Chuyện Hà Nội: Vài nét phác thảo tính cách người Hà Nội

09/02/2015 07:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từng có hơn 25 năm lê la phố phường Hà Nội, trải nghiệm cùng cách sống, cách ăn, cách chơi của người Hà Nội, nhưng có những lúc tôi vẫn thấy bất ngờ trước một câu chuyện, trước một con người… Họ lịch lãm, họ quân tử, hào hoa quá. Những khi ấy tự lòng thốt ra: “Hà Nội quá!”.

PGS Nguyễn Văn Nhật - nguyên Viện trưởng Viện Sử học từng viết: Một trong những tính cách người Hà Nội là chất trí tuệ và hàn lâm, văn hiến. Giàu nghĩa khí, có khí phách, tính cách kẻ sĩ. Biểu hiện cao độ của tính cách này là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, lòng tự trọng...

Đó còn là sự lãng mạn và mơ mộng; Tố chất này sinh ra nhiều tài hoa nghệ thuật, nhiều tên tuổi lớn…  

Viết về người Hà Nội, tôi chợt nhớ Nhà văn Nguyễn Khải. Ông có truyện ngắn khá hay về tính cách một người Hà Nội tiêu biểu. Đó là truyện ngắn Một người Hà Nội. Trong truyện, ông đã lột tả khá sâu sắc, hình ảnh một người đàn bà ông gọi bằng cô. Bà là mẫu mực của phong cách, của tính cách người Hà Nội. Từ cách sống, cách nghĩ đến chuyện lo cho vận nước, lo cho nhà mình… Gia đình cô Hiền của Nguyễn Khải  khá điển hình: “Khi các con còn nhỏ, ngồi vào bàn ăn cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn...”.

Người sống ở Hà Nội lâu đời thường nhiễm chất hào hoa, kiêu bạc đất kinh kỳ trong giao tiếp, trong ứng xử. Nhưng hình như họ thường bảo thủ, không muốn thay đổi, cả môi trường sống, cả cuộc sống của mình.

Tuy nhiên người Hà Nội cũ có những hạn chế nhất định. Đó là sự an phận. Họ thường bàng quan trước những đảo lộn, phá cách mà người nơi khác mang đến, chấp nhận những bất lực, hạn chế, yếu kém của mình. Ý thức mạnh mẽ về lợi ích, quyền tư hữu, quyền tự do không để người khác xâm phạm. Luôn sòng phẳng, rạch ròi. Coi trọng các quyền lợi, tài sản của mình tới mức e ngại đủ điều… Đó là sự khép kín. Không muốn bị làm phiền. Không muốn ai nhòm ngó vào chuyện riêng tư của mình. Cũng không xâm phạm lợi ích của người khác. Trong quan hệ thì có đi có lại.

Nhưng rồi người nhập cư ngày một nhiều và rồi người Hà Nội dần pha trộn tính cách các vùng quê. Người “nhà quê” lúc đầu bị coi như là dân ngụ cư, là “lạc hậu”, là “lắm chuyện”… Nhưng chính tính cách người “nhà quê” với vô vàn kiểu sống khác nhau, óc thực tế, cùng các lề thói đã ít nhiều ảnh hưởng đến lối sống, phong cách… làm “tha hóa” tính cách Hà Nội…

Bây giờ trên các phố chính của 36 phố phường, nhiều cư dân tỉnh xa như Lạng Sơn, Yên Bái, Hưng Yên… đã về ở, thay thế cho người Hà Nội lâu đời đi tìm nơi tái định cư mới. Cái xô bồ, bỗ bã, dung tục ngày một mạnh hơn. Chất thanh lịch, mềm mỏng, có phần nhút nhát chỉ còn thấy ở lớp người già nua, cũ kỹ.

Bây giờ Hà Nội đương mất mát khá nhiều những nét đẹp xưa cũ. Ít thấy con cái đi làm đi học vào chắp tay xin phép ông bà, bố mẹ như xưa. Bây giờ xe cộ phóng ào ào, bất chấp tính mạng tài sản người khác. Bây giờ lớp trẻ không ít người nói tục chửi thề, đua đòi theo mốt thời thượng ngoại quốc. Chả thế mà một trong những mục tiêu phát triển văn hóa mà HĐND TP vừa đưa ra là xây dựng hình ảnh, tính cách Hà Nội, văn minh thanh lịch.

Không quá lạc quan, nhưng tôi tin sẽ đến lúc những giá trị nhân văn sẽ vẫn mãi còn, và lòng nhân ái, bao dung, cùng những vẻ đẹp khác sẽ lên ngôi…

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm