Suy nghĩ từ đề thi môn văn về Chi Pu

11/12/2017 07:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi giới thiệu lại việc Chi Pu ra MV Từ hôm nay bị nhiều ý kiến trên mạng và nhiều ca sĩ phản ứng. Đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 10 của trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ yêu cầu học sinh: “Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay. Đề thi này đã gây ồn ào trên mặt báo và Facebook trong những ngày vừa qua.

Với đề thi nói trên, chúng ta có thể thấy 2 điểm đáng để bàn luận…

Bỏ qua yếu tố đua đòi hoặc gây sốc (nếu có), việc Trường THPT Hạ Hòa ra đề văn “tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm” về Chi Pu có thể xem là một hành động “cấp tiến”. Với học sinh cấp 3 ở các trường quốc tế, hoặc các nước phát triển, những đề văn kiểu này là rất bình thường. Một nghệ sĩ danh tiếng song hành với tai tiếng như Lady Gaga đã xuất hiện trong nhiều bài văn, bài luận của học sinh phổ thông là một ví dụ.

Ở các trường quốc tế, học sinh còn được viết về những đề tài “nặng ký” hơn như chính trị, tôn giáo, phân biệt chủng tộc, hoặc trần trụi như mua dâm, ma túy, chuyển giới… Nhiều trường thì ra đề chung chung, ví dụ: Hãy bình luận về một cá nhân, một vấn đề, một sự kiện mà theo bạn là đang thu hút dư luận trong tuần qua. Nếu ra đề kiểu này thì Chi Pu, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, hoặc bất đồng chính kiến… cũng bình đẳng như nhau, miễn bài viết có sức thuyết phục, văn phong hấp dẫn thì điểm cao.

Chú thích ảnh
Đề thi Ngữ Văn lớp 10 xuất hiện Chi Pu gây xôn xao

Nhiều người vội vàng phê phán đề văn của Trường THPT Hạ Hòa mà không chú ý đến thể loại của bài văn đó. Đây là “văn tự sự”, nghĩa là Chi Pu chẳng qua là cái cớ để học sinh hóa thân, nhằm thực tập cách bày tỏ cái tôi, cách nhìn và nỗi lòng của chính mình.

Học sinh hoàn toàn có thể viết về sự thất vọng, viết về mâu thuẫn nội tâm, hoặc động lực nào để vươn lên trước búa rìu của dư luận. Suy cho cùng, Chi Pu chỉ hát dở hoặc chưa biết hát mà thôi, chứ cô ấy đâu làm gì đến mức suy đồi, phản động… mà ném đá, mà nghiêm cấm đề cập. Trong khi sứ mệnh của văn chương là đề cập đến mọi con người, mọi ngóc ngách của xã hội, với yêu cầu duy nhất về nghệ thuật là “viết như thế nào”, chứ không phải “viết cái gì”.

Đề văn của Trường THPT Hạ Hòa dường như cũng vô tình chạm vào bức tường thành cố hữu trong việc ra đề thi văn lâu nay. Đa số các trường, để thuận tiện và an toàn, thường chọn những chủ đề “muôn năm cũ” ra đề cho học sinh.

Với các đề thi này, giáo viên hoàn toàn có thể “nhắm mắt” khi chấm bài, vì các yếu tố mới trong cách nhìn hiếm khi xuất hiện. Trong khi với đề văn kiểu Chi Pu, hoặc một vấn đề nào mới xảy ra ngoài đời sống, giáo viên phải động não, thậm chí phải đọc, phải học để cập nhật trước khi chấm bài. Điều này biến nhà trường thành một cộng đồng học liên tục, chứ không phải chỉ có học sinh học, còn giáo viên chỉ dùng những giáo án có sẵn.

***

Nói như vậy không phải đề văn của Trường THPT Hạ Hòa không có vấn đề, hoặc các nguy cơ tiềm ẩn. Đầu tiên là sử dụng quá nhiều từ nước ngoài (như miss teen, hot girl, MV, clip), có thể làm ảnh hưởng đến sự hoàn thiện, sự trong sáng của tiếng Việt.

Như sách “Đại học” viết về con đường của sự học: “tại chỉ ư chí thiện” - dừng lại ở ngưỡng lương thiện. Nghĩa là, dù ra đề kiểu gì đi nữa, nhà trường phải có tinh thần hướng thượng và nên dừng ở ngưỡng lương thiện. Bởi học sinh nói chung đang ở độ tuổi chưa trưởng thành, nhận thức còn dễ bị ảnh hưởng, nếu tinh thần học tập không hướng thượng, hoặc không dừng ở ngưỡng lương thiện, thì sự tác động xấu về nhận thức, hành động hoàn toàn có thể xảy ra. Chi Pu đang ở tâm bão của dư luận, việc ra đề thi của Trường THPT Hạ Hòa có thể là hành động cấp tiến, nhưng những hệ lụy kéo theo từ việc ra đề có khi trường chưa tiên liệu hết được. Thậm chí, nếu ồn ào không đáng có, cơ quan giáo dục trực tiếp quản lý Trường THPT Hạ Hòa có thể yêu cầu hủy kết quả để thi lại, như vậy sự ảnh hưởng đến thời gian và tâm lý của học sinh là điều không hề nhỏ.

Cho nên, với giáo dục, dù chọn hướng cấp tiến, nhiều trường vẫn chọn thế trung lập và một độ lùi nhất định so với sự kiện, hiện tượng xã hội để giữ cho được “tại chỉ ư chí thiện”. Nếu Trường THPT Hạ Hòa chọn cách ra đề chung chung, một vài học sinh nào đó chọn viết về Chi Pu, thì những tranh luận không đáng có đã không xảy ra. Mà giáo viên chấm bài cũng rất thú vị, bởi được đọc bài tự sự về nhiều người, chứ cả khối 10 chỉ viết về Chi Pu thì còn gì sự đa dạng, mới mẻ.

Càng nhận nhiều 'gạch đá' Chi Pu càng 'chiếm sóng' truyền hình

Càng nhận nhiều 'gạch đá' Chi Pu càng 'chiếm sóng' truyền hình

Số liệu thống kê cho thấy, Chi Pu đang nằm trong top những cái tên dẫn đầu về độ phủ sóng trên truyền hình giữa cơn bão "thị phi". 

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm