16/10/2020 07:08 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Những ngày vừa qua, tại Việt Nam chúng tôi, câu chuyện về bão lũ miền Trung là chủ đề được nhiều người quan tâm lo lắng khi mà cuộc sống của người dân nơi đây đang chịu nhiều khổ cực. Nhưng cùng với bão lũ, một “cơn bão tranh luận” về một bộ sách giáo khoa cũng đang diễn ra.
Chắc là Sophia cũng hiểu khi nói đến sách giáo khoa là chúng ta nói về loại sách được biên soạn với mục đích dạy và học tại trường học. Thuật ngữ sách giáo khoa còn có nghĩa mở rộng là một loại sách chuẩn cho một ngành học, được phân loại dựa theo đối tượng sử dụng hoặc chủ đề của sách.
Tôi nhớ khi xem trực tiếp bóng đá, gặp một bàn thắng đẹp, các bình luận viên hay dùng thuật ngữ “bàn thắng đẹp như trong sách giáo khoa” tức là rất mẫu mực, chuẩn chỉ… Như thế tức có thể hiểu những nội dung trong sách giáo khoa về cơ bản sẽ là những bài học mẫu mang tính phổ thông, mà người họcnào cũng có thể hiểu và nắm bắt được. Nhưng điều quan trọng nhất, đó là những nội dung được đưa vào giảng dạy phải có độ chính xác, tin cậy, đã được thừa nhận theo thời gian.
Nhớ lại những ngày đầu tiên được cầm quyển sách giáo khoa trên tay, tôi vẫn không quên cái cảm giác vui sướng khi ấy. Nhìn những bức tranh màu đơn giản, chữ in to dễ đọc, bài học ngắn, trình bày thoáng mắt…Những chữ cái đầu tiên được chúng tôi viết bắng phấn trắng trên cái bảng đen con con nhỏ nhắn, sau đó giơ lên cho cô giáo kiểm tra và chỉnh sửa… Giờ đã mấy chục năm nhưng không hiểu sao nhắc lại là nhớ ngay được…
Mà đâu phải chỉ riêng mình tôi. Cách đây một tuần, mấy anh em đồng ngũ chúng tôi có gặp mặt giao lưu. Mặc dù hiện tại các con chúng tôi đều đã qua cái tuổi học lớp 1 nhưng câu chuyện hôm ấy thế nào lại quay về chuyện đi học ngày xưa. Khi nhắc đến những bài học đầu tiên lớp vỡ lòng, cho dù là khi còn bé mỗi đứa học ở một địa phương khác nhau nhưng đứa nào cũng đọc được những câu thơ dễ vần, dễ nhớ như là: “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu/ O, a hai chữ khác nhau/ Vì a có cái móc câu bên mình”.
Những câu thơ, những đoạn văn ngắn thuần Việt khi ấy tự ngấm vào đầu bọn trẻ chúng tôi lúc nào chẳng biết. Rất nhiều bài học từ những trang sách giáo khoa khiến chúng tôi bồi hồi cảm xúc, khơi gợi và kích thích trí tưởng tượng non nớt của bọn trẻ con chúng tôi lúc bấy giờ...Khi chúng tôi đã đọc được và viết được cho dù là nét chữ còn xấu, phát âm nhiều từ còn ngọng nhưng cô giáo và bố mẹ đều đánh giá thế là tốt rồi. Như thế là đạt được mục đích ban đầu. Với cảm nhận của tôi, có lẽ đấy chính là giá trị phổ thông của sách giáo khoa. Vì hầu như ai đã học qua rồi cũng nhớ được.
Sophia thân mến!
Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện về giáo dục tại Việt Nam luôn luôn là chủ đề “nóng”, được cộng đồng quan tâm theo dõi. Lý do chính vẫn xuất phát từ những thay đổi trong việc dạy và học, đặc biệt là ở lứa tuổi nhi đồng, ở những bài học được đưa vào giảng dạy cho các em. Tôi nhận thấy có một điều gì đó không nhất quán trong các nội dung bài học, thiếu sự ổn định cũng như là chưa mang tính phổ thông kiểu như trước đây. Theo thời gian chúng ta thừa nhận rằng nhiều điều cần phải thay đổi nhưng có những bài học thì vẫn không bao giờ cũ, dù cho năm tháng xóa mờ ký ức. Ví dụ những bài học về tình bạn, những câu chuyện về tình yêu thương con người, sự hiếu thảo với cha mẹ, đạo lý thầy trò… thì giai đoạn nào trong cuộc sống cũng có, cũng cần phải học và thực hành.
Trong văn hóa của Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những bài học, những câu chuyện hay, dạy con em chúng ta thành người, đem lại cảm hứng cho người đọc… Tôi nghĩ rằng khi làm sách giáo khoa, chúng ta cứ sưu tầm, tuyển chọn và đưa vào cho các em học, vừa có tính phổ thông, vừa có tính dân tộc, lại nắm bắt được cả lịch sử, địa lý vùng miền. Những bài học và câu chuyện như thế từ trước đến nay qua các thời kỳ cũng có rất nhiều.
Thời nào cũng vậy, bao giờ chả có chuyện xưa, chuyện nay phải không Sophia?
Xin chào cô, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất