05/10/2023 07:09 GMT+7 | ASIAD 2023
Hi vọng có được tấm huy chương duy nhất ở ASIAD 19 của điền kinh Việt Nam đã không thành hiện thực khi chỉ về đích thứ 4 ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ.
Đã vượt qua chính mình….
Là những người cuối cùng của ĐTQG điền kinh thi đấu tại ASIAD và cũng là nội dung có hi vọng cạnh tranh huy chương rõ rệt nhất, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Hằng thể hiện rõ quyết tâm khi bước vào tranh tài ở chung kết tiếp sức 4x400m nữ. Việc được xếp ở đường chạy số 6 cũng đem tới chút lợi thế trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ giành tấm huy chương đầu tiên ở đấu trường ASIAD song những diễn biến thực tế trên đường pitch đã không như mong đợi.
Nguyễn Thị Ngọc là người chạy đầu tiên và hoàn thành phần thi đấu với vị trí thứ 3 sau 51 giây 07. Tiếp đó là Hoàng Thị Minh Hạnh với 56 giây 48 (đứng thứ 5), rồi đến Nguyễn Thị Huyền có thông số 51 giây 87 (đứng thứ 1) và Nguyễn Thị Hằng thi đấu cuối cùng với 52 giây 29 (thứ 4). Với tổng thành tích 3 phút 31 giây 61, đội nữ Việt Nam chỉ xếp thứ 4 chung cuộc và không giành được huy chương. Đây là thành tích tốt nhất của bộ tứ Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng trong năm 2023 song vẫn không đủ để giúp họ bước lên bục chiến thắng.
"Bọn em bị bỏ lại quá xa ngay từ đầu nên rất khó để bám đuổi. Về phần mình, em cũng chỉ biết cố gắng hết sức nhưng thành tích cũng không đủ để giành được huy chương. Thật sự cũng rất tiếc nhưng không thể làm khác được. Sau ASIAD, chúng em phải cố gắng tập luyện để cải thiện thành tích mới có thể biến hi vọng thành hiện thực", Nguyễn Thị Hằng tỏ ra khá buồn sau phần thi đấu. Trên thực tế, thông số 3:31.36 đã được rút ngắn 1 giây so với thành tích 3:32.36 đã từng giúp 4 cô gái này giành HCV ở giải vô địch châu Á vào tháng 7 và cao hơn mức 3:33.05 tại SEA Games 32 hồi tháng 5.
… nhưng đối thủ quá mạnh
Trong vòng hơn 4 tháng, đội tiếp sức 4x400m nữ rút ngắn được gần 2 giây thành tích thi đấu là một nỗ lực đáng khen ngợi và điều đó cho thấy quá trình tập huấn nước ngoài đã đem lại hiệu quả nhất định. Lý do khiến Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng không thể đem về tấm huy chương ở ASIAD còn đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của đối thủ cạnh tranh. Sự xuất hiện "bất ngờ" của Bahrain và tiến bộ của Ấn Độ và Sri Lanka với tốc độ nhanh hơn có phần nào đó nằm ngoài mọi tính toán của điền kinh Việt Nam.
Bahrain với "ngoại binh" chủ lực Oluwakemi Adekoya vừa giành 3 tấm HCV nội dung 400m nữ, 400m rào nữ và tiếp sức 4x400m hỗn hợp, cùng với một đội hình đồng đều không chỉ giành tấm HCV, mà thành tích 3:27.65 còn trở thành kỷ lục mới của đại hội, vượt qua kỷ lục cũ 3:28.68 do đội Ấn Độ tạo nên tại Incheon vào năm 2014. Ấn Độ cũng đã phá kỷ lục của chính mình trong cuộc thi đấu tại Hàng Châu với thông số 3:27.85 (cao hơn mức giành HCV ASIAD 18 là 3:28.72). Tương tự là Sri Lanka, việc rút ngắn thành tích ở giải vô địch châu Á (3:33.27) gần 3 giây đã giành tấm HCĐ với 3:30.88.
Lực bất tòng tâm có lẽ là cảm giác của các tuyển thủ điền kinh ở ASIAD 19 và nó lý giải cho việc điền kinh Việt Nam trắng tay, dù đã từng sở hữu 2 tấm HCV ở kỳ đại hội gần nhất. Ngoài sự thiếu hụt nhân sự do sự cố doping ở trường hợp của Quách Thị Lan (400m rào nữ), 5 năm với những chấn thương triền miên cũng đã bào mòn cơ hội tranh chấp của nhà ĐKVĐ Bùi Thị Thu Thảo bên hố nhảy xa.
Trong bối cảnh, sự tiến bộ của đối thủ đã ở mức "không tưởng" về thời gian lẫn chất lượng thành tích, còn điền kinh Việt Nam cứ mai một dần các niềm hi vọng vì thiếu nguồn kế cận, chắc chắn, sẽ còn rất lâu, hi vọng có được tấm HCV ở một kỳ ASIAD mới lại thành hiện thực.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất