Góc nhìn 365: Từ 'tâm sự' của các vua nhà Nguyễn

07/01/2020 07:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có tên gọi “Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn”, cuộc triển lãm do Trung tâm lưu trữ quốc gia I tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua đã giới thiệu hơn 100 châu bản mang bút tích của 10/13 vị vua thuộc vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Cùng chiêm ngưỡng bút tích của các hoàng đế triều Nguyễn trong lịch sử

Cùng chiêm ngưỡng bút tích của các hoàng đế triều Nguyễn trong lịch sử

Với trên 100 phiên bản châu phê, triển lãm "Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn" giới thiệu tới công chúng những  nét độc đáo, tinh hoa nhất từ bút tích của đích thân các vua nhà Nguyễn trên châu bản. 

Như cách gọi của giới chuyên môn, đây là những châu bản (văn bản hành chính) có “châu phê” (được các vị vua dùng mực son viết lên đầu, cuối hoặc... đè lên văn bản để đưa ra “quan điểm chỉ đạo” của mình). Chúng chỉ chiếm một số rất ít trong kho châu bản triều Nguyễn – vốn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới từ năm 2014 – nhưng lại có một giá trị đặc biệt.

Bởi, bên cạnh giá trị về sử liệu, những châu bản ấy còn cho thấy quan điểm, suy nghĩ và cả cảm xúc rất đời thường của những nhân vật lịch sử như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức...

Chẳng hạn, tại triển lãm, dòng chữ của vua Gia Long trên bản “chẩn bệnh” của quan ngự y cuối năm 1819 cho thấy tâm trạng rất giản dị của một người bệnh: “Mong được như thầy thuốc nói thì vui mừng biết chừng nào”. Trong lịch sử, đó chính là quãng thời gian Cao Tổ nhà Nguyễn ốm nặng, trước khi mất vào năm sau.

Chú thích ảnh
Công chúng tìm hiểu các tài liệu trưng bày tại Triển lãm "Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn". Nguồn: Internet

Tương tự, châu phê của Đồng Khánh, vị vua chỉ tại vị trong hơn 3 năm, cũng khiến người xem thú vị bởi phong thái rất... hiện đại khi duyệt lá đơn xin nghỉ dưỡng bệnh của một vị quan có tên Lưu Cung (tháng 8/1866): “5, 6 ngày bệnh tình thuyên giảm thì vào ứng trực, chớ có lười nhác!".

Rồi, Hoàng đế Minh Mạng đã từ chối việc xin dời dinh phủ sang nơi khác của quận công Tôn Thất Thiệu Khuê một cách thẳng thắn: “Đó là nơi đất thiêng, người phúc mỏng làm sao chịu nổi. Nếu đổi xây dựng chùa để phúc mãi về sau thì bộ ấy lập tức bàn để tiến hành”. Hoặc, vua Thiệu Trị cho thấy sự giản dị và thực tế của mình khi viết trên tờ trình năm 1841 về việc ngự giá ra Bắc bằng đường thủy: "Khoản này trẫm đã tính toán kỹ 2, 3 lần để tiện cho dân, không nỡ làm vất vả sức dân…"

Thậm chí, người ta còn gặp những lời than chua xót của vua Tự Đức trên bản tấu năm 1874 về việc xét xử quan chức để mất thành Hà Nội:“Chỉ trong 1 tháng mà 4 tỉnh liên tiếp thất thủ, quốc khố dân sinh hao tổn gần sạch, khiến cho trẫm ngẩng lên cúi xuống đều lo buồn hổ thẹn, đau khổ không yên… Việc này chẳng phải chỉ trách phạt một người, sao bằng để răn xét cho một thời mới được…".

***

Thực tế, vài năm trước cuộc triển lãm này, những châu phê của các vua Nguyễn cũng đã được trưng bày một số lần tại Huế và Hà Nội. Và, tất cả những lần trưng bày ấy đều thu hút sự chú ý của dư luận. Như nhận xét của các chuyên gia, tưởng rằng khô cứng, nhưng chính những tư liệu ấy lại mở ra những cánh cửa rất rộng, để cộng đồng có thể tiếp cận với những giá trị văn hóa - lịch sử theo hướng nhân văn nhất.

Bởi, sự chân thực, gần gũi mà những bản châu phê ấy mang lại là điều không dễ gặp ở những dạng tư liệu khác. Chúng giúp người đọc xóa bỏ khoảng cách của thời gian và không gian, để được tiếp cận với các vị vua triều Nguyễn ở một “cự ly gần”.

Và, từ cái nhìn ấy, những định kiến từng tồn tại một thời về sự tiêu cực thuần túy trong lịch sử của vương triều Nguyễn đã nhạt nhòa dần. Tại đó, ở một chừng mực, người ta thấy được những nỗ lực, trách nhiệm và cả trình độ của những vị hoàng đế nước Việt - cho dù phần nhiều trong số họ bị đặt vào vị thế khó khăn, với thân phận “bù nhìn” mà người Pháp đặt lên vai.

Lịch sử không thể chỉ là những số liệu khô khốc, mà rất cần những câu chuyện và cả những “tâm sự” mà tiền nhân để lại qua tư liệu của mình. Điều ấy phù hợp với một thực tế: Trong những năm gần đây, vai trò của vương triều Nguyễn cũng bắt đầu được giới nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá lại với sự bao dung và đa chiều hơn trước.

Giống như lời nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc: Mỗi thời, những đánh giá về lịch sử rồi sẽ được xã hội điều chỉnh, để ngày càng tiếp cận gần hơn với chân lý.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm