04/04/2023 21:54 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Tại Myanmar có 4 kiểu trường luyện thi. Loại khép kín, độc đoán nhất là trường luyện thi nội trú.
Thuật ngữ "địa ngục thi cử" (Juken Jogoku) được đề xuất lần đầu tiên bởi học giả người Nhật Ichisada Miyazaki. Ông chỉ ra rằng hệ thống khoa cử thời nhà Thanh (Trung Quốc) giống như địa ngục, một không gian nơi mọi người bị tra tấn nhưng không thể trốn thoát.
Chúng ta cũng thường nghe về các kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc khắc nghiệt như thế nào. Ví dụ tại Hàn, vào thời gian diễn ra bài thi nghe tiếng Anh của kỳ thi đại học, cả đất nước sẽ bật chế độ im lặng, máy bay cũng bị cấm cất cánh, hạ cánh để tránh tiếng ồn gây ảnh hưởng đến thí sinh. Hay nếu theo dõi bộ phim truyền hình Dragon Zakura của Nhật, bạn sẽ thấy được người Nhật coi trọng kỳ thi tuyển sinh đại học ra sao.
Thế nhưng ở châu Á còn có một đất nước sở hữu kỳ thi đại học tàn khốc, khắc nghiệt, thậm chí "biến thái" hơn nhiều so với Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đó chính là Myanmar.
Kỳ thi tuyển sinh đại học của Myanmar còn được gọi là University Entrance Examination hoặc Matriculation Examination. Có gần 600.000 thí sinh tham gia kỳ thi đại học ở Myanmar hàng năm và có hơn 1.000 trung tâm tổ chức thi trên cả nước. Nhưng cơ hội được chấp thuận trung bình thường ít hơn 40%.
Năm 2018, chỉ có 224.847 trong số 597.946 thí sinh của Myanmar thi đỗ đại học và tỷ lệ trúng tuyển là 37,6%. So với tỷ lệ trúng tuyển ở những quốc gia khét tiếng vẫn bị coi là "địa ngục thi cử" như 50% ở Nhật Bản, 60% ở Hàn Quốc, 70% ở Trung Quốc đại lục, tỷ lệ trúng tuyển ở Myanmar thực sự thấp đến mức thảm hại. Ở bang Chin - nơi có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất, con số thậm chí chỉ là 17,84%.
Bậc phổ thông ở Myanmar chỉ có 2 năm, được gọi là lớp 10 và lớp 11. Học sinh tại các trường thường được chia theo 3 ban, gồm: Ban Tự nhiên (thường được gọi là ban Bio), ban Kinh tế (thường được gọi là ban Eco) và ban Xã hội. Khoảng 90% học sinh Myanmar lựa chọn ban Tự nhiên và chỉ 10% lựa chọn theo 2 ban còn lại.
Trong một trường trung học ở Myanmar, nếu có 10 lớp thì phải đến 8 lớp thuộc ban Tự nhiên, còn ban Xã hội và Kinh tế mỗi ban chỉ có 1 lớp. Sách giáo khoa của ban Tự nhiên đều bằng tiếng Anh, chỉ có một môn tiếng Ngữ văn là bằng tiếng Myanmar. Đọc đến đây hẳn nhiều người thắc mắc tại sao theo ban Tự nhiên lại phải học hết bằng tiếng Anh, phải chăng học sinh Myanmar nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Myanmar? Câu trả lời thực ra rất đơn giản, bởi vì chỉ những học sinh ban Tự nhiên mới có khả năng thi vào Đại học Y (University of Medicine) – nơi sẽ giúp họ trở thành bác sĩ một ngày nào đó.
Bác sĩ là ngành nghề được coi trọng nhất Myanmar. Những người làm việc trong ngành Y có địa vị ngang với hoàng gia trong xã hội Myanmar. Ngoài ra, các trường đại học ở Myanmar thường không đào tạo nhiều khoa. Không có trường nào trong số 5 trường đại học top đầu của Myanmar là trường đại học tổng hợp. Từ top 1 đến top 5 đều là các trường đại học về y khoa nằm ở các bang và các tỉnh khác nhau thuộc Myanmar. Gần như 100% thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học của đất nước này sẽ lựa chọn đăng ký vào trường y, bất kể sở thích hay nghệ vọng của họ có phải trở thành bác sĩ hay không.
Ở nhiều quốc gia, không ít học sinh – đặc biệt là học sinh cuối cấp cũng sẽ đi học thêm một số môn để ôn luyện cho kỳ thi đại học quan trọng. Thế nhưng ở các trường trung học tại Myanmar, đến 90% học sinh sẽ tham gia các lớp học thêm (được gọi là tuition). 10% còn lại là số ít không đủ khả năng chi trả, và cơ hội vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học của họ gần như bằng 0.
Có nhiều hình thức dạy thêm bậc trung học ở Myanmar, có thể phân loại đại khái thành: dạy thêm sau giờ học chính khóa (guide), dạy thêm 1 buổi hoặc cả ngày (day-tuition) hoặc dạy thêm nội trú (border-tuition). Hai hình thức đầu tiên tương đối giống các quốc gia khác, chỉ khác chăng là thời gian học thêm theo buổi tại Myanmar dài hơn. Vào các ngày nghỉ, ngày cuối tuần, thời gian học là 9:00 sáng đến 6:00 chiều. Với những ngày có giờ học chính khóa, các lớp học thêm được tổ chức theo ca, ca sáng là từ 5:00 sáng đến 8:00 sáng, ca tối từ 6:00 tối đến 10:00 tối.
Nếu một học sinh không học thêm mà vẫn thi đỗ đại học, mọi người sẽ đó như một phép lạ. Vì thời gian đứng lớp của giáo viên các trường phổ thông công lập ở Myanmar tương đối ít nên học sinh đương nhiên phải tự đến các trung tâm học thêm. Và vì đã tham gia các lớp luyện thi rồi nên khi ở trên lớp, họ sẽ không chú ý lắng nghe các bài giảng của giáo viên chính khóa nữa. Cứ như thế, một vòng luẩn quẩn đáng sợ được hình thành.
Tại Myanmar có 4 kiểu trường luyện thi. Loại khép kín, độc đoán và "vô nhân đạo" nhất là trường luyện thi nội trú. Trong 1 năm học tại trường, học sinh sẽ cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài, điều duy nhất họ phải làm là học, học và học. Mặc dù phụ huynh đã trả phí ăn ở và học phí rất cao nhưng nhìn chung, chất lượng các bữa ăn tại trường luyện thi thường không quá tốt, dinh dưỡng không cao, không phù hợp với lứa tuổi học sinh đang phát triển.
Học sinh bị "giam cầm" trong một môi trường khép kín hoàn toàn, các hoạt động thường ngày của họ bị trợ giảng và giám thị giám sát 24/7. Học sinh tại đây gần như không quyền cá nhân, trợ giảng, giám thị ký túc giá, giáo viên... bất kỳ ai cũng có thể tùy ý trừng phạt họ. Vì chế độ ăn nhiều dầu mỡ, không được tập luyện thể dục thể thao, hàng ngày chỉ đi đi lại lại giữa lớp học và ký túc xá nên nhiều học sinh sau 1 năm bị "cầm tù" đều bị tăng cân không ít thì nhiều.
Yêu đương trong một môi trường như vậy đương nhiên cũng bị cấm 100%. Học sinh được phân chia theo giới tính từ lớp học đến ký túc xá. Chỉ có một cơ hội duy nhất mà học sinh nam và học sinh nữ tại các trường luyện thi như vậy được gặp nhau, đó là khi tổ chức thi thử. Đương nhiên, phía trường luyện thi cũng có những quy định nghiêm ngặt vào ngày thi thử. Theo đó, nam sinh sẽ được đưa vào phòng thi trước và bị yêu cầu phải ngồi yên, cúi đầu xuống. Lúc này, giáo viên mới đưa các nữ sinh vào phòng. Sau khi nữ sinh đã yên vị, nam sinh mới có thể ngẩng đầu lên.
Dưới sự áp bức như vậy, nhiều tình huống tiêu cực đã xảy ra. Chẳng hạn như nữ sinh phải lòng giảng viên nam, gửi thư tình cho giảng viên rồi phải nhận hình phạt về thể xác; hay như nam sinh viết thư cho nữ sinh sẽ bị giám thị lục ngăn bàn, tủ đồ và chặn ngang trước khi bức thư được gửi đi...
Mỗi tháng, phụ huynh có thể đến "thăm non" con cái mình 1 lần. Học sinh sẽ được hai giáo viên tháp tùng ra ngoài, thời gian gặp mặt bình thường cũng không quá dài. Sau cuộc gặp gỡ chóng vánh với gia đình, họ tiếp tục bị hai giáo viên chấp pháp "hộ tống" về tận phòng ký túc xá bất chấp cảm xúc của họ khi đó có đủ ổn định hay không.
Thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp học sinh vì không chịu được mà "vượt ngục" bằng cách nhảy khỏi xe hoặc tranh thủ lúc đi vệ sinh để trèo tường trốn đi. Nhưng nếu "vượt ngục" không thành công, bị giáo viên bắt trở lại, điều chờ đợi những học sinh như vậy sẽ là hình phạt thể xác nghiêm khắc. Cũng có những trường hợp bỏ trốn thành công nhưng số tiền học phí cùng vô số phụ thu mà cha mẹ họ đã đóng coi như mất trắng.
Hầu như không có học sinh phổ thông nào tại Myanmar chưa từng nhận hình phạt về thể xác, các hình thức phạt rất đa dạng. Trong trường luyện thi, giảng viên đứng trên bục giảng giảng bài, hai trợ giảng sẽ cầm thước đi quanh lớp. Nếu có ai nói chuyện riêng hoặc mất tập trung, họ sẽ bị đánh vào lưng bằng thước.
Một số trường luyện thi thậm chí còn áp dụng những hình phạt thể xác cực kỳ khắc nghiệt, đơn cử như một trường luyện thi nằm ở thị trấn Pyin Oo Lwin, thành phố Mandalay. Đặc điểm của ngôi trường này là các giáo viên phụ trách kỷ luật đều là cựu chiến binh, cả sức mạnh và sự nghiêm khắc của họ đều hơn các giáo viên bình thường gấp nhiều lần. Đặc điểm này cũng khiến ngôi trường trở thành một trong những trường luyện thi có nhiều học sinh đăng ký nhất ở Mandalay. Tại đây, học sinh phải trải qua vô số các bài thi và các bài kiểm tra. Mỗi lần trả bài là một đại hội trừng phạt: viết sai một chữ đánh một gậy vào chân, còn nhớ sai công thức hóa học, định luật vật lý hay giải nhầm toán hình học sẽ bị đánh vào mông. Và nếu gian lận, cái kết học sinh phải nhận sẽ kinh khủng đến mức không thể tưởng tượng nổi.
Tất cả những áp lực nói trên đều đến từ các trường học hay trường luyện thi, nhưng áp lực lớn hơn còn đến từ toàn bộ xã hội Myanmar, tạo thành một cái lồng vô hình. Dạng nhà tù không hàng rào này là đáng sợ nhất.
Người Myanmar cực kỳ coi trọng kỳ thi đại học. Thử tưởng tượng nhé, bạn vừa thi đại học xong, tất cả họ hàng, hàng xóm mà bạn dù quen hay không quen cũng sẽ đến nhà bạn để "hỏi han" xem bạn làm bài thi thế nào, đề Toán năm nay có khó không, bạn viết gì trong bài luận tiếng Anh... Sau khi điểm thi được công bố, bạn tiếp tục rơi vào chuỗi ngày bị hỏi kết quả, thi được bao nhiêu điểm, tính vào trường nào.
Nhiều phụ huynh sẽ thuê nhà hàng để tổ chức tiệc chiêu đãi người thân, bạn bè vì con em mình đã đạt điểm cao trong kỳ thi đại học. Quy mô bữa tiệc không khác gì tiệc cưới bình thường. Chính vì vậy, các nhà hàng, khách sạn cũng sẽ mở riêng gói "tiệc thi đại học" để phục vụ đối tượng khách này. Các gia đình ở nông thôn không có điều kiện cũng sẽ mổ lợn để chiêu đãi cả làng. Nếu bạn được nhận vào trường y, hầu hết mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt ngưỡng mộ, sùng bái như thể bạn chính là người thông minh nhất thế giới.
Nhưng như một đồng tiền có 2 mặt, đối với 70% thí sinh trượt đại học, xã hội gần như "kết án tử hình" cho họ. Những thí sinh này nếu thi lại bị gọi là "repeater", bị gán mác không cố gắng, không có chí tiến thủ, ngu ngốc, vô dụng. Mọi năng lực của họ đều bị xã hội phủ nhận.
Xã hội Myanmar rất coi trọng trình độ học vấn, ngay cả khi tuyển dụng nhân viên bán hàng thì hầu hết vẫn yêu cầu bằng đại học, dù công việc đó chỉ là thu ngân mà ai cũng có thể làm được. Bầu không khí xã hội như vậy khiến tình trạng học sinh tự tử vì áp lực thi cử quá lớn ở Myanmar xảy ra thường xuyên.
Nguồn: Sina
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất