07/07/2021 19:41 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Trong điện ảnh, vì đòi hỏi từ kịch bản và độ sinh động của nghệ thuật, Kiều Trinh sẵn sàng vào những cảnh nóng khá táo bạo, diễn chân thật đến mức được gọi là “nữ hoàng cảnh nóng”.
Bên cạnh đó, chị cũng được đánh giá khá cao qua các vai diễn có thân phận đầy trắc ẩn, diễn biến nội tâm phức tạp. Sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề diễn và chốn ồn ào của giới giải trí, chị quyết định bỏ phố thị về quê, sống trong cảnh vui thú điền viên.
Kiều Trinh ghi dấu ấn trong các phim điện ảnh như Mùa len trâu, Rừng đen, Bi, đừng sợ!, Dịu dàng, Song lang… chị cũng đóng nhiều phim truyền hình.
Tình cờ bước vào nghệ thuật
Cha của Kiều Trinh người gốc tỉnh Bình Dương, còn mẹ thì sinh trưởng tại Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Hồi mới cưới nhau, họ mưu sinh bằng nghề giết mổ heo.
Một ngày, họ nhận ra cái nghề này khiến cho tâm trí bất an. Thế là họ gửi Kiều Trinh và một người chị cho bà nội nuôi dưỡng, rồi dìu dắt nhau lên khai hoang tại một vùng rừng ở tỉnh Bình Phước. Họ trụ lại tại ấp Vườn Rau, xã Thạnh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Thời điểm ấy, nơi này còn được gọi là xứ rừng thiêng nước độc, nhiều người chết vì sốt rét rừng. Thế nhưng, họ đã sống được một cách đầy mạnh mẽ, đến năm 1985, họ đón Kiều Trinh và con gái lớn về đây sinh sống.
Chính vì vậy Kiều Trinh đã trải qua tuổi nhỏ ở vùng quê hoang vắng. Đến năm 18 tuổi, chị rời quê nghèo về thành phố làm công nhân. Tại đây, cái duyên tình cờ đưa đẩy chị gặp một người trong giới làm phim. Người ấy đã gợi ý nên đi thử vai, vì một phim đang tuyển diễn viên.
Đạo diễn của phim này là Nguyễn Võ Nghiêm Minh cần một diễn viên hợp vai, chứ không quan tâm đó là diễn viên chuyên nghiệp, nổi tiếng, hoặc không. Kiều Trinh diễn thử vai một cách đầy bản năng, rồi được chọn vào vai chính. Đó là vai nàng Bân trong Mùa len trâu, phim thành công vang dội ở thị trường quốc tế lẫn trong nước. Vai diễn đầu đời của Kiều Trinh ghi một dấu ấn đẹp trong mắt công chúng.
Từ đó, Kiều Trinh giã từ kiếp sống công nhân, bước thẳng vào nghệ thuật. Không được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng có năng khiếu bẩm sinh và chịu khó học hỏi trên thực tế trường quay, nên dần tích lũy được nội lực diễn xuất dồi dào. Tất cả những vai diễn có tính cách số phận khắc nghiệt đều được chị thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Giờ nhìn lại, Kiều Trinh đã có vinh hạnh góp sức vào rất nhiều tác phẩm được khán giả quốc tế tán thưởng, mà tiêu biểu là Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di, Song lang của Leon Quang Lê.
Đặc biệt hơn, Kiều Trinh sẵn sàng tham gia diễn các cảnh nóng rất táo bạo, dạng vai diễn mà nhiều nữ diễn viên khác không dám nhận lời. Tuy nhiên, tất cả những cảnh diễn ấy đều là sự phát triển phù hợp với nội dung hợp lý của câu chuyện, chuyển tải được thông điệp nghệ thuật, chứ không phải là cảnh 18+ vô nghĩa. Điều đó, đã khiến cho công chúng và báo giới đặt cho chị biệt danh “nữ hoàng cảnh nóng” của màn ảnh Việt.
Muốn rời chốn ồn ào để về chỗ bình an
Thành công trong phim ảnh, nhưng trong đời tư thì đầy sóng gió. Chị thuộc dạng người khi yêu ai là hết lòng hết dạ. Nhưng không may, chị luôn gặp trắc trở trong tình yêu. Chị đã đi qua 3 cuộc hôn nhân. Trong đó, có người chồng đã bạo hành chị đến mức bị chấn thương não, sang chấn tâm lý. Sau đó chị chọn sống một mình nuôi con, tìm sự bình yên về tâm lý.
Thoát khỏi nợ tình, nhưng Kiều Trinh vẫn phải mang vác trách nhiệm của người mẹ và vai trò của người con. Thu nhập của diễn viên có giới hạn, trong khi Kiều Trinh phải một nách 3 con và phải chăm sóc cha mẹ già. Chị đã đi qua tháng ngày quay quắt với cơm áo gạo tiền tại đất Sài Gòn vô cùng đắt đỏ. Chị phải làm việc nhiều đến mức tưởng như ngã quỵ trên trường quay. Còn khi về nhà, ngả lưng xuống giường thì cơ thể đau tê buốt.
Theo thời gian, con gái đầu Thanh Tú đã lớn khôn, có thể tự lo cho mình. Kiều Trinh quyết định mang 2 con nhỏ và cha già bệnh tật về quê. Chị chia sẻ: “Đến một lúc, tôi cảm thấy cuộc sống ở Sài Gòn sao quá ngột ngạt. Lúc tôi đi làm thì cha tôi ở nhà giam mình trong 4 bức tường. Ông buồn ủ rũ. Đến một lúc, tôi nghĩ mình phải thay đổi. Tôi hỏi 2 con nhỏ của tôi rằng chúng có chịu về quê không. May mắn là chúng đồng ý. Thế là tôi quyết định rời Sài Gòn để trở về sống ở ngôi nhà của cha mẹ ở quê, nơi đây là thời thơ ấu của tôi, giờ là của các con tôi”.
Lúc đầu, Kiều Trinh sợ 2 con nhỏ của mình không quen cuộc sống ở quê, nhưng thật bất ngờ, chúng nhanh chóng hòa nhập. Lúc ở Sài Gòn, không gian sống và hoạt động của chúng chỉ bó hẹp trong ngôi nhà nhỏ và lớp học. Khi về quê, chúng tha hồ chạy nhảy, hít thở bầu không khí trong lành. Chúng lội suối, vô rừng, biết thêm được nhiều loại cây, phân biệt được rắn nào độc, rắn nào lành. Chúng đã rèn luyện được kỹ năng sống mà hồi ở phố thị không có được. Còn cha Kiều Trinh khỏe hơn hẳn khi được sống trong không gian miền quê thoáng đãng.
Trên mảnh đất rộng chừng 1 héc-ta, Kiều Trinh trồng rau, trồng sầu riêng, nuôi gà, vịt. Sáng sớm chị đi hái nấm, tưới rau, chăm sóc vườn cây. Trưa, chiều 2 buổi chị nấu ăn cho cả nhà. Cuộc sống thôn dã, bình dị ấy đã làm cho tâm trí Kiều Trinh nhẹ nhõm và an tĩnh. Chị như trút được gánh nặng đeo bám mình suốt mấy mươi năm. Mức sống ở nhà quê thấp, không gây áp lực tiền bạc nặng nề như hồi chị còn ở Sài Gòn. Tất cả gần như tự cung tự cấp, chỉ mua sắm những thứ tối thiểu cần thiết. Những gì chị trồng được trên khu vườn tươi sạch của mình đủ nhiều để bán, có thêm thu nhập.
Giờ đây Kiều Trinh đã mê cuộc sống miền thôn dã đến mức không muốn bứt rời đi nữa. Mỗi khi có phim mời, chị lại đến trường quay, xong rồi thì trở về rừng, lại khoác chiếc áo của một người phụ nữ nhà quê, sống tháng ngày mộc mạc và bình dị.
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất