Djokovic đánh bại Federer: Những Grand Slam sẽ không dừng lại

14/09/2015 12:59 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa Djokovic vượt qua Federer để vô địch Grand Slam. Năm 2015 này thậm chí còn thành công hơn cả năm 2011 lừng lẫy. Nole đánh chung kết cả 4 giải Grand Slam, điều mà trước anh, trong kỷ nguyên mở rộng, chỉ có Federer và Rod Laver làm được.


Djokovic vô địch US Open 2015

Đã quá hiểu nhau sau hơn 40 lần đối đầu nên Roger và Nole không còn bí mật nào để dành cho đối thủ của mình nữa. Djokovic tận dụng tối đa khả năng trả giao bóng của anh để biến phòng thủ thành phản công và như thường lệ, anh chấp nhận mạo hiểm trong phần lớn các cú đánh khi thường chơi bóng nặng, có điểm rơi vào sát dây. Djokovic cũng phát huy nhiều nhất có thể sự biến hóa trong các miếng đánh, nhanh chóng đổi hướng tấn công và thường xuyên điều bóng về hai góc sân để buộc Federer phải di chuyển nhiều nhằm tiêu hao thể lực của tay vợt Thụy Sỹ.

Federer biết rõ hạn chế thể lực của anh nên tìm cách giải quyết sớm các pha bóng trong mỗi game bằng cách tập trung vào quả giao bóng 1 và bước vào sân thật nhanh để tràn lưới sớm nhằm hạn chế góc đánh của Nole. Đấy là ý đồ của hai tay vợt nhưng mức độ thành công của họ rất khác nhau.

Thực tế thì Federer giao bóng 1 khá tốt khi anh có tới 11 cú ace (Nole chỉ có 3 lần giành ace). Nhưng chính khả năng trả giao bóng cũng rất tốt của Djokovic càng về cuối trận càng hạn chế đáng kể những cú service 1 của Federer vào lúc mà thể lực của tay vợt Thụy Sỹ không còn sung mãn.

Federer chấp nhận mạo hiểm khi bước vào sân rất nhanh và rất sớm để tràn lưới nhằm hạn chế góc đánh của Djokovic. Nhưng Djokovic cũng phản ứng rất nhanh bằng cách tung ra những cú lốp bóng điệu nghệ khiến Federer nhiều lần thua điểm. Vì cảm thấy tràn lưới với Djokovic cũng không thể thành công cao mà còn có nguy cơ bị Djokovic lốp bóng hoặc tung ra một cú passingshot dọc dây hay chéo sân nên Federer cũng không dám áp dụng chiến thuật này quá thường xuyên.

Mặt khác, Djokovic cũng hay tung ra những cú đánh vào góc sân hoặc cận dây khiến Federer nhiều lần trả bóng hỏng. Trận này, tay vợt Thụy Sỹ đánh hỏng rất nhiều. Càng về cuối Federer càng đánh hỏng nhiều. Không chỉ quả trái tay càng lúc càng đuối mà cả cú thuận tay anh cũng nhiều lần đánh hỏng đáng tiếc.

Càng đáng tiếc hơn vì nhiều khi Federer hoàn toàn chủ động, không hề chịu sức ép từ Djokovic và có vị trí thuận lợi nhưng anh vẫn đánh ra ngoài. Như ở set 3, khi tỷ số đang là 4-4 và Federer giao bóng nhưng anh liên tiếp đánh ra ngoài cả cú thuận tay lẫn cú trái tay sau đó, tạo cơ hội cho Nole bẻ game dẫn 5-4 trước khi tay vợt Serbia thắng game 10 để đóng lại set đấu với chiến thắng 6-4. 54 lỗi đánh hỏng so với 37 lỗi của Djokovic là quá nhiều và nó là một phần nguyên nhân khiến Roger thất bại.

Khả năng bẻ game của Federer cũng rất hạn chế dù cơ hội anh có rất nhiều. Bằng chứng là Federer có tới 23 cơ hội bẻ game nhưng anh chỉ thành công 4 lần trong khi Nole chỉ có 13 cơ hội nhưng anh thành công 6 lần.

Rõ ràng, thể lực, khả năng đánh bóng bền và đánh cuối sân là các vấn đề khiến Federer gặp khó khăn mà chúng ta đều biết. Khi gặp Djokovic, mọi chuyện còn khó khăn hơn vì Nole không chỉ trả bóng khó mà kỹ thuật xử lý bóng rất đa dạng nên chiến thuật tập trung vào quả giao bóng 1 rồi bước vào sân thật sớm để tràn lưới nhanh của Federer cũng bị hạn chế hiệu quả phần nào.

Đến khi giao bóng 1 không thành công thì Federer giao bóng 2 không thể mạo hiểm được nữa. Và Djokovic càng có điều kiện phát huy quả trả giao bóng lợi hại của mình. Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ giao bóng 2 ăn điểm của Federer chỉ đạt 46%, thấp hơn hẳn so với 71% ăn điểm của giao bóng 1.

Kết quả trận chung kết không bất ngờ. Rất khó để một Federer đã 34 tuổi vô địch US Open một lần nữa. Với Djokovic, những chiếc cúp vô địch Grand Slam không dừng ở đây. Anh chưa già (28 tuổi) và quan trọng không kém là ATP chưa giới thiệu được đối thủ xứng tầm thực sự nào, cả về đẳng cấp và nhất là sự ổn định, để lật đổ đế chế của anh.

HT


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm