'Việt Nam nói là làm' vụ nữ sinh đốt trường: 'Like' ảo và sự nhẫn tâm có thật

11/10/2016 06:33 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện "nữ sinh đốt trường" đang thổi bùng lên sự bất bình, thậm chí là ác cảm, của dư luận với trào lưu "nói là làm" trên facebook.

Cụ thể, ngày 9/10, tại trường THCS Phạm Ngũ Lão (Ninh Hòa, Khánh Hòa), một nữ sinh lớp 8 tới khu vực thư viện, rải nửa lít xăng ra nền gạch rồi châm lửa. May mắn, khu vực này chỉ bị xém nhẹ, cho dù "nhân vật chính" phải đưa tới bệnh viện vì bị bỏng nặng cả hai chân.

Như lời kể, hành động này bắt nguồn từ lời hứa sẵn sàng "châm lửa đốt trường" trên facebook của cô bé, với điều kiện nhận đủ 1000 like. Và xa hơn, cách "thủ tín" ấy là gắn liền với trào lưu "nói là làm" (để đổi lấy...like) vốn đang lan truyền khá nhanh trên không gian mạng.


Cô gái mang xăng đến đốt trường sau khi tuyên bố trên facebook "nói là làm" nếu được 1.000 like

Bản thân trào lưu ấy đã nhiều lần nhận về những lời chỉ trích của dư luận - khi vì số like muốn có, nhiều bạn trẻ đã đưa ra những cam kết nhảm nhí, thậm chí là điên rồ, cho những hành động của mình. Để rồi, như một phần của cuộc chơi, chủ nhân của nhiều facebook đã sẵn sàng "thủ tín", theo những cách... không tưởng nhất.

Cần nhắc lại, trước câu chuyện ở trường Phạm Ngũ Lão chỉ vài tuần, một bạn trẻ tại TP HCM cũng từng khiến cộng đồng mạng phải "toát mồ hôi" khi đổ xăng lên người, tự đốt rồi nhảy xuống kênh chỉ vì... 40.000 like đã đạt được sau lời thách. (Chủ nhân của hành động điên dại này may mắn chỉ bị bỏng nhẹ).

Cũng dễ hiểu khi sau 2 câu chuyện ấy, dư luận - và đặc biệt là các bậc phụ huynh - đang nổi giận và dành những cụm từ nặng nề cho biến tướng của "nói và làm".

***

Nhưng, dù là "đốt trường", chúng ta vẫn nên khách quan để đồng ý với nhau: hành động của cô học sinh ấy chưa đạt tới một sự phá hoại có ý thức. Trước hết, đó là sự dại dột của em,  trong cố gắng "ra vẻ"... giữ lời thách đố của mình.

Sự dại dột ấy còn rõ hơn khi chúng ta xem clip. Ở đó, cô gái 13 tuổi này đốt lửa theo cách... ngớ ngẩn nhất có thể nghĩ ra: đứng trong vũng xăng, quẹt diêm và vứt xuống, để rồi ngọn lửa lập tức bùng lên và bắt vào phần thân dưới của mình.

Nói vậy, không có nghĩa là cô bé đang bị bỏng nặng cả 2 chân này vô can trong câu chuyện. Nhưng, nó lại càng khiến chúng ta thấy vô nghĩa và nhảm nhí về cách mà sự việc xảy ra: một đứa bé thiếu kĩ năng phòng vệ đang được cổ súy để "đùa với lửa", trước sự chứng kiến của rất nhiều cặp mắt.

Cười, reo hò, hối thúc và quay video - đó là phản ứng của những cá nhân đứng quanh cô học sinh này trong clip. Thậm chí, nếu những lời khai mới nhất của cô bé là sự thật, thì sự cổ súy ấy còn mang màu sắc cưỡng ép và uy hiếp.

Theo lời thủ phạm (và cũng là nạn nhân), khi lời thách đố đạt số like 1000, những tin nhắn thúc giục "thực hiện đi" đã khiến cô hoảng sợ và bỏ trốn. Thế nhưng, một số người (cả quen và không quen) vẫn tìm học sinh nữ này, thậm chí mua xăng và dọa đánh để ép buộc em phải... đốt trường.

***

Tâm lý tò mò, háo hức trước những gì khác lạ có thể khiến bất cứ ai trong số chúng ta  dễ dàng bấm nút like cho một phát ngôn, một tuyên bố bất bình thường trên facebook.

Thế nhưng, khi sự hiếu kỳ ấy được kích động và dần đẩy lên tới mức cao nhất, (và "ồn ào") nhất, một thực tế đang xảy ra: các khán giả cũng dần bị cuốn theo cơn mê muội ấy và không muốn chấp nhận một kết thúc theo kiểu "đầu voi đuôi chuột", so với kịch bản được vẽ ra ban đầu.

Cũng giống như bên cạnh những bức xúc dành cho các "nhân vật chính" của trào lưu biến tướng "nói là làm", dường như chúng ta đang quên mất rằng "show diễn" của họ tồn tại được cũng vì... đông khán giả, những người sẵn sàng bấm nút like một cách hào phóng nhất.

Sự vô tâm ấy, khi thiếu kiềm chế và kiểm soát, hoàn toàn có thể trở thành nhẫn tâm kéo dài từ mạng ảo sang cuộc sống thật.

Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm