Bác sĩ mổ nhầm và những chuyện chép ở bệnh viện

22/07/2016 08:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày rất buồn của ngành y. Sau vụ bảo vệ chặn xe cứu thương ở Bệnh viện Nhi Trung ương, thì tới lượt bác sĩ Bệnh viện Việt – Đức mắc phải sai sót nghiêm trọng về chuyên môn: mổ nhầm chân của bệnh nhân.

Đáng tiếc là sai sót lại xảy ra ở một bệnh viện hàng đầu của cả nước, là nơi hàng vạn bệnh nhân ủy thác mạng sống của mình mỗi khi lâm trọng bệnh cần phẫu thuật. Và đáng tiếc là bác sĩ gây ra sai sót này là Phan Văn Hậu lại là người có chuyên môn giỏi, đã nhiều năm tham gia mổ cho bệnh nhân như đánh giá của GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.


Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị mổ nhầm chân. (Ảnh chụp từ clip)

Cũng tại bệnh viện Việt  Đức lại có một tin buồn khác, tuy không liên quan đến trách nhiệm của các y bác sĩ ở đây: Hai bé song sinh dính liền đã qua đời, sau 7 ngày điều trị.

Đó là một cái kết thật buồn, nhưng là cái kết đã được các y bác sĩ ở đây dự báo từ trước. Bởi kết quả hội chẩn chung của 7 chuyên gia hàng đầu từ bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai sau khi cháu chuyển viện từ bệnh viện Vị Xuyên (Hà Giang) xuống, cho hay: do tổn thương tim quá phức tạp nên việc mổ tách rời để cứu 1 hoặc hai cháu rất khó khăn. Các bác sĩ chỉ có thể chăm sóc hồi sức, nhưng tiên lượng xấu...

Tiếp nhận ca song sinh dính đôi từ bệnh viện Vị Xuyên, trong một sự kiện được cả xã hội chú ý bởi câu chuyện của vị bác sĩ "ra chợ quyên tiền cho bệnh nhân", hẳn các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã muốn và đã gắng làm hết sức mình để có một cái kết thúc có hậu cho câu chuyện này.

Nhưng họ cũng là những con người, không thể có phép màu để mà cưỡng lại được định mệnh.

***

Tất cả chúng ta đều mong muốn có thêm những câu chuyện cổ tích đẹp từ ngành y, nhưng qua các vụ việc buồn này cho thấy, điều đó không phải là điều dễ dàng. Bởi bác sĩ cũng là những con người. Họ không những không có phép màu, mà còn có thể có những sai sót cũng rất con người.

Cá nhân tôi không có cảm giác muốn trách móc thêm các y bác sĩ nữa, kể cả bác sĩ đã mổ nhầm chân. Tôi tin rằng, ông đã quá đau đớn về nhầm lẫn tai hại đó của bản thân, và đây là thời điểm thật khó khăn cho ông, bởi ngoài công việc cầm dao mổ đã bị đình chỉ, ông còn phải đứng trên bục giảng nữa khi ông đang giảng dạy tại một trường đại học.

Cảm thông cho những sức ép mà ông đang phải đương đầu, tôi thực sự xúc động khi đọc những lời chia sẻ gan ruột của bác sĩ Võ Xuân Sơn ngay sau khi hay tin đồng nghiệp của mình gặp họa. Không phải là sự quy kết, trách móc hay rao giảng, bác sĩ Võ Xuân Sơn đã kể lại chính những kinh nghiệm cay đắng của mình về một chuyện mà bình thường thì ai cũng muốn giấu biệt.

Đó là chuyện ông cũng từng mổ nhầm cho bệnh nhân. Câu chuyện của ông khiến cho những người ngoài ngành y thêm hiểu và thông cảm hơn cho những áp lực mà các bác sĩ phẫu thuật phải đương đầu:

“Nếu làm công việc không cần thiết phải phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi tay, bạn sẽ ít khi gặp vấn đề với bên phải, bên trái. Nhưng là một phẫu thuật viên, luôn phải rèn luyện kỹ năng để có thể làm hai tay như một, nên tôi rất hay gặp vấn đề với bên phải, bên trái. Và ông đã nhầm lẫn bên phải, bên trái trong một ca mổ... sọ não, dù đã hết sức cẩn thận để khắc chế điểm yếu của mình.

Ông chia sẻ cảm giác mà có lẽ là cảm giác bây giờ của bác sĩ Phan Văn Hậu đang gặp phải: "Cảm giác mình là tội đồ cứ đè nặng tôi mãi. Gần 15 năm đã trôi qua, nhưng cứ mỗi lần bước vào ca mổ, tôi lại nhớ đến ca mổ hôm đó”.

***

Y học đã có nhiều bước tiến trong xây dựng quy trình để tránh những sai sót, nhầm lẫn cho bác sĩ phẫu thuật. Vì thế, vụ nhầm lẫn mổ chân của bác sĩ Phan Văn Hậu sẽ được xem xét về việc đã thực hiện đúng các quy trình đó chưa?

Bên cạnh đó, cũng không thể không tính đến hoàn cảnh: thành viên kíp mổ có liên quan chịu áp lực công việc quá lớn do bệnh nhân đông, tính chung mỗi năm bệnh viện Việt  Đức mổ 150.000 ca, trung bình mỗi ngày trên 400 ca.

Theo một nguồn tin, ngay cả ở Mỹ, mỗi tuần cũng có khoảng 40 ca mổ nhầm chỗ. Con số này chưa được kiểm chứng. Nhưng dù nó có thật thì đó cũng không thể bao biện cho những sự nhầm lẫn trong ngành y. Bởi nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Ngành y, đó là ngành không được phép nhầm lẫn.

Nhưng ngành y lại rất cần được cảm thông trong những tình huống đó…

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm