung kết (1985) - Cú phạt đền (1985) - Bàn có năm chỗ ngồi (1987) - Bí mật của một võ sĩ (1989) - Chú bé rắc rối (1989) - Thiên thần nhỏ của tôi (1990) - Thằng quỷ nhỏ (1990) - Bong bóng lên trời (1991) - Út Quyên và tôi (1995) - Kính vạn hoa (bộ truyện 54 tập, 1995-2010) - Chuyện xứ Lang Biang (bộ truyện 4 tập, 2003-2006) - Tôi là Bêtô (2007) - Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008) - Đảo mộng mơ (2010) - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) - Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (2012) - Chúc một ngày tốt lành (2014) - Bảy bước tới mùa Hè (2015) - Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (2016) - Cây chuối non đi giày xanh (2017) - Cảm ơn người lớn (2018) - Làm bạn với bầu trời (2019) Tác phẩm viết cho tuổi mới lớn - Còn chút gì để nhớ (1988) - Cô gái đến từ hôm qua (1989) - Nữ sinh (1989) - Phòng trọ ba người (1990) - Mắt biếc (1990) - Hoa hồng xứ khác (1991) - Hạ đỏ (1991) - Bồ câu không đưa thư (1993) - Những chàng trai xấu tính (1993) - Trại hoa vàng (1994) - Đi qua hoa cúc (1995) - Buổi chiều Windows (1995) - Quán gò đi lên (2000) - Những cô em gái (2000) - Ngôi trường mọi khi (2001) - Lá nằm trong lá (2011) - Ngồi khóc trên cây (2013) - Ngày xưa có một chuyện tình (2016) |
PTS-TS Văn Giá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất