12/02/2019 06:51 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tròn một tuần trước, chúng ta còn đang hào hứng chào đón những giờ phút đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi. Để rồi bây giờ, dù phía trước còn một ngày rằm tháng Giêng theo truyền thống, ai cũng hiểu: Tết âm lịch đã thật sự chấm dứt và nhường chỗ cho chuỗi ngày thường.
Biết vậy, nhưng trong tâm lý chung, rất nhiều người hẳn vẫn còn tiếc nuối và lưu luyến về chuỗi ngày Tết vừa trôi qua. Cảm giác đó giống như câu đùa mà giới trẻ hay truyền miệng vào dịp này. Rằng, đang yên lành thì Tết đến và đang vui vẻ thì... Tết lại đi.
Thật ra, trẻ con thích Tết nhưng không chỉ có trẻ con sợ hết Tết. Người lớn còn sợ hơn nhiều – dù chính họ là những người hay than thở khi chuẩn bị đón Tết về.
Bởi, có than thở rằng Tết hiện đại ngày càng mệt mỏi, càng nhạt và chán so với một cái Tết xưa trong ký ức, thì chúng ta vẫn luôn tự tìm thấy niềm vui và động lực sống của mình khi Tết về.
Ngày Tết hiện giờ quả thật mang dáng dấp của một kỳ nghỉ dài, và cũng không quá nặng về nhu cầu ăn uống. Thế nhưng, càng bị cuốn theo sự phức tạp của dòng chảy hiện đại, chúng ta lại càng hình thành tâm lý “hồi cố” muốn tìm về với sự an ủi từ những giá trị bất biến của dòng tộc và gia đình.
Tiếc ngày Tết, không chỉ là tiếc chuỗi ngày được thoải mái vui chơi và nghỉ dưỡng. Xa hơn thế, đó còn là sự tiếc nuối về cảm giác được sum họp vui vầy, được dành trọn tâm trí và thời gian cho gia đình, tổ tiên hay dòng tộc. Trong cuộc sống đời thường, không dễ để chúng ta có được những thời khắc như thế.
Không phải ngẫu nhiên, mà gần một thế kỷ trước, học giả Nguyễn Văn Huyên đã viết: “Trong khi đột nhiên kéo mọi người ra khỏi cuộc sống đơn điệu, Tết vừa khiến cho họ khẳng định sức mạnh tinh thần của gia đình, vừa làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội gắn bó “trăm nhà” với nhau có lẽ đã tồn tại từ hàng ngàn năm ở xứ sở này.
Chính vì lý do đó mà Tết vẫn sinh động ở nước ta, mặc dù thời gian khắc nghiệt và những đóng góp chẳng đâu vào đâu của các khái niệm luân lý mới hay những phản xạ tâm lý mới”.
Tôi tin, sau 12 tháng nữa, chúng ta vẫn sẽ có sự mâu thuẫn đáng yêu như thế: Than vãn, lo lắng, chán nản khi Tết đến – để rồi lại ngậm ngùi khi chuỗi ngày ấy qua đi.
***
Còn bây giờ, có nuối tiếc, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế: Sự chuyển đổi giữa “ngày Tết – ngày thường” đang diễn ra một cách quyết liệt và dứt khoát hơn trước rất nhiều.
Chỉ vài ngày trước, giống như mọi năm, cửa ngõ dẫn vào các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM lại ùn tắc kéo dài hàng chục km bởi dòng người từ quê kéo về thành phố. Và vào hôm nay, nếu bỏ qua không nhìn tờ lịch tường, rất nhiều người sẽ thấy: Cuộc sống ngày thường lại đang bắt đầu với nhịp độ gấp gáp khẩn trương- như hàng trăm ngày khác trong năm.
Quá nhiều chuyện bề bộn của cuộc sống trong thời buổi không thể đủng đỉnh đã khiến cho khái niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” dần lùi vào dĩ vãng.Và, câu khẩu ngữ gắn với truyền thống sản xuất nông nghiệp ấy cũng không còn được chấp nhận như “lá chắn" cho thói quen chậm trễ, biếng lười khi bước ra khỏi một kỳ nghỉ dài.
Tết Nguyên đán đang biến đổi. Có những bất cập nảy sinh từ cuộc sống hiện đại. Và, có cả những tín hiệu tích cực, khi những gì không còn phù hợp, hoặc những phiền hà được "nhân danh" cái Tết đang bị đào thải dần. Chúng ta đang dần làm quen với thực tế ấy – để học cách thích ứng với những nét mới, cũng như dần tìm đối sách cho những khúc mắc mà ngày Tết bây giờ mang lại.
Nhưng, nhìn tổng quát, cứ hết một vòng quay của 12 tháng âm lịch, chúng ta lại có quyền hi vọng vào một năm mới tốt đẹp và hoàn thiện hơn, đúng như quy luật vận động tất yếu trong cuộc sống.Và như thế, theo cách sắp xếp của tạo hóa, mùa xuân vẫn được mặc định là cột mốc đánh dấu một hành trình mới,với sức sống để làm hành trang cho một năm mới đón chờ.
Hết Tết rồi, nhưng đừng quên: Mùa Xuân mới chỉ bắt đầu có vài ngày.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất