Đọc 'Đời tôi sóng nhạc bay lên' của Phong Nhã: 'Lời thành chân lý - nhạc rung tâm hồn'

12/06/2021 07:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta hầu như ai cũng nhớ 1, 2 bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã như: Nhanh bước nhanh nhi đồng, Cùng nhau ta đi lên… Những câu hát đã mãi theo chúng ta: “Bước dấn bước gió tung bay tóc xanh...” từ thuở thơ ấu cho đến khi tóc bạc câu hát vẫn “xanh” trong tâm hồn. Vậy mà ít người được biết về cuộc đời người nhạc sĩ đã sáng tác ra những bài hát tràn đầy hào khí tươi sáng ấy!

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phong Nhã: 'Nhạc sĩ của tuổi thơ'

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phong Nhã: 'Nhạc sĩ của tuổi thơ'

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ai đã từng cắp sách đến trường đã từng sinh hoạt “Đội”, chắc chắn đều thuộc vài ba bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã. Giai điệu trong sáng, tươi vui, hồn nhiên trong các bài hát của ông là ký ức đẹp đối với nhiều thế hệ học sinh…

Năm 2020 sau khi nhạc sĩ Phong Nhã từ trần, gia đình nhạc sĩ đã tin cậy gửi gắm tập hồi ký của ông tới NXB Kim Đồng. Để giúp bạn đọc tìm hiểu về cuộc đời nhạc sĩ Phong Nhã, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt cuốn sách Đời tôi sóng nhạc bay lên trong tháng 5/2021.

Mở trang hồi ký là hình ảnh quê hương của nhạc sĩ Phong Nhã - ông tên thật là Nguyễn Văn Tường sinh năm 1924. Cuốn sách đưa ta trở về một vùng quê Hà Nam cách đây gần 100 năm.

Chú thích ảnh
Cuốn “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của Phong Nhã và tuyển tập các ca khúc của ông

Mùa nước lụt những cánh đồng chiêm trũng mênh mông nước trắng. Chúng ta nghe tiếng gọi đò được tác giả miêu tả bằng những âm chữ cái ô, i, ơ, a, ớ, á… sinh động như tiếng nói hòa âm cùng sóng nước đồng quê. Tác giả cuốn sách - nhạc sĩ Phong Nhã đã cho ta thưởng thức một lối văn đặc biệt. Với Đời tôi sóng nhạc bay lên, tác giả đã pha vào câu văn tiếng hát dân ca, những ký âm pháp dân tộc hò, xừ, xang, xê, cống, líu và cả những si, mí, rề, sol, fa, la, đố, những ký xướng âm ông đã được học ở trường Pháp Việt khiến cho văn của Phong Nhã có một nét duyên riêng.

Nhạc sĩ Phong Nhã là một anh phụ trách thiếu nhi vui tính. Từ tính cách người tạo nên văn của Phong Nhã. Thật hiếm có một cuốn hồi ký của một chiến sĩ cách mạng lão thành đã từng tham gia những sự kiện lịch sử lớn lao, từng trải những việc khó khăn gian khổ, thử thách sống chết… lại có một giọng văn sinh động linh hoạt như hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã.

Vậy mà, người nhạc sĩ vui tính ấy lại có một tuổi thơ đau thương cực nhọc. Ông mồ côi mẹ từ khi 5 tuổi và có một người chị ruột tàn tật. Đối với cậu bé Tường (Phong Nhã), người chị gái là chỗ dựa tình cảm yêu thương nhất sau khi mẹ mất. Bởi thời thơ ấu của cậu bé Tường trải qua 2 đời dì ghẻ. Người chị tàn tật đã như là người mẹ của cậu Tường. Chị biết đọc truyện thơ dân gian Tống Trân - Cúc Hoa để diễn cảm bao nỗi niềm buồn tủi của 2 chị em. Chị có khiếu âm nhạc, khi hát dân ca biết biểu lộ tình cảm những đoạn chị thích… Khi chị bị bệnh mất sớm cậu bé Tường đã mang một nỗi đau sâu sắc.

Nhớ lại tình cảm với người chị gái nhạc sĩ Phong Nhã đã viết: “Tình cảm giữa con người với con người cũng chính là một thứ âm thanh vô hình mà hữu hình, không có nó cũng chẳng ra âm thanh đặc sắc và riêng biệt của từng người” (Trích trang 18, Đời tôi sóng nhạc bay lên).

Đọc hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã, bạn đọc sẽ được hiểu biết về một vùng quê Hà Nam giàu truyền thống âm nhạc với những lễ hội phong phú, có những làn điệu dân ca Cò lả, những bài ca trù đặc biệt như bài Chén muối đĩa vừng hoàn toàn khác ca trù của các giáo phường Thăng Long.

Chú thích ảnh
Tiểu sử nhạc sĩ Phong Nhã. Đồ họa: TTXVN

Năng khiếu âm nhạc của nhạc sĩ Phong Nhã đã được ươm mầm từ người cha: “Những bài học vỡ lòng của bố tôi về ký âm pháp dân tộc và đánh đàn đã giúp tôi ngồi vào dàn nhạc gia đình và đánh theo được…” (trích trang 21- Sđd). Từ truyền thống gia đình những trang hồi ký tiếp tục mở ra cho ta biết một thời kỳ lịch sử (1935 - 1945) đầy biến động ở Hà Nội. Từ một học sinh con nhà nghèo tâm hồn nhạy cảm ham học, người thiếu niên Nguyễn Văn Tường (Phong Nhã) đã tham gia phong trào học sinh yêu nước rồi trở thành một chiến sĩ tham gia Cách mạng tháng Tám 1945.

***

Cuốn sách Đời tôi sóng nhạc bay lên đã gần như là một cuốn biên niên sử giai đoạn mở đầu của Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên và phong trào văn nghệ dành cho thiếu nhi. Tác giả Phong Nhã đã kể lại kỷ niệm ra đời của những bài hát cách mạng nổi tiếng đầu tiên cho thiếu nhi như Nhanh bước nhanh nhi đồng; Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng; Kim Đồng; Cùng nhau ta đi lên...

Là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Hội Nhi đồng cứu quốc, tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong sau này, nhạc sĩ Phong Nhã đã sáng tác âm nhạc như tiếng kèn tập hợp thiếu nhi tham gia phong trào yêu nước, kháng chiến chống xâm lược. Ông đã trở thành nhạc sĩ của tuổi thơ bởi âm nhạc của ông được trẻ em yêu thích dễ thuộc dễ hát. Âm nhạc của ông khiến tình cảm tuổi thơ bừng sáng khát vọng trở thành người có ích cho Tổ quốc. Những bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã đã khiến phong trào thiếu nhi yêu nước thêm sức sống sôi nổi.

Hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã còn kể lại những ngày đầu tiên ông lên chiến khu Việt Bắc. Đó là những hồi ức quý giá giúp chúng ta biết được thuở ban đầu của Trung ương Đoàn (Ban Thanh vận trung ương).

Là Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo Thiếu niên tiền phong, nhạc sĩ Phong Nhã đã dành một phần hồi ký để viết về Hành trình của báo Đội. Trong cuốn sách theo dòng thời gian từ kháng chiến đến hòa bình, thống nhất, nhạc sĩ Phong Nhã đã kể lại sự kiện Đêm nhạc Phong Nhã do báo Thiếu niên tiền phong Hoa học trò tổ chức ngày 12/5/1996 tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Nơi mà từ năm 1945 đã là trụ sở của Hội Nhi đồng cứu quốc và sau đó là Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội, chính nhạc sĩ Phong Nhã đã làm việc, sinh hoạt với các em lớp đầu ở đấy. Sau đó là Đêm nhạc Phong Nhã nối dài có tên Nhạc sĩ của chúng em đã được tổ chức vào tối ngày 15/5/1996 do Nhà Thiếu nhi TP.HCM thực hiện. Trong dịp này nhạc sĩ Phong Nhã đã có dịp gặp gỡ với các nhạc sĩ tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Trương Quang Lục…

Trong cuộc đời sáng tác 40 năm có lẻ của nhạc sĩ Phong Nhã có biết bao kỷ niệm, ông đã lựa chọn 7 mẩu chuyện lắng đọng sâu sắc nhất để chia sẻ cùng bạn đọc trong cuốn hồi ký thú vị này.

***

Thật là khó lòng nói hết được từng chi tiết độc đáo của cuốn hồi ký Đời tôi sóng nhạc bay lên của nhạc sĩ Phong Nhã trong khuôn khổ một bài báo ngắn gọn. Tôi hy vọng rằng mỗi người đọc sẽ tự mình khám phá thêm những điều hay, những ý nghĩa sâu sắc trong từng mẩu chuyện giản dị chân thực của nhạc sĩ Phong Nhã đã để lại cho chúng ta. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã nhận xét: “Ông viết không lên gân nhưng lại rất thuyết phục, nhẹ nhàng nhưng lại đi vào tâm hồn trẻ thơ”.

Trong cuốn sách, nhạc sĩ Phong Nhã đã kể rằng vào ngày 3/4/1984 có một cựu chiến binh chống Pháp tên là Vũ Cương Trực, một người rất yêu thích âm nhạc của nhạc sĩ Phong Nhã đã đến thăm nhạc sĩ tại nhà riêng và tặng ông bài thơ có câu “Đời anh sóng nhạc bay lên”. Nhạc sĩ Phong Nhã đã chọn ý tứ câu thơ này để đặt tên cho hồi ký của mình.

Noi theo gương ấy, tôi cũng xin chọn một câu trong bài thơ của Vũ Cương Trực: “Lời thành chân lý - nhạc rung tâm hồn” để đặt tên cho bài viết của mình về cuốn hồi ký quý giá của nhạc sĩ Phong Nhã.

“Tình cảm giữa con người với con người cũng chính là một thứ âm thanh vô hình mà hữu hình, không có nó cũng chẳng ra âm thanh đặc sắc và riêng biệt của từng người” (Nhạc sĩ Phong Nhã viết trong Đời tôi sóng nhạc bay lên).

Nhà văn Lê Phương Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm