04/04/2019 07:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, facebook chung của chung cư tôi sống bỗng tới tấp những ý kiến đề nghị lắp đặt camera trong hệ thống thang máy. Những ý kiến ấy dồn dập và khẩn thiết tới mức, có những người sẵn sàng ứng tiền ra để lắp - nếu đề xuất được thông qua.
Không hẹn mà gặp, chẳng mấy khi cả trăm căn hộ tại đây đạt được sự đồng thuận cao như thế. Và sự đồng thuận được khởi đầu từ việc một người up lên clip về cảnh cháu bé bị quấy rối trong thang máy - vốn đang khiến dư luận sôi sục mấy ngày qua.
Tất nhiên, tôi ủng hộ lắp camera, dù hiểu rằng nó không thể xóa hết nỗi ám ảnh của mình.
Nói “ám ảnh” không sai. Nếu cắn răng xem hết clip dài 50 giây ấy, chắc chắn nhiều người sẽ có tâm trạng chung: uất ức và lo lắng.
Tôi không cần biết, người đàn ông trong tháng máy làm vậy vì mục đích gì - cũng như việc hành động của ông ta sẽ được biện giải ra sao và có đủ bằng chứng để truy tố theo luật hình sự không? Tôi chỉ quan tâm tới sự khiếp hãi của cô bé 7 tuổi trong clip, khi nó cố tự giải thoát ra khỏi tay nhân vật chính, và ngã sấp ngã ngửa để lao ra ngoài thang máy.
Là phụ huynh, chỉ cần hình dung cảnh tượng ấy xảy ra với con mình, ai cũng không giữ nổi bình tĩnh.
***
Thực tế, chúng ta không xa lạ với những câu chuyện về nạn quấy rối phụ nữ và trẻ em gái – đối tượng luôn được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội bởi các đặc tính dễ tổn thương, dễ bị lạm dụng và bóc lột. Như tại tất cả các quốc gia khác trên thế giới, đó là một dòng chảy của sự tha hóa mà con người phải đối diện từng ngày.
Và ở một xã hội đang phát triển như Việt Nam, những năm gần đây, các vụ việc liên quan tới vấn nạn ấy bị phanh phui ngày càng nhiều, trong sự chú ý của cộng đồng. Chỉ có điều, dường như không phải bao giờ sự chú ý ấy cũng gắn liền với ý thức để tự bảo vệ, hoặc chủ động ngăn ngừa vấn nạn.
Chỉ vài tuần trước, tại Hà Nội, một vụ quấy rối trong tháng máy cũng vừa diễn ra, với nạn nhân là một nữ sinh viên. Kết quả: thủ phạm, một người đàn ông 35 tuổi, bị xử phạt hành chính với mức tiền 200.000 đồng theo các quy định hiện hành.
Mức phạt ấy không sai – khi những quy phạm pháp luật về chuyện quấy rối hiện còn nhiều kẽ hở. Nhưng, bên cạnh sự bức xúc dành cho thủ phạm, cái kết thúc ấy lại vô tình biến câu chuyện thành một trò cười với rất nhiều người.
Cười vì thủ phạm nhận một mức phạt ngoài sức tưởng tượng. Cười vì cái giải thiết (tất nhiên chỉ cho vui) rằng: khi luật chưa kịp điều chỉnh - bất cứ ai cũng có thể quấy rối phụ nữ, miễn là có đủ số tiền 200.000 đồng trong túi.
Và với tiếng cười ấy, khó có thể trách nếu người ta không nghĩ tới một thực tế: sẽ như thế nào, nếu thay vì là một nữ sinh viên, nạn nhân là bé gái trong thang máy - một không gian kín và chưa hẳn đã tạo an toàn cho người dùng, dù có camera hỗ trợ?
Bây giờ thì câu chuyện ấy đã xảy ra, trong sự phẫn nộ và lo lắng của cộng đồng. Dễ hiểu, bởi những hình ảnh thực tế về sự hoảng loạn của em gái trong clip đủ làm chúng ta xót xa hơn bất cứ thống kê hay phân tích nào về nạn quấy rối trong xã hội.
Ai cũng biết, trước khi chờ sự hoàn thiện của pháp luật để xử lý những trường hợp tương tự, hay những giải pháp kĩ thuật để đảm bảo sự an toàn cá nhân trong thang máy, giải pháp đầu tiên của các bậc phụ huynh vẫn là việc dạy cho con mình những kĩ năng cơ bản để phòng chống bị xâm hại.
Với tôi, sau khi xem clip, tôi tạm thời không mất thời gian để “buôn” trên mạng về vụ việc này, hoặc truy tìm danh tính của thủ phạm. Điều đó cũng hấp dẫn, nhưng phải xếp sau một yêu cầu với con gái mình: nếu không có người lớn đi kèm mà thang máy chỉ có một, hai người đàn ông lạ mặt, hãy đợi thang khác đi.
Cái ác lúc nào cũng có thể ở cạnh chúng ta, chẳng có gì phải xấu hổ khi nói vậy. Bởi thực ra, nỗi sợ hãi là sự khởi đầu của một quá trình thức tỉnh. Và khi thức tỉnh, người ta mới nghĩ đến những giải pháp hợp lý.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất