Quần soóc, áo choàng và di tích

13/04/2017 07:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 7/4 vừa qua, đền Ngọc Sơn tại Hồ Gươm đã cho du khách "mượn" áo choàng miễn phí. Tất nhiên, đó không phải là loại áo choàng chống rét, mà áo được sử dụng để khách tham quan có trang phục chưa phù hợp khoác lên người trước khi bước vào đền.

Đây là một trong những hoạt động được Ban quản lý Di tích – Danh thắng thành phố triển khai, theo tinh thần của bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại Hà Nội (có hiệu lực từ tháng 3). Trước khi tổ chức cung cấp áo choàng miễn phí, đơn vị này cũng đã cử người trực tại đền Ngọc Sơn để nhắc những người ăn mặc chưa phù hợp không nên bước vào đền.

Còn bây giờ, bên cạnh việc nhắc nhở, họ có thêm nhiệm vụ hướng dẫn du khách mượn áo.

Cũng cần nói thêm, hoạt động này được tổ chức thí điểm, với 10 bộ áo choàng được cung cấp tại đền. Dựa trên thực tế, các mẫu áo này có thể sẽ được điều chỉnh về thiết kế, màu sắc và tăng thêm về số lượng trong thời gian tới. Trước mắt, trong tuần đầu tiên, mỗi ngày có khoảng 100 du khách sử dụng những bộ áo này tại đền Ngọc Sơn

Năm 2013, người viết có dịp tới thánh Đường Hồi Giáo Putra (Putra Mosque) tại thành phố Putrajaya (Malaysia). Thánh đường vừa là nơi thực hành tôn giáo của người dân bản địa, vừa là di tích dành cho khách thăm quan.


Du khách sẽ được mượn áo dài miễn phí. Ảnh: Internet

Tại đây, ngoài việc chiêm ngưỡng những đường nét kiến trúc độc đáo của Thánh đường, du khách còn có thể chứng kiến cách người dân nơi đây tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo. Điều này khiến việc văn hóa, lịch sử, tôn giáo của một quốc gia trở nên sống động hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, khi tới nơi, chúng tôi ở tình thế khá khó xử. Do Thánh đường là điểm đến phát sinh, nên chúng tôi hoàn toàn không chuẩn bị: người mặc quần bò rách tả tơi, người mặc quần soóc, người mặc váy ngắn. Nhiều người đoàn khác cũng đứng khựng lại như chúng tôi.

Như đã quen với những lo âu tương tự của du khách, người dẫn đoàn xua tay cười: "Đừng lo, ở đây chúng tôi có quần áo phù hợp cho các bạn". Nói rồi, anh đi lấy những bộ áo trùm đầu và phát cho đoàn. Đó cũng là điều kiện đầu tiên nếu du khách muốn vào tham quan di tích.

Chi tiết nhỏ này trong cách làm du lịch của Malaysia đã làm tôi thiện cảm với quốc gia này. Là khách tham quan, tôi cảm thấy mình được lắng nghe từ và chăm sóc kỹ càng. Là người quan sát, tôi thấy, việc làm này đã kết hợp hài hòa cả yếu tố bảo tồn và quảng bá văn hóa. Nó xóa nhòa được những sự khác biệt trong văn hóa các quốc gia, tôn giáo, tín ngưỡng.

***

Quay lại câu chuyện Đền Ngọc Sơn. Vấn đề trang phục khi vào các di tích tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được tranh luận từ khá lâu. Nhất là khi, trong bối cảnh hội nhập văn hóa, lượng khách quốc tế đến với chúng ta ngày càng nhiều. Với họ, và cả với một bộ phận các du khách trong nước, những quần lửng, váy ngắn, áo hở vai... luôn là loại trang phục phù hợp nhất khi du lịch ở một quốc gia nhiệt đới.

Và câu trả lời chung cũng sớm được cộng đồng tán thành: với trường hợp như vậy, một bộ trang phục kín đáo và chỉn chu không phải là sản phẩm của  những định kiến hẹp hòi trong quá khứ. Ngược lại, đó là cách ứng xử lịch thiệp, nền nã cần thiết để tôn trọng những giá trị văn hóa đã được hình thành và tồn tại xuyên thời gian.

Thực tế, bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội còn đang gây ra những tranh luận về tính khả thi, chẳng hạn như những câu hỏi về khái niệm "ăn mặc phản cảm". Nhưng, những giải pháp như việc cung cấp áo choàng tại đền Ngọc Sơn là một cách xử lý hiệu quả và thực tế.

Thay vì tranh cãi xem trang phục của mình có "xứng đáng" để vào đền hay không, hành động khoác thêm một chiếc áo sẽ không khiến du khách ngại ngần. Ngược lại, nó sẽ ghi điểm với người tham quan và khiến họ thiện cảm, với cách chúng ta chuẩn bị cho việc đón khách ở một di tích đặc biệt giữa Hà Nội.

Việc để cộng đồng cùng tìm tới cách ứng xử văn minh, lịch thiệp ở nơi công cộng được bắt đầu từ những câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng cần thiết như vậy.

Phạm Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm