08/03/2013 08:04 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Di Li tên thật là Diệu Linh là một trong nhiều “mỹ nữ” của làng văn hiện nay. Không chỉ là người đẹp viết văn rất khỏe - ấn hành sách liên tục - chị còn là giảng viên đại học, cao đẳng tại Hà Nội.
Ngày 8/3 năm nay, nhà văn Di Li ấn hành tập tản văn Adam & Eva với 24 bài viết “luận bàn” đàn ông và đàn bà. Nữ nhà văn xinh đẹp có cuộc trò chuyện với TT&VH nhân dịp ra mắt sách mới trong ngày dành riêng cho phái đẹp.
Phụ nữ thích được… chiều chuộng!
* Adam & Eva là hai chủ thể khác nhau nhưng chưa ba giờ tách rời nhau. Theo chị, điều cơ bản gì giúp đàn ông và đàn bà không thể sống thiếu nhau là gì?
- Đàn ông và đàn bà cơ bản là khác nhau, nên trong Adam & Eva, tôi có bài Làm bạn với đàn bà, cho rằng đàn ông và đàn bà khó kết bạn thân với nhau vì thực sự có rất ít điểm chung. Đến người cùng giới mà sở thích khác nhau đã không thể làm bạn. Nhưng cũng có lẽ chính vì tâm sinh lý khác nhau đó mà họ mới gắn bó không thể tách rời, như cực dương và cực âm của cục nam châm vậy. Tạo hóa sinh ra thế, thật thú vị nhưng cũng khó giải thích.
* Rất nhiều đàn ông có thói quen “nói xấu” vợ…. Trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ trở thành trụ cột gia đình. Trong mắt nhà văn Di Li, đàn ông xứ ta hiện nay ra sao khi rất nhiều phụ nữ ở các đô thị lớn thích lấy chồng Tây hơn chồng Việt?
- Rất nhiều đàn ông Việt băn khoăn tại sao nhiều phụ nữ ta thích lấy chồng Tây. Rồi họ tự lý giải là do đàn ông Tây… “khoẻ mạnh”. Có người lại đổ thừa rằng đàn ông Tây đẹp trai hơn chúng ta. Tôi đồ rằng không phải vậy đâu. “Nhan sắc” đàn ông đối với phụ nữ cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Đàn ông Việt nhiều người cũng đẹp đấy thôi. Chưa kể nữ giới làm việc trong giới showbiz ngày nào chẳng được tiếp xúc với các nam diễn viên, người mẫu. Vậy mà các ngôi sao Việt nhiều người vẫn thích lấy chồng Tây, thậm chí lấy những ông Tây nhiều tuổi, cũng không phải quá đẹp trai. Tôi thì cho rằng phụ nữ vốn thích được chiều chuộng, dù cô ta đẹp hay cô ta xấu. Khi tiếp xúc với người phương Tây, họ thấy đàn ông chiều phụ nữ hơn đàn ông châu Á nói chung, chứ không riêng gì đàn ông Việt, chí ít là chiều ngoài mặt.
Nhiều cô bạn tôi lấy chồng ngoại quốc, thường hết lời ca ngợi chàng của họ. Tôi chỉ sợ kể chi tiết ra đây nhiều quý ông nóng mặt, lại bảo: đúng là giống đàn bà hời hợt, có mỗi thế thôi mà cũng sung sướng, mãn nguyện.
Nhân ngày 8/3 thì đứng trên phương diện là người rất hiểu phái nữ, tôi cũng muốn nói rằng, phụ nữ không phải như đàn ông thường nghĩ, họ không phải lúc nào cũng chỉ cần người đàn ông giàu có, rằng chỉ cần giàu có là có thể mua được “một rổ đàn bà”, hoặc cũng không chỉ cần mỗi “khỏe mạnh”. Đôi khi những gì phụ nữ cần lại rất nhỏ bé, nhỏ bé đến mức khó hiểu vậy thôi.
Đàn ông, đàn bà trời đã “phân vai”
* Trong số các người đẹp viết văn, Di Li là người phụ nữ có nhan sắc, có danh vị xã hội… Những điều này có cản trở chị làm các thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình không và chị cân bằng bằng cách nào?
- Nếu hiểu theo phương diện một phụ nữ truyền thống tiêu biểu thì tôi hoàn toàn không phải người như thế. Đến giờ cơm chiều, rất có thể người ta sẽ tìm thấy tôi đang ở trong tiệm spa hoặc ở phòng họp. Tuy nhiên tôi là người thích ăn ngon, ưa thẩm mỹ, yêu chuộng sự sạch sẽ, tôn thờ tri thức, tôn trọng kỷ luật và nguyên tắc, đời sống tinh thần phong phú…
Vì vậy đương nhiên tôi cũng khiến những người xung quanh được hưởng điều đó và sống trong lối sống đó. Suy cho cùng thì con người ta cũng cần ngần ấy thứ cho một cuộc sống tốt đẹp. Tôi là người cầu toàn lắm, nên trong gia đình cũng không thể xuề xoà. Nhiều người chẳng phải xông pha ra ngoài xã hội nhiều mà chưa chắc đã nấu được một bữa ăn thực sự ngon và nuôi dạy được những đứa con tử tế đâu.
* Hiện nay có rất nhiều phụ nữ vừa đẹp, có trí tuệ lại giỏi kiếm tiền. Chị có nghĩ thời của Eva - mẫu hệ đã trở lại sau nhiều năm bị đàn ông lấn át?
- Tôi thấy chế độ mẫu hệ thực là kỳ quái. Nó có gì đó không được thuận theo tự nhiên. Và chính chế độ mẫu hệ mới thực sự là không bình đẳng giữa nam và nữ. Trong chế độ này, người phụ nữ có quyền lực trong gia đình, họ quyết gì đàn ông phải nghe theo. Tuy nhiên họ lại vẫn phải trông con, bếp núc, nương rẫy. Hồi mấy năm trước, tôi cũng có tiếp xúc với một chị phụ nữ trung niên ở Phú Thọ. Chị bảo trong ngôi làng chị ở, phụ nữ đi bôn ba khắp nơi kiếm tiền, nếu ở nhà thì họ làm ruộng để kiếm sống, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, chăm con, lo giỗ chạp họ hàng nội ngoại.
“Thế đàn ông thì làm gì? Chồng chị làm gì?” Chị bảo họ chỉ ngồi uống rượu. Uống rượu và mang danh làm chồng. Nếu phụ nữ giành hết quyền của họ thì họ chả uống rượu thì còn biết làm gì nữa. Ngay cả ở Mỹ bây giờ là nơi nam nữ rất bình đẳng thì sửa cái ô tô của gia đình hay làm vườn… cũng là việc của các ông chồng chứ không phải của chị em phụ nữ. Việc bếp núc vẫn chị em phụ trách là chính chứ đâu phải chồng è cổ nấu ăn còn vợ ngồi đọc báo. Đàn ông có bếp núc thì cũng là lúc vợ bận quá, mệt quá hoặc đỡ đần phụ giúp chứ có phải làm được hết đâu. Và cả hai đều phải cùng kiếm tiền chứ không phải chỉ một người. Tôi chưa bao giờ thích mẫu hệ, nghĩa là tôi tuyệt đối không mong muốn mình đi làm kiếm tiền để đàn ông ở nhà nấu cơm.
Nhiều ông bảo tôi viết “lăng nhăng”
* Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét về Adam & Eva: “Đọc rồi, đàn ông sẽ thấy đàn bà không bao giờ hiểu được mình”. Chị nhận xét thế nào về nhận xét của Lê Hoàng?
- Lê Hoàng đang nói hộ các độc giả nam đấy mà (cười). Đàn ông nào mà chẳng nói như vậy. Và người phụ nữ nào cũng thích nói vậy thôi. Anh chẳng hiểu gì em cả. Hoặc em chẳng hiểu gì anh cả thực ra không phải là một lời phàn nàn đâu. Thậm chí “cô đơn giữa biển người mà không ai hiểu nổi mình”. Chẳng ai thích việc tính cách và tâm hồn mình cứ thông thống như cái chòi hoang giữa cánh đồng để ông đi qua bà đi lại ai cũng biết rõ có thứ gì bên trong. Người ta chỉ có thể hiểu nhau thấu đáo khi có hoàn cảnh cụ thể xảy ra thôi.
* Một nhà văn nam đánh giá thế này về chị, đại ý: “Đẹp như Di Li không cần phải viết văn mà nên thi hoa hậu”. Nếu không viết văn thì chị có chịu làm một bông hoa để cuộc đời ngắm hay không?
- Nhiều người hay bảo tôi viết như bổ củi, ra sách sòn sòn thì tôi hay đùa: “Tại tôi chẳng biết làm gì khác nên đành ngồi viết ấy mà”. Lời đáp cụ thể cho câu hỏi này, tôi để cả ở hai bài viết Nhan sắc hay trí tuệ hay giàu có và Đàn ông chọn vợ, đẹp, xấu, đần hay khôn? trong tập Adam & Eva. Vậy mà nhiều ông đọc xong hai bài ấy, thấy có nhiều luận điểm không hài lòng lại bảo tôi viết “lăng nhăng”, “chẳng hiểu gì về đàn ông cả”.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất