Xem Đại Nghĩa để mắng hung tàn

18/07/2012 08:00 GMT+7 | Văn hoá


Trong áng văn chương bất hủ “Bình ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết “Mang đại nghĩa để thắng hung tàn” còn trên sân khấu Sài Gòn mười mấy năm nay, khán giả chỉ thấy hung tàn thắng Đại Nghĩa.

Có thể tin rằng Đại Nghĩa là một diễn viên không hề bẩm sinh. Anh không có chiều cao của Lê Hoàng, không có vẻ đẹp của Bình Minh, không có cơ bắp như Phạm Văn Mách, càng không có hình xăm vằn vện như Năm Sài Gòn trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng. Đại Nghĩa chả có gì cả nếu nhìn từ bên ngoài.



Rất ít người được nhìn bên trong Đại Nghĩa và Lê Hoàng có phấn đấu cả đời chắc cũng không có hân hạnh ấy. Nhưng theo lời một số kẻ đã được chiêm ngưỡng kể lại, thì bên trong ấy cũng chả có gì phi thường, cũng giống hệt như bao chàng trai khác.

Thế thì cái gì đã khiến Đại Nghĩa trở thành một diễn viên. Đã thế lại là một diễn viên “gần như vĩ đại”. Viết đến đây, tôi biết lập tức có người vặn lại: “Vậy theo anh, ai bây giờ là diễn viên vĩ đại”. Thú thực tôi không biết. Chỉ chắc chắn một điều, nếu có một đạo diễn vĩ đại, dứt khoát không phải là tôi.

Đại Nghĩa là một nghệ sĩ mà giao cho cái gì ta cũng yên tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết “Người anh hùng là người làm công việc bình thường mà hoàn thành một cách xuất sắc”. Đại Nghĩa chưa khi nào được giao một công việc xuất sắc mà hoàn thành một cách bình thường.

Tôi có thể mạnh mẽ tuyên bố trước dư luận thế giới và nhân loại tiến bộ yêu hòa bình rằng Đại Nghĩa là một diễn viên chưa có cơ hội, chẳng có vẻ thiết tha với cơ hội nhưng thực sự rất tài năng.

Về cơ bản, Đại Nghĩa là một chàng trai vô cùng điềm tĩnh. Anh không hốt hoảng đi làm giám khảo như Lê Hoàng, không vội vã đá bóng như Công Vinh, cũng không phóng xe đuổi bắt cướp trên đường. Nếu bạn bị trượt chân ngã xuống sông, bạn kêu cứu và Lê Hoàng hùng hổ nhảy xuống thì hậu quả rất có khả năng là cả hai cùng chết đuối, nhưng nếu Đại Nghĩa ở trên bờ, anh sẽ nói khẽ với bạn “từ từ nào, chưa chết mà”. Anh sẽ đi tìm một cây sào (chắc chắn sẽ tìm ra) rồi anh chìa sào cứu bạn lên, trong khi toàn thân anh vẫn trắng tinh không dính một giọt nước và một hạt bùn.

Đại Nghĩa hết sức mềm mỏng. Anh đã từng lấy “ních nêm” là “Bé Na” mà đáng ra phải viết thêm “Na sắp chín”. Anh không khi nào tranh cướp vai, không khi nào xin việc, chả khi nào nói xấu người khác (Lê Hoàng có nói xấu không chưa biết, nhưng không bao giờ nói đẹp cho ai). Đại Nghĩa đi xe hơi mà chả kẻ nào nhìn thấy xe hơi. Đại Nghĩa ở nhà lầu mà chả ma nào nhìn thấy nhà lầu. Đại Nghĩa là Việt kiều Mỹ nhưng ai cũng tưởng anh ở Bến Tre.

Trên sân khấu và trên màn ảnh, Đại Nghĩa có khả năng đóng đủ thứ vai. Trẻ con? Ok. Ông già? Ok. Bà già? Ok. Lưu manh? Tất nhiên càng ok! Đại Nghĩa là MC? Tuyệt. Đại Nghĩa làm tổng thống? Chưa biết chừng. Nhìn bên ngoài Đại Nghĩa giống hệt như ông đi thu tiền điện. Anh không lòe loẹt, không đến những nơi lòe loẹt và cũng không bá cổ bá vai với những người lòe loẹt. Anh vương giả một cách âm thầm, hưởng thụ một cách kín đáo và nổi tiếng một cách dửng dưng. Anh nhẹ nhàng, dịu dàng và nham hiểm đến ngây thơ.

Tôi đã nhìn thấy cá voi và đã gặp thằn lằn. Nhưng chưa khi nào tôi gặp ai ghét Đại Nghĩa. Nhưng cũng chưa khi nào thấy ai yêu anh, vì anh mà sẵn sàng chết. Đơn giản vì nếu biết ai sắp chết vì mình, Đại Nghĩa sẽ lùi xa. Anh chỉ muốn sống cùng mọi người tận hưởng niềm vui, còn đau khổ thì tốt nhất không đứa nào phải chịu.

Có lẽ do tính khí như vậy, nên Đại Nghĩa hầu như không đóng vai chính diện trên sân khấu và trên màn ảnh. Mà hình như anh cũng không ham. Chả phải Đại Nghĩa không tha thiết, chả phải không yêu, nhưng nếu có ai yêu hơn vậy tức anh nhường.

Rất ít khi tôi gặp Đại Nghĩa trong đời. Nếu gặp cũng không ôm chầm lấy, không lao tới bắt tay và càng không có chuyện nức nở khóc. Hai bên nhìn thấy nhau chỉ nháy mắt một cái, kiểu như hai kẻ gian, hiểu rằng cuộc đời này không phải của mình!

Theo Lê Hoàng/Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm