13/03/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Tháng 1 năm nay, tập thơ Bến lạ của cố nhà thơ Đặng Đình Hưng đã được giới thiệu tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội), kèm theo màn biểu diễn ấn tượng của con trai ông - danh cầm Đặng Thái Sơn. Nhưng dư âm của Bến lạ thì còn tiếp tục kéo dài.
18h chiều 12/3, một triển lãm cá nhân mang tên Về Bến lạ của họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ được khai mạc tại L’Espace. Triển lãm này, như tự bạch của Lê Thiết Cương, "là lời cảm ơn của tôi với ông - thầy Đặng Đình Hưng - người đã tặng tôi con đường tối giản để tôi về với bến của mình". Xin giới thiệu những chia sẻ của anh về triển lãm.
1. Minh họa cho thơ? Gọi là những bức tranh vẽ trên cảm hứng từ thi ca hoặc là cuộc đối thoại giữa hội họa và thi ca thì đúng hơn chăng?
Tranh không thể minh họa cho thơ được. Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Cho dù với thi ca, hội họa là người hàng xóm nhưng nó vẫn sống độc lập. Nếu giả sử hội họa sống tầm gửi vào thi ca thì nó sẽ chết.
Bức tranh vẽ trên cảm hứng từ 1 bài, 1 câu thơ nên được coi là văn bản 2 của bài thơ đó hoặc một cách hiểu, cách cảm khác về bài thơ đó. Qua bức tranh bài thơ sẽ dài rộng ra, bài thơ ấy sẽ sống thêm một đời sống khác, một đời sống bằng hình màu mà chỉ hội họa mới tạo ra được.
Có lẽ do hữu duyên, năm 1984 sau khi xuất ngũ về nhà, tôi được làm hàng xóm của nhà thơ Đặng Đình Hưng ở khu Giảng Võ, Hà Nội cho tới khi ông mất, tháng 12/1990.
Nhà tôi ở giữa nhà ông và một cái chợ cóc, chiều chiều ở chợ về, ông hay tạt vào nhà tôi, uống thêm vài chén, hút mấy vê thuốc lào, trò chuyện. Chính xác là tôi được nghe ông nói về thi ca, âm nhạc, về nghệ thuật… hoặc xem ông vẽ. Tôi luôn chuẩn bị sẵn một xấp giấy tận dụng, chỉ còn 1 mặt và 1 cái bút mực.
Tôi để ý ông không vẽ những gì ông thấy trước mắt mà ông vẽ những gì ông đang nghĩ, rất nhanh, vài ba nét. Đôi khi vẽ xong một bức, ông lẩm nhẩm một câu thơ của ông: “Ca zao chui vào nằm bên củ khoai. Vén vú, ca zao bú”. Cũng có khi ông đọc rồi mới vẽ: “Thì ra thèm muốn là 1 thỏi phấn tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khăn không”. Ông thường vẽ “cái lúc nẫy”, chẳng hạn cái chợ: “Tôi đã tiếp đau thương - nhỏ nhỏ - thường thường/ đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt - mềm mềm”.
Cũng lại là nhiều khi, ông gọi tôi sang nhà ông, nhờ tôi dán mấy bức tranh giấy lên tường hoặc sửa soạn mầu bút, căng tấm toan cho ông vẽ, vẽ/ viết một câu thơ. Ví dụ bức tranh/ thơ
“Hễ mưa,
một cái túi to, tôi ra đường vồ sẹo”
Hoặc bức
“Miệng liệng chớp mây mây
Mắt đòng đòng đọng sấm”
Ở tầng trên căn hộ của ông có một bác, trước làm nhân viên văn phòng Bộ Ngoại giao, khi về hưu, bác ấy làm thêm nghề đánh máy. Ô mai và Bến lạ là do bác ấy đánh. Tôi đã được nghe chính nhà thơ Đặng Đình Hưng đọc lại bản đánh máy để soát lỗi…
Nhớ lại kỷ niệm này, năm 2013, tôi đã tổ chức một buổi trình diễn thơ Bến lạ tại L’Espace cùng một số nghệ sĩ.
Trong 6 năm gần ông, tôi đã nhiều lần được phụ giúp ông tổ chức những bữa uống, ông mời bạn bè văn nghệ tới nhà, những thi sĩ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… Họ nói chuyện về thi ca và đọc cho nhau nghe những bài thơ mới.
2. Sở dĩ phải dài dòng như vậy là bởi ngần ấy năm tháng sống cạnh ông, sống với thơ ông nó như mưa dầm, như phù sa mỗi ngày một chút, thơ ông thấm vào tôi tự nhiên. Sự tự nhiên đi qua thích và không, hiểu hoặc không hiểu, cảm được hay không cảm được v.v... Vì nó là như không. “Không biết”. Là “ban đầu”, là “áo trắng khỏa vào chậu trắng”.
Tuy nhiên, nếu chỉ vậy thì cũng chưa đủ để vẽ những bức tranh trên cảm hứng từ thơ của ông. Như đã kể ở phần đầu, ông đâu chỉ nói với tôi về thi ca của ông. Ông còn nói với tôi về âm nhạc, văn chương, triết học, mỗi ngày mỗi chuyện. Hình như ông muốn bảo tôi rằng nên làm cái nền tri thức trước khi xây ngôi nhà nghệ thuật? Ông là người đã phát hiện ra hạt tối giản trong tôi và vun đắp tôi đi theo con đường này.
Tôi không chắc rằng liệu nếu không phải là hội họa tối giản thì có thể vẽ được những bức tranh từ thơ ông hay không, đối thoại với thi ca của ông được không?
20 bức tranh và 8 tác phẩm gốm của triển lãm Về Bến lạ là lời cảm ơn của tôi với ông - thầy Đặng Đình Hưng - người đã tặng tôi con đường tối giản để tôi về với bến của mình.
Triển lãm Về Bến lạ của Lê Thiết Cương trưng bày 16 bức tranh chất liệu bột màu trên giấy dó bồi vải màn, chất liệu gắn với tên tuổi của anh giai đoạn 1991 - 2001, cùng với 8 bức tranh sơn dầu trên toan và 7 tác phẩm gốm. Đây là những tác phẩm họa sĩ chọn ra từ khoảng hơn 30 bức, được vẽ trong thời gian từ 2007 tới nay. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 4/4. |
Lê Thiết Cương (họa sĩ)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất