Đoàn Cầm Thi: Văn học VN chưa có tự truyện

26/07/2008 12:27 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sang Pháp du học từ năm năm 1989, Đoàn Cầm Thi từng bảo bảo vệ luận án tiến sĩ về văn học Pháp (năm 1997). Sau đó, chị chuyển sang nghiên cứu văn học VN và hiện là giảng viên dạy văn học VN tại ĐH Paris VII (sắp tới chị sẽ được phong PGS của Inalco - Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông). Chị vừa về nước và có buổi thuyết trình về văn học Pháp đương đại mang tên: Những biến tấu của thể loại tự sự tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 - Tràng Tiền, HN). Đoàn Cầm Thi trò chuyện cùng TT&VH ngay sau buổi nói chuyện.
 
Đoàn Cầm Thi
 
- Bùng nổ khoảng bốn năm thập kỷ gần đây, văn chương tự sự phát triển đa dạng qua các thể loại tự truyện (autobiographie), chân dụng tự kể (autoportrait), tự truyện hư cấu (autofiction), nhật ký (journal intime) … Các nhà văn tên tuổi của Pháp đều đã ít nhất một lần thử nghiệm lối viết tự sự: S.Beauvoir với Hồi ký một cô gái khuôn nếp (Mémoires d’une jeune fille rangée, 1958), G.Perec với Tôi còn nhớ (Je me souviens, 1978), N.Sarraute với Tuổi thơ (L’Enfance, 1983), M.Duras với Người tình (L’Amant, 1984). Nhiều tác giả hàng đầu của Pháp hiện nay viết theo thể tự sự… Qua tác phẩm của mình, các tác giả nữ bóc trần cuộc sống riêng tư, bằng những cái “tôi” nửa thật nửa hư cấu. Nguyên tắc của họ là có thể viết về mọi đề tài. Với họ không còn gì là cấm kị. Đặc biệt đề tài tình dục được khai thác một cách cụ thể, sống sượng, không úp mở và qua đó mang lại cho tiểu thuyết Pháp những chiều kích mới. Ở đây, tôi không có ý định đánh giá toàn bộ nền văn học Pháp đương đại, mà chỉ muốn xem xét dòng văn học tự sự, được coi là mạch chính của văn học Pháp hôm nay.

* Tự truyện có quy ước ngầm với độc giả là phải nói lên sự thật, nhưng dù người phương Tây dám phơi bày sự thật trần trụi của mình, thì độc giả vẫn không tin những tác phẩm đó nói chính xác 100% sự thật?

- Để nói được sự thật phải qua hư cấu. Có rất nhiều sự thật, kể cả nói thật cũng không phải là sự thật, mà phải qua hư cấu. Vậy cái sự thật đó là cái quy ước. Làm thể nào để đạt được sự thật? Nhiều khi hư cấu là giải pháp hữu hiệu nhất...

* Cũng như ở Pháp, ở VN gần đây cũng xuất hiện nhiều thể loại tự truyện, nhưng lý do vì sao chị lại nhận xét rằng văn học VN chưa có thể loại này?

- Đúng là trong lịch sử văn học VN, chưa có tác phẩm nào có thể gọi là tự truyện. Xét theo định nghĩa của Philippe Lejeune, nhà lý thuyết Pháp về thể loại này. Theo ông, đó là "một câu chuyện mà một người có thật ngược dòng thời gian, kể lại đời mình, nhấn mạnh tới cuộc sống cá nhân, đặc biệt tới sự hình thành tính cách". Như vậy một tác phẩm chỉ có thể coi là tự truyện khi tác giả, người kể chuyện và nhân vật chính là một. Philippe Lejeune còn lưu ý trong tự truyện bao giờ cũng có một hợp đồng ngầm giữa tác giả và người đọc: tác giả cam kết sẽ chỉ kể sự thật. Dường như có một câu nói cất lên ngay từ lúc mở đầu tác phẩm: "Tôi tên là X, tôi sẽ kể cho các bạn nghe sự thật đời tôi…".Tóm lại, một tác phẩm tự truyện phải kết hợp được hai động tác: hướng vào nội tâm và hướng về quá khứ, để tìm cách giải đáp câu hỏi: “Tại sao tôi hôm qua lại là tôi hôm nay?”
 
Tác phẩm “Câu chuyện của một người đàn bà”
của tác giả Annie Ernaux

Viết về những kỷ niệm cá nhân là một hiện tượng có từ lâu trong văn giới VN, Cao Bá Nhạ viết Tự tình khúc, Phan Bội Châu viết Ngục trung thư. Song các tác giả này cư xử với quá khứ đơn giản như một nhân chứng: họ quan tâm đến thế sự nhiều hơn là câu chuyện của chính mình. Sau này, trong tác phẩm Cát bụi chân ai, khi Tô Hoài nói về "năng khiếu văn học", kỷ niệm thời "thơ ấu" hay "tuổi trẻ" của mình, ông thường lướt nhanh và chấp nhận một lối kể chung chung, mà không tìm cho nó một lý giải độc đáo. Vì vậy, những tác phẩm này chỉ thuộc thể loại hồi ký.

Còn gần đây, cái "tôi" cá thể, sau một thời buộc phải nhường chỗ cho cái "tôi" tập thể, đã quay về chiếm lĩnh sân chơi,… thì đó chỉ đơn thuần là những cái "tôi" hư cấu. Lê Vân yêu và sống có lẽ là tác phẩm duy nhất trong đó một người bằng xương bằng thịt kể lại cuộc đời riêng của mình một cách ít nhân nhượng. Tiếc rằng về mặt nghệ thuật, nó chưa có nhiều tìm tòi trong câu chữ để đạt đến một văn phong độc đáo. Tôi rất quan tâm đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm - một trong những tác phẩm nhật ký cho bản thân mình, khó có thể coi là một tác phẩm văn học được. Nhưng khi in, xuất bản giới thiệu nó đã biến thành một tác phẩm văn học thực sự.

* Vậy theo chị, đâu là nguyên nhân của thiếu vắng đó?

- Theo tôi, là vì khi viết tự truyện, tác giả được quyền công khai xưng "tôi", thoải mái nói những điều mình nghĩ, tỏ rõ thái độ cá nhân, rọi xuống cuộc đời mình một cái nhìn riêng... Tuy nhiên, không phải xã hội nào cũng dễ dàng chấp thuận những điều đó. Dâu vậy, cuộc sống đang từng ngày từng giờ thay đổi, và tôi tin chắc là các tác giả VN sẽ bị lôi kéo bởi thể loại này.

* Giảng dạy văn học VN nhiều năm tại ĐH Paris VII. Vậy văn học VN được đón nhận tại Pháp như thế nào, thưa chị?

- Văn học Việt Nam ít được quan tâm tại Pháp. Vì nhiều lý do. Nó khó cạnh tranh nổi các nền văn học Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc... đã đành, nhưng trên hết, vì nó không được giới thiệu một cách đầy đủ ngay tại một đất nước mà cộng đồng người Việt thành hình từ lâu và được coi là bám rễ khá chặt vào cuộc sống tại đây. Có lẽ vì dân Việt thường chỉ chuyển qua làm văn hóa khi đã cảm thấy no đủ về vật chất, tức là lúc đã cầm chắc sổ hưu trong tay? Nói vậy thì hơi quá đáng, nhưng thực tế thì gần như thế… Nếu có viết có in, thì cũng chỉ loanh quanh đồng bào với nhau. Văn học VN tại Pháp vì vậy vẫn ì ạch. Lâu lâu cũng dấy lên được vài tháng, song lại lịm đi mất vài năm. Người làm chuyên môn, được đào tạo bài bản về nghiên cứu và phê bình hầu như không có ai. Dịch giả thì có thể đếm trên đầu ngón tay...

* Xin cảm ơn chị!
 
Lê Duy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm