Khi Hà Nội không 'giới nghiêm'

17/08/2016 06:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Hà Nội gì mà buồn hơn ở quê, đang ăn uống vui chơi thì phải giải tán”. Đó là câu nói có vẻ trách móc mà tôi nghe không dưới một lần của mấy người bạn mỗi khi đến thăm Hà Nội.

Chắc hẳn, khi có bạn ở xa đến Hà Nội công tác hay du lịch, hẳn nhiều người sẽ dẫn đến thăm phố cổ ban đêm để thưởng thức không khí đêm Hà Nội, một đặc sản rất riêng. Nhưng thú thật, cứ 12 giờ đêm, gặp mấy anh cơ động sẽ được nhắc nhở “hết giờ rồi, về đi, kiểm tra giấy tờ thì phiền”. Rồi công an phường lướt xe thùng qua gọi loa “giải tán đi”, hàng quán tự động đóng cửa. Đấy là nhắc nhở đúng quy định.

Nhưng “Hà Nội buồn” không chỉ là câu cửa miệng của mấy anh “ham chơi”, mà nói như một nhà nghiên cứu hẳn hoi, Hà Nội có cái gì đó thiếu thật.


Hà Nội được nhiều du khách nhận xét là “đẹp nhất về đêm”

Tôi từng trò chuyện với Nhà nghiên cứu Hà Nội Olivier Tessier của Viện Viễn Đông Bác cổ, người tìm ra bản đồ cổ nhất về Hà Nội và từng được giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội. Chúng tôi đã đề cập đến vấn đề: Hà Nội đương đại hội nhập đến đâu?

Câu trả lời tưởng chừng quá dễ qua những đoàn khách du lịch nườm nượp trên phố, những phố Tây với nhà hàng Âu châu sang trọng. Hà Nội còn có cả “phường liên hiệp quốc” Quảng An bao quanh hồ Tây với những người định cư thuộc 50 quốc tịch khác nhau. Nhưng với Olivier Tessier, Hà Nội vẫn... thiếu.

Theo ông, Hà Nội - Thành phố vì hòa bình mà không có lấy một đàn chim bồ câu - biểu tượng hòa bình. Thành phố vì hòa bình mà không có một sàn nhảy Disco đúng nghĩa. Hai thứ có vẻ rất nhỏ nhặt nhưng nghe ra khá thấm thía.

Hà Nội từng có đàn chim bồ câu trắng 1.000 con tung bay trong ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau đại lễ, đàn chim tan tác, chúng bị thịt sạch, còn vài chục con dồn về công viên Bách Thảo. Nghệ nhân huấn luyện chim chán nản bỏ về quê. Hay đàn chim câu “đại sứ hòa bình” được thả trong Festival cầu Long Biên chưa kịp tung cánh đã bị hàng trăm người xâu xé tóm sống để làm... bữa trưa. Chuyện con chim tuy nhỏ, nhưng ý thức của cả một thành phố thì không.

Còn “sàn nhảy Disco đúng nghĩa” như lời Olivier Tessier, đó là địa điểm vui chơi văn minh, lành mạnh ban đêm, chứ không phải những bar cho những người “bay”, “lắc” trá hình. Hà Nội quy định các quán bar, các tụ điểm vui chơi phải đóng cửa trước 24h rất khó hút khách.

Bởi vậy, ý kiến của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc bỏ “giới nghiêm” lúc 24h lập tức được xôn xao đón nhận. Ông nêu: “Thành phố đang có quy định cấm các khu vui chơi hoạt động sau 24h. Trong khi nhiều du khách nước ngoài đánh giá việc vui chơi ban đêm đang là “đặc sản” riêng của Hà Nội. Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng tôi đang rà soát để mở cho khách du lịch quốc tế có thể vui chơi sau khoảng thời gian này”.

Hà Nội có phố cổ Hoàn Kiếm, có phố đi bộ, có phố ẩm thực, có chợ đêm... rất thu hút du khách và người dân đến vui chơi, giải trí. Như thế, khách du lịch có thêm cơ hội hưởng thụ văn hóa, tinh thần với những trải nghiệm thú vị về đêm. Tất nhiên, du khách sẽ mở hầu bao chi tiêu nhiều hơn, tăng hiệu quả kinh doanh du lịch.

Cũng có người lo ngại về hoạt động bar thâu đêm sẽ nảy sinh tệ nạn, nhưng thực tế chưa gỡ bỏ quy định “giờ giới nghiêm” vẫn có tệ nạn đấy thôi. Vấn đề vẫn nằm ở quản lý có chặt hay không, chứ không thể theo thói quen, không quản được thì cấm. Các địa điểm vui chơi giải trí cũng cần được quy hoạch để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.  

Và thêm nữa, nước ta từng có nhiều đề xuất hạn chế bán rượu bia sau 22h của ngành công an, y tế.Đó cũng là một việc Hà Nội cần cân nhắc cho hài hòa. Bởi thực tế, tiêu thụ rượu bia và tác hại kéo theo của nó ở nước ta vào hàng “kỷ lục” thế giới.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm