21/07/2011 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Đỗ Mạnh Cường không mặc váy tới cuộc hẹn cà phê. Hôm nay anh cũng không sử dụng bất cứ “xiềng xích” nào trên bộ trang phục màu đen - màu gần như là quen thuộc nhất trong những lần xuất hiện trước đám đông. Có lẽ bởi vậy, trông anh có vẻ thoải mái và nhẹ nhõm hơn. Tôi cảm giác mình đang đối diện với cậu sinh viên năm thứ hai Khoa Gốm, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, hơn là nhà thiết kế số một Việt Nam hiện nay, người đang được hầu như tất cả các show thời trang hàng đầu ở Việt Nam “săn đuổi” và “muốn có bằng được”.
Trong lúc đợi Cường, tôi dạo thử Google với cái tên “Đỗ Mạnh Cường”, giữa rất nhiều dòng “gây sốc”, như là: Tôi là một người điên tỉnh táo nhất, Tôi mặc váy từ thời sinh viên, Nếu không làm thời trang tôi chẳng biết làm gì…, lại có dòng “khai lý lịch” rất chân thật thế này: Tốt nghiệp PTTH, mơ ước làm nhà báo nên thi vào Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội nhưng không đậu. Sau đó, nghe theo lời “rủ rê” của một cô bạn thân, đăng ký thi và đậu vào ngành mỹ thuật.
* À, thì hóa ra Cường từng thi ĐH Tổng hợp Hà Nội, từng mơ làm nhà báo, suýt nữa chúng ta chung trường và chung cả nghề…
- Đúng là tôi từng mơ làm nhà báo. Nhưng thi ĐH (Học viện Báo chí và Tuyên truyền chứ không phải ĐH Tổng hợp) thì trượt tới 3 lần. May có người bạn rủ rê, thi mỹ thuật công nghiệp, lại đậu. Lúc đó tôi chẳng quan tâm gì tới thời trang đâu, nghĩ thời trang là phù phiếm, chỉ thích thành nghệ sĩ vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm, nên theo học khoa gốm. Chỉ có bạn bè cứ bảo trông mày hợp với thời trang, sao không học thời trang… Học hết năm thứ hai, tôi có cơ hội đi Pháp, ban đầu cũng chỉ nghĩ là học cái gì về nghệ thuật. Nhưng rồi dần dần nhận ra, ở Pháp thì nghệ thuật hàng đầu chính là thời trang. Càng học tôi càng yêu nó, thấy mình thuộc về nó, nó đúng với con người mình. Bây giờ với tôi, thời trang là cuộc sống rồi.
* Vậy là thi trượt ĐH tới 3 lần hóa ra lại là một may mắn. Bởi nếu không, làng thiết kế Việt Nam đã không có cái tên “hot” nhất hiện nay - Đỗ Mạnh Cường. Thật sự, có những chuyện chưa từng xảy ra trong làng thời trang Việt, và có lẽ cũng khó mà xảy ra trong làng thời trang thế giới, nhưng nó lại xảy ra khi có… Đỗ Mạnh Cường, như là bộ sưu tập Mây của anh có mặt cả ở Elle Show 2010, Đẹp Fashion Show 9-2010, rồi đêm Thời trang Pháp - Việt. Tôi tự hỏi, không rõ các nhà tổ chức những đêm thời trang này “mê tín” cái tên Đỗ Mạnh Cường hay chính Đỗ Mạnh Cường đang quá tải rồi?
- Vâng, đúng là chuyện này không nên “xảy ra” đối với những show thời trang chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đây là quyết định của ban tổ chức, không phải của nhà thiết kế. Tôi nhận lời Đẹp Fashion Show 9 trước khi show chính thức diễn ra chỉ 12 tiếng đồng hồ, không còn thời gian để làm gì hết. Đẹp Fashion Show muốn tôi xuất hiện với bộ sưu tập Mây. Đêm Thời trang Pháp - Việt cũng vậy. Bản thân tôi cũng suy nghĩ, đắn đo rất nhiều trước khi nhận lời. Giữa Elle Show và Đẹp Fashion Show, một diễn ra tại TP.HCM, một ở Hà Nội, tôi thấy dù sao cũng có thể mang tới cho khán giả ở hai thành phố cơ hội để chiêm ngưỡng…
Thật sự thì tôi cũng cảm thấy đang quá tải với công việc. Quá nhiều lời mời. Tôi đã lựa chọn những show uy tín và chất lượng, những show mình thích và mình muốn góp sức, và nhất định không xuất hiện trong những show nhỏ và không mang tính thời trang.
Trong Fashion Boulevard diễn ra tối 19/7 tại khách sạn InterContinental (TP.HCM), Đỗ Mạnh Cường sẽ giới thiệu bộ sưu tập hoàn toàn mới của mình theo xu hướng màu sắc của thời trang thế giới năm nay. Đó sẽ là sự kết hợp giữa sự tinh tế trong lựa chọn chất liệu, sự tỉ mỉ trong từng đường may, sự nổi loạn về hình ảnh và sự đơn giản về kiểu dáng cũng như màu sắc.
* Trong năm nay anh đã nhận lời ai rồi?
- Năm nay tôi phải làm 4 bộ (mỗi bộ sưu tập gồm 30-35 mẫu). 2 bộ cho Elle Show (show Xuân - Hè và show Thu - Đông). 1 bộ cho show Fashion Boulevard của F-Magazine (sẽ diễn ra tối 19/7 tới đây tại TP.HCM). Và một chương trình cá nhân khác. Tôi đã phải từ chối lời mời của Đẹp Fashion Show 10 vì quá gấp.
* Hầu như tất cả các show thời trang hiện nay ở Việt Nam đều muốn có Đỗ Mạnh Cường. Nghe thế rất mừng cho anh, nhưng lại ngậm ngùi thế nào cho thời trang Việt Nam… Mỗi show là cơ hội cho 4-5 nhà thiết kế, vậy mà cuộc nào cũng thấy sự độc diễn của Đỗ Mạnh Cường.
- Vâng, sự độc diễn nào cũng là đáng buồn. Bản thân tôi chưa phải cao siêu gì, nhưng vì ở đây, nên tôi mới được “độc diễn” như vậy. Việt Nam hiện nay quá thiếu những nhà thiết kế được đào tạo chuyên nghiệp thật sự. Ở nước ngoài, mỗi tập đoàn thời trang có trong tay nhiều hãng thời trang, mỗi hãng đều có các nhà thiết kế của họ, mọi thứ đã thành công nghệ rồi. Thời trang ở Việt Nam vẫn mang tính giải trí nhiều hơn. Thời gian gần đây chúng ta mới có một vài show thời trang mang tính chất thời trang, chứ trước đó, thời trang Việt Nam chủ yếu là để “show” các người mẫu, hoặc mang tính câu khách… Thời trang đích thực là quần áo. Ở nước ngoài đi xem thời trang là xem quần áo chứ không phải là xem người mẫu!
* Tôi nghĩ, “lỗi hệ thống” dẫn tới “vấn đề” của thời trang như anh nói là từ phía các nhà làm thời trang, họ đã hướng công chúng tới mặt trái của thời trang.
- Tôi nghĩ lỗi từ nhiều phía. Do bộ máy công nghiệp thời trang Việt nam không đưa ra được những chương trình thời trang thật sự, có ý nghĩa. Nhà thiết kế thì không mang được sự hấp dẫn, sự thu hút của thời trang tới cho khách hàng. Và các nhà tổ chức thì muốn câu khách… Thời trang Việt Nam chưa tiến xa và chưa vươn lên là vì vậy. Hiện nay Việt Nam có quá nhiều nhà thiết kế nhưng người có khả năng biến thời trang thật sự là thời trang thì rất thiếu.
* Anh tự tin vào sự hấp dẫn - thời trang thật sự của mình chứ?
- Tôi tự tin thời trang của mình hấp dẫn. Với mỗi chương trình nhận lời, tôi đều đầu tư rất nhiều. Ngoại trừ những chương trình khách hàng, được trả nhiều tiền, các show thời trang lớn như Elle Show hay Đẹp Fashion Show, số tiền nhà thiết kế nhận được cho một bộ sưu tập trình diễn chỉ từ một tới hai ngàn USD, rất nhỏ so với số tiền tôi thật sự bỏ ra. Nhưng tôi biết mình sẽ nhận được gì sau đó nên không tiếc công, của đầu tư để đạt tới sự hoàn hảo nhất, từ giày dép, phụ kiện, người mẫu, trang điểm... Thông thường, một show thời trang ban tổ chức chỉ cung cấp cho mình khoảng 10 người mẫu, và tôi thường đầu tư thêm 10 người mẫu nữa để phần trình diễn phải ra được ý đồ. Mỗi lần trình diễn, chỉ riêng tiền mua giày dép cho người mẫu đã tốn rất nhiều tiền, trình diễn xong là… bỏ đi.
Những mẫu thiết kế trong BST "Mây" của Đỗ Mạnh Cường
Đây cũng chính là điểm khó khăn của các nhà thiết kế Việt Nam so với các đồng nghiệp nước ngoài. Với những nhà thiết kế nước ngoài, một năm làm 4 bộ sưu tập là bình thường, bởi họ có hệ thống nhân lực phục vụ, nhà thiết kế là người đứng đầu, là người đưa ra ý tưởng, người vẽ ra thiết kế ban đầu. Ở Việt Nam nhà thiết kế phải làm tất cả, từ việc chọn vải. Bởi thế thiết kế ở Việt Nam rất mệt mỏi, làm 4 bộ sưu tập một năm đã bắt đầu quá tải.
* Ngay sau đêm thời trang Elle Xuân Hè tại Saigon Park Hyatt, tôi nghe nói toàn bộ các mẫu trình diễn của anh đã bán sạch. Nếu không ngại, anh có thể tiết lộ những gì mà anh biết mình sẽ nhận được sau các show trình diễn này được không?
- Vâng, Elle Xuân Hè vừa rồi là một show quá thành công của tôi. Sau show, gần như toàn bộ mẫu bán hết. Khách hàng rất thích, và khi tới mua, họ gọi tên các mẫu theo tên người mẫu đã mặc: bộ của Thanh Hằng, bộ của Như Thảo… Mẫu mà Thanh Hằng mặc là mẫu mà nhiều người đặt nhất, dù giá không hề rẻ. Bởi vậy tôi chưa bao giờ lỗ trong các chương trình.
Có thể nói là tôi chưa từng thất bại trong kinh doanh, bởi tôi làm có mục đích rõ ràng. Tôi làm show không phải để chơi. Trước tới nay, có lẽ Đẹp Fashion Show 6 là cuộc chơi duy nhất, bởi thời điểm đó tên tuổi tôi còn rất mới, tôi nghĩ mình phải đầu tư. Khi ấy còn là sinh viên, nhưng tôi đã đầu tư rất nhiều cho cuộc ra mắt này, vải toàn mua tại Pháp, thực hiện bộ sưu tập tại Pháp lẫn Việt Nam, rồi bay đi bay về… Lúc đó tôi không biết mình sẽ nhận lại gì, chỉ biết sẽ phải đầu tư hết sức… Có thể sẽ được tất cả hoặc là mất tất cả. Nhưng sự thực thì sau show đó mọi người rất ủng hộ, tôi bán được những sản phẩm giá vài trăm cho tới cả ngàn USD, những khách hàng đầu tiên như ca sĩ Đoan Trang, Tùng Dương… chính là những người đã khuyến khích tôi về Việt Nam.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường dưới góc nhìn của Samuel Hoàng
* Quá tải, mệt mỏi…, nhưng anh vẫn liên tục xuất hiện. 4 bộ sưu tập mới hoàn toàn trong một năm ở Việt Nam chắc chắn là một kỷ lục. Tại sao anh không cho phép mình… thư giãn một tí? Hay thành công như thế là chưa đủ?
- Hiện nay cảm thấy đang sung sức nên tôi không cho phép mình dừng lại. Xuất hiện, với tôi không phải để nổi tiếng. Xuất hiện, là để cho thấy mỗi năm mình có gì sáng tạo mới, mình theo kịp với xu hướng thời trang thế giới như thế nào... Một nhà thiết kế chuyên nghiệp không cho phép mình dừng lại hay nghỉ ngơi. Thời trang không phải cuộc chơi, không phải chỗ giải trí. Trong trường học, thời trang được xếp vào ngành mỹ thuật công nghiệp, nghĩa là phải “chạy”, phải “vận hành”. Chị gọi sự xuất hiện của tôi là “kỷ lục”, chẳng qua do hiện tại ở Việt Nam quá ít sự lựa chọn cho các nhà tổ chức show thời trang nên họ phải chọn tôi dù đó có thể không phải là sự lựa chọn hay nhất.
* Có thể thấy sự chuyên nghiệp của anh xuất phát từ việc anh được đào tạo trong môi trường thời trang chuyên nghiệp hàng đầu thế giới (Paris). Liệu có con đường nào khác để trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp không?
- Theo quan điểm của tôi, những nhà thiết kế không được đào tạo bài bản trong môi trường chuyên nghiệp sẽ không thể chuyên nghiệp. Thật ra, việc học trong trường chỉ là một phần. Quan trọng là mình phải được đi, thấy, nhìn, sờ mó… mới có thể làm được. Tôi biết nhiều nhà thiết kế Việt Nam không đủ tự tin bước vào tiệm thời trang sang trọng. Bản thân nhà thiết kế không dùng đồ cao cấp thì sẽ không thể sản xuất được đồ cao cấp! Tôi nói mình biết thời trang cao cấp bởi bản thân tôi từng làm cho Dior, đã biết cách tạo ra sản phẩm loại đó như thế nào… Ý tôi nói cần phải đi học là vậy.
* Điều ấy cũng có nghĩa muốn trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp cần có tiền, thậm chí nhiều tiền?
- Tôi nghĩ gần như đúng vậy. Làm thời trang phải có tiền. Nếu không có tiền đừng mơ làm nhà thiết kế thời trang. Tất nhiên, sau khi có tiền, có học, cộng thêm có may mắn... thì bạn sẽ thành công.
Có một thực tế là ở Việt Nam hiện nay ai cũng có thể thành nhà thiết kế. Trong các cuộc thi thiết kế thời trang, thí sinh hầu hết từ các ngành khác, sinh viên chuyên ngành thời trang gần như chả thấy đâu. Thế hệ những nhà thiết kế kiểu ấy chỉ tồn tại một cách giả tạo, phù phiếm. Phần lớn họ không thực sự biết thời trang là như thế nào. Với tôi, thời trang phải được sống, phải có khách hàng, phải tồn tại. Mọi sự bột phát sẽ chỉ trong giây lát.
* Không nhiều người có điều kiện và may mắn giống như anh. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, anh có định chia sẻ cho các bạn trẻ, những người có mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang, nhưng điều kiện và may mắn ít hơn?
- Thật ra khi mới về nước, tôi đã định đi dạy, nhưng có thể bản thân không hợp lắm với môi trường sư phạm. Bây giờ tôi cũng có một vài em theo để học. Tôi sẽ chọn trong số ấy một vài người để, nói như chị, là chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Nhưng chắc chắn những bạn ấy phải có cùng suy nghĩ giống tôi về thời trang, và đừng mơ mộng hay ảo tưởng về bản thân mình. Không phải cứ học thời trang là thành nhà thiết kế nổi tiếng. Ở nước ngoài cả ngàn nhà thiết kế mới có một nhà thiết kế nổi tiếng.
* Cám ơn anh.
P.T.T.T (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất