Chọn gì cho 'thương hiệu' văn hóa của một thành phố?

14/11/2019 06:52 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - TP.HCM vừa công bố danh mục 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội nổi bật để người dân đóng góp ý kiến với mục đích tiếp tục phát triển, hoàn thiện những sự kiện này thành dấu ấn văn hóa thường kỳ mang nét riêng của thành phố.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi: Ấn tượng từ những chú lợn mũm mĩm

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi: Ấn tượng từ những chú lợn mũm mĩm

Tối 2/2 (ngày 28 tháng Chạp), Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh-Vững bước vươn xa” đã khai mạc tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Danh mục này gồm: Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa Xuân, Lễ hội Áo dài TP.HCM, Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Ngày hội văn hóa đọc, Ngày hội gia đình hạnh phúc, Giai điệu mùa Thu, Lễ hội TP.HCM - Ngôi nhà chung của chúng ta, Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, Liên hoan Hợp xướng TP.HCM mở rộng, Giải thưởng Trần Hữu Trang, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM, Liên hoan nhạc kèn TP.HCM.

Nhìn vào nội hàm của 13 sự kiện này, có thể chia thành 3 nhóm đặc trưng.

Thứ nhất là các sự kiện cộng đồng như Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa Xuân, Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ…, nơi cộng đồng dễ dàng tham dự, gần như không có khoảng cách giữa cộng đồng và sự kiện. Nói cách khác, cộng đồng cùng làm nên những sự kiện này.

Thứ hai là các sự kiện công cộng như Lễ hội Áo dài TP.HCM, Ngày hội văn hóa đọc, Ngày hội gia đình hạnh phúc, Lễ hội TP.HCM - Ngôi nhà chung của chúng ta, Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam…, nơi cộng đồng và sự kiện có một khoảng cách nhất định. (thực chất lâu nay tại Việt Nam vẫn còn nhập nhằng khái niệm về sự kiện cộng đồng và sự kiện công cộng, nên dẫn đến những ứng xử còn sai lệch).

Chú thích ảnh
Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ. Ảnh: Tự Trung

Thứ ba là các sự kiện chuyên môn như Giai điệu mùa Thu, Liên hoan Hợp xướng TP.HCM mở rộng, Giải thưởng Trần Hữu Trang, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM, Liên hoan nhạc kèn TP.HCM…, nơi khán giả chỉ là một bộ phận rất nhỏ của cộng đồng và giữ một khoảng cách đủ xa để thưởng thức.

Bố trí một cấu trúc danh mục như vậy cho thấy tầm nhìn của TP.HCM hơi nghiêng về các sự kiện chuyên môn, hàn lâm. Điều này cũng là thực tế, vì hiện tại TP.HCM còn yếu các sự kiện công cộng và cộng đồng, trong khi các vấn đề hàn lâm, học thuật thì đa dạng hơn. Tất nhiên, nếu nới rộng biên độ và tiêu chí, TP.HCM còn nhiều sự kiện xứng tầm khác.

Việc TP.HCM công bố danh mục 13 sự kiện cũng cho thấy quyết tâm tìm kiếm, tạo dựng vài sự kiện tiêu biểu cho thành phố đông dân nhất nước. Bởi nơi đây chưa (và có lẽ cũng sẽ phải chờ rất lâu) sở hữu danh hiệu di sản thế giới nào, cũng chưa có được các lễ hội thu hút như Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ, Lễ hội Nguyễn Trung Trực, Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Hội Chử Đồng Tử, Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội chùa Hương, Festival Huế, Fesival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội đèn lồng Hội An…

Trong suy nghĩ của nhiều người, các sự kiện hoặc lễ hội dân gian nói chung là tự nhiên mà có. Nhưng thực tế không phải vậy, chúng đều được tạo ra trong lịch sử ở những giai đoạn khác nhau. Và các nghiên cứu về nguồn gốc và nguyên lý tạo thành lễ hội - ví dụ lễ hội Nguyễn Trung Trực năm nay thu hút hơn 1 triệu lượt người tham dự - cho thấy vai trò của nhân dân và nhà nước đều rất quan trọng.

Nếu tìm được tiếng nói đồng thuận, hài hòa được các yếu tố chuyên môn, cộng đồng và công cộng thì lễ hội đó sẽ phát triển. Nhìn lại hơn 20 năm hình thành các festival tại Việt Nam có thể thấy rõ điều này, khi chưa nhiều tỉnh thành tổ chức có hiệu quả về văn hóa, giải trí và kinh tế.

Trở lại danh mục vừa công bố, rõ ràng TP.HCM sẽ cần ít nhất 3 hướng tiếp cận công chúng nói chung cho 3 nhóm đặc trưng. Và việc góp ý của người dân cũng vậy, không hề dễ dàng gì, vì tùy lĩnh vực mà có yêu cầu và đánh giá riêng. Một liên hoan nghệ thuật đậm nét hàn lâm như Giai điệu mùa Thu đã khác Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, chứ đừng nói đến Đường hoa Nguyễn Huệ.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm