(TT&VH) - Nhiều khả năng Disneyland đầu tiên ở Trung Quốc sẽ được khai trương vào năm 2014. Như vậy, chỉ vài năm nữa người Đại lục sẽ không phải tới Hong Kong hoặc ra nước ngoài hay để gặp gỡ các thần tượng hoạt hình của mình – chuột Mickey và vịt Donald. Hôm 5/11, hợp đồng xây dựng Disneyland ở Thượng Hải đã chính thức được Công ty Walt Disney và Tập đoàn Shendi Thượng Hải (SSG) ký kết.
Công viên giải trí Thượng Hải sẽ là công viên chủ đề Disney thứ 4 ở ngoài nước Mỹ, bên cạnh Paris, Tokyo và Hong Kong. Dự án này, với diện tích 1,16 km2, sẽ là Disneyland lớn nhất thế giới. Quá trình thi công sẽ được chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, gồm khu vực công viên rộng gần 1 km2, sẽ được đầu tư khoảng 25 tỷ NDT (3,68 tỷ USD) và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Giai đoạn đầu sẽ gồm cả việc làm một chiếc hồ rộng 0,39 km2. Phía Đông Bắc của hồ là hòn đảo nhân tạo rộng 7.000 m2. Bên bờ Bắc là trung tâm vận chuyển công cộng, các phương tiện giải trí và khách sạn. Chưa kể, con sông chạy xung quanh công viên đã được làm từ hồi tháng 10. Nhìn chung, công viên sẽ khiến khách tham quan ấn tượng về một thế giới nước. Bên cạnh đó, còn xây dựng một tuyến xe điện ngầm nối công viên giải trí với khu vực đô thị của Thượng Hải. Dự án được mong đợi từ lâuCông ty Walt Disney (Mỹ) và Tập đoàn Shendi Thượng Hải đã phải trải qua hơn 1 thập kỷ chuẩn bị kể từ khi có ý tưởng hợp tác cho tới lễ ký kết chính thức. Năm 1986, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Walt Disney đã ký hợp đồng phát sóng các serie phim hoạt hình về chuột Mickey và vịt Donald ở Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, Disney đã phát triển hợp tác mang quy mô rộng cùng các đối tác Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như điện ảnh, truyền hình, quảng bá và bán các sản phẩm của thượng hiệu Disney. Với thành công của serie phim hoạt hình, ý tưởng xây dựng công viên chủ đề Disney ở Thượng Hải đã gây ấn tượng các nhà lãnh đạo thành phố thời điểm đó. Tiếp theo là 1 thập kỷ thương thảo giữa 2 bên bắt đầu. Đến năm 2005, công viên chủ đề Disney đầu tiên ở Trung Quốc đã được khai trương nhưng không phải ở Thượng Hải, mà là ở Hong Kong. Sự kiện này đã khiến cho việc thương thảo giữa Thượng Hải và Disney gặp nhiều khó khăn hơn và tranh cãi đã nổi lên khi có ý kiến cho rằng liệu có cần thiết một Disneyland thứ 2 ở Trung Quốc. “Nếu Disneyland Thượng Hải được xây dựng thì chắc chắn nhiều du khách Đại lục sẽ chọn Thượng Hải chứ không tới Hong Kong” - Jianmin, Trưởng khoa Du lịch của trường đại học Tài Chính Kinh tế Thượng Hải – nơi tham gia đánh giá dự án – khẳng định. Và điều này đã trở thành một rào cản lớn trong quá trình thương thảo. Đầu năm 2000, Xu Kuangdi, lúc đó là Thị trưởng thành phố Thượng Hải, cho rằng 100 triệu người giàu có nhất Trung Quốc sống ở vùng châu thổ sông Dương Tử - nơi Thượng Hải tọa lạc – sẽ duy trì được hoạt động của công viên Disney. Từ đó đến nay, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh và Thượng Hải đã nổi lên thành một trung tâm tài chính và khả năng chi tiêu của người dân cũng lớn hơn, điều này càng đẩy mạnh tính khả thi của Disneyland ở Đại lục. Nổi lên nhiều lo ngạiƯớc tính dự án xây dựng Disneyland sẽ tạo công ăn việc làm cho 50.000 người. Nhiều khả năng, công viên giải trí này còn thu hút được khoảng 80% du khách Đại lục cũng như từ các nước châu Á khác. Mặc dù có chi phí xây dựng thấp và kinh nghiệm từ các hoạt động của 5 công viên Disney khác sẽ góp phần mang lại thành công cho Disneyland Thượng Hải, song công viên này vẫn cần thiết phải giảm hơn nữa chi phí xây dựng. Việc ấn định giá vé cũng là vấn đề quan trọng. Một cuộc thăm dò về giá vé do tờ Shanghai Morning Post tiến hành cho thấy người dân rất quan tâm tới vấn đề này nhất. 90% người được hỏi nói rằng giá vé chấp nhận được là 400 NDT (61 USD) hoặc thấp hơn. Ngoài ra, Disneyland sẽ còn phải đối chọi với sự cạnh tranh của các công viên giải trí nội địa khác ở Trung Quốc như Thung lũng Hạnh phúc (công viên giải trí đã có mặt ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến). Thung lũng Hạnh phúc đã phát triển rất nhanh ở thị trường nội địa trong những năm gần đây và được đông đảo du khách yêu thích, chưa kể giá vé thấp hơn nhiều so với giá trung bình của các công viên Disney. Bên cạnh đó, Disneyland còn tạo áp lực cho nền công nghiệp văn hóa nội địa khi hợp đồng hợp tác còn gồm cả việc liên doanh sản xuất serie phim hoạt hình và chương trình truyền hình để thông qua đó quảng bá cho thượng hiệu Disney và công viên Thượng Hải. Tuy nhiên, nhiều nhân vật trong nền công nghiệp văn hóa và giải trí Trung Quốc lại không quá lo lắng về sự cạnh tranh đó. “Việc Disneyland thâm nhập vào Trung Quốc tạo cơ hội tốt để nền công nghiệp phim hoạt hình học hỏi. Disney có kinh nghiệm trong việc làm phim hoạt hình và đó là những thứ mà Trung Quốc nhất thiết phải học”, Zhou Ying, một nhà làm phim hoạt hình ở Thượng Hải, khẳng định.Việt Lâm