Chữ và nghĩa: Tinh thần thượng võ

14/07/2021 07:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - "Thượng võ" là một từ quen thuộc trong thể thao, nhất là võ thuật. Chúng ta thường nghe nói, chẳng hạn: "Cả 2 đội đã thi đấu sòng phẳng, đúng tinh thần thượng võ".

Chữ và nghĩa: Việt vị

Chữ và nghĩa: Việt vị

“Việt vị” là một trong những lỗi hay gặp nhất trong bóng đá. Tuy nhiên, khác với nhiều lỗi khác (lấy bóng không hợp lệ, chơi tiểu xảo, chơi bạo lực, để bóng chạm tay...) thì cầu thủ phạm lỗi có thể bị phạt (thẻ vàng hoặc đỏ).

Võ (武, còn được đọc là vũ), là một từ Hán Việt chỉ "thuật đánh nhau bằng chân tay không hay bằng binh khí [như côn, kiếm...]" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Ta vẫn thấy các vận động viên đấu các môn võ thuật tay không hoặc dùng côn kiếm trong các dịp thi tài (Olympic chẳng hạn) hay trong các dịp lễ hội vui chơi. Là một môn thể thao rèn luyện khí chất, nâng cao sức khỏe, nhưng môn võ còn đòi hỏi người chơi phải có thái độ đúng trong thi đấu và trong các ứng xử thể thao.

Thượng võ(尚武) là một kết hợp 2 thành tố.Thượng (尚) nghĩa là "ham thích, coi trọng, tôn sùng"; võ (武) là "nghề võ", nghĩa chung của thượng võ là "ham thích võ nghệ". Nhưng thượng võ còn một nét nghĩa thứ 2 là "có khí phách và lòng hào hiệp". Đây mới chính là nét nghĩa đáng lưu ý. Nó thể hiện cái hay, cái đẹp, cái đáng trân trọng trong mọi cuộc tranh tài thể thao.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Từ xa xưa. giới võ thuật đã tồn tại những "luật bất thành văn" đề cao tính thượng võ của mọi vận động viên. Thi đấu đối kháng, sẽ có người thắng và người thua. Điều quan trọng là người tham gia thi đấu phải có một thái độ đúng. Chơi võ, đấu võ là đề cao võ thuật, coi trọng sự khỏe khoắn, dẻo dai, khéo léo. Nhưng đề cao võ thuật không có nghĩa là cổ súy cho sự đánh nhau lấy được và nhất là sự hiếu chiến quá đà, bất chấp mọi thứ (miễn là giành chiến thắng về mình).

Những giá trị tốt đẹp đó có sẵn ngay trong các võ thuật hoặc thông qua rèn luyện võ thuật mà đạt được. Các võ sĩ đạo của Nhật Bản ngày xưa luôn coi trọng tinh thần "ái võ, thượng võ". Họ tuyệt đối trung thành với những lời nguyền khi thi đấu, có khi hy sinh cả tính mạng để bảo toàn khí tiết võ sĩ (vì giữ được tinh thần thượng võ trong mọi tình huống).

Thượng võ trước hết thể hiện ở tinh thần "tôn sư ái hữu" (kính trọng thầy dạy và yêu quý bạn chơi). Thầy dạy cần phải coi như cha (sự sư như sự phụ). Trái lại, người thầy dạy cũng phải biết tôn trọng, yêu quý trò của mình (ái đồ như ái tử).

Thứ 2 là tinh thần thi đấu hết mình. Dù thế nào, người chơi cũng phải cố gắng hết sức và tối kị là bỏ cuộc. Năm 2019, tại cuộc thi marathon quốc tế (London, Anh), VĐV Hayley Carruthers (26 tuổi) đã có màn cán đích kịch tính và đầy xúc động. Sau khi gần hoàn tất đường chạy 42,195km, Carruthers đột nhiên lảo đảo ngã quỵ xuống đường chạy, nhưng chị cố lết thêm vài bước chân để cán đích, đồng thời xác lập một kỷ lục với chính mình. Tại SEA Games 30 (2019, tổ chức ở Philippines), nữ VĐV của ta là Nguyễn Thị Hồng Lệ, dù kiệt sức vẫn lấy hết sức bình sinh chạy về đích.

Thứ ba là thái độ tôn trọng người chơi và luật chơi. Khi vào thi đấu, bất luận tương quan, lợi thế thế nào, người chơi cũng không được coi thường đối thủ. Tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Usain Bolt (VĐV điền kinh nổi tiếng người Jamaica) đã bị người xem và báo chí phê phán, khi cả trong trận bán kết và chung kết, khi bứt lên trước Justin Gatlin (kỳ phùng địch thủ người Mỹ) ở 20m cuối, Usain Bolt vừa chạy vừa vỗ ngực cười đắc thắng.

Khán giả cũng không hài lòng với thái độ chủ quan khinh địch của các cầu thủ Đội tuyển Pháp tại EURO 2020 vừa rồi. Trong trận đấu vòng 1/8 (29/6/2021), khi dẫn đội Thụy Sĩ tới 3-1, nhiều cầu thủ Pháp đã chùng xuống, không còn nhiệt huyết thi đấu. Kết quả thì mọi người đã rõ. Đội Thụy Sĩ vùng lên gỡ hòa và thắng ở loạt đá luân lưu.

Cuối cùng, thượng võ còn thể hiện ở tinh thần thể thao cao thượng, fair-play, tính nhân văn trong cách ứng xử giữa người với người, giữa mình và đối thủ. Đó chính là nét đẹp cần thiết, vô cùng đáng quý mà thể thao đem lại.

Thắng - thua là chuyện thường tình

Vấn đề là phải biết mình biết ta.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm