11/05/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Tôi vẫn thường nghĩ và gom các bằng chứng về tính đa tộc trong văn hóa Đông Sơn. Truyền thuyết về 15 bộ thời Hùng Vương ít nhiều báo hiệu tính đa tộc là hiện thực trong thời Đông Sơn với đỉnh cao rơi vào thời Âu Lạc….
Từ năm 1982, chúng tôi đã có một báo cáo khoa học trình bày nền tảng khảo cổ học của câu chuyện đa tộc phản ánh qua truyền thuyết về 15 bộ gom thành Văn Lang. Bản chất khảo cổ học là phát hiện các loại hình địa phương của bộ di vật Đông Sơn, cả đồng, đá gốm, táng thức… Gần đây, tôi phát hiện một hướng tiếp cận mới, đó là dõi theo tính đa dạng tâm linh qua các vật thiêng, tập tục thiêng và cả thú thiêng.
Hôm nay, tôi muốn kể về những thú thiêng trong văn hóa Đông Sơn. Đây là một chủ đề khá rộng, tuy nhiên, việc định loại được thú thiêng theo vùng, theo thời sẽ giúp góp phần khoanh vùng tộc nhóm trong đa dạng Đông Sơn.
Chúng ta sẽ bắt đầu với cá sấu và ếch.
Ếch hay cóc?
Câu chuyện bắt đầu từ những thảo luận đã lâu rồi ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Tôi rất nhớ lần được hỏi ý kiến về các con thú bám lưng nhau trên gờ đỉnh của một chiếc vòng Đông Sơn có mặt cắt ngang thân hình chữ V trong sưu tập đồ đồng Đông Sơn ở Bảo tàng Barbier-Muehler (Geneva, Thụy Sĩ).
Loại vòng này thường có hai nửa bằng nhau, có chốt bản lề mở ở một đầu và ngoàm chốt khi đóng lại. Đó cũng là cách để đeo vòng vào tay. Chiếc vòng rõ ràng được làm khuôn gốc từ một chiếc vòng bằng mây tre đan, dùng sáp ong tạo hình dãy thú, sau đó dùng kỹ thuật ốp đất sét mịn in thẳng để tạo khuôn đúc một lần phá khuôn. Dãy thú gồm 12 con chia làm hai nhóm, mỗi nhóm 6 con châu đầu vào nơi chốt khóa.
Có những vòng lại chia thành các nhóm 3 con thú, lưng quay vào nhau để đầu dãy 3 thú chụm nhau ở điểm nối hai nửa vòng (mới thấy gần đây trong sưu tập của Galery 333, Bangkok, Thái Lan và sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng, TP.HCM). Loài thú bám lưng nhau trên loại vòng này rất sinh động, mắt tròn lồi, miệng nhọn ít khi thấy đuôi. Khi ở Geneva, tôi rất phân vân rằng đó là cá sấu hay cóc, ếch, thậm chí thằn lằn. Nhờ không thấy các đuôi dài, tôi nghiêng về hướng chúng là các con ếch hay cóc.
Vấn đề cần thảo luận liên quan đến loài vật giống ếch hay cóc. Các loại vòng đồng mặt cắt hình chữ V nói ở phần trên đa phần loại thể hiện dãy cóc hay ếch chứ không phải cá sấu đã rõ. Điều dễ nhận ra ở chỗ chúng không có đuôi và mõm nhọn nhưng ngắn hơn cá sấu, thân bầu, mắt trố… Tuy nhiên, việc phân định chúng là ếch hay cóc không phải trường hợp nào cũng rõ: Cóc có mụn lưng và vai, ếch thân trơn.
Trên mặt trống đồng Đông Sơn khoảng thế kỷ 1 trước và sau Công nguyên thường có bốn khối tượng ếch hay cóc rất lớn. Không thấy những đặc trưng mô tả cóc trên các khối tượng này (như mụn cóc, gò mủ ở gáy…) mà lại gần với dáng ếch hơn (đùi to, thân trơn, hoa văn chìm), và nhất là liên quan đến trống thì tiếng kêu của ếch rõ ràng hợp lý hơn. Chúng tôi nghiêng về kết luận chúng là những con ếch thiêng trong thời văn hóa Đông Sơn.
Câu chuyện về "con cóc là cậu ông trời" không biết xuất hiện ở nước ta từ khi nào, ghi nhận con cóc cũng từng là một loại thú thiêng trong tâm linh Việt cổ. Năm 1972, khi khai quật khảo cổ ở Gò Ghệ, Gò Dạ (Thanh Đình, Lâm Thao, Phú Thọ) thuộc niên đại Gò Mun - Đông Sơn, chính tôi từng đào được một con cóc hay ếch rời bằng đồng. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục để đặt cóc thành một thú thiêng Đông Sơn như ếch.
Sống trong khung cảnh làng lúa cổ xưa thì tiếng ếch kêu vừa báo hiệu mùa mưa vừa báo hiệu chu kỳ giao phối sinh nở, phù hợp với nhịp điệu ra đòng, trổ bông của vụ mùa lúa chính trong năm. Vì thế có thể hiểu ếch gia nhập thế giới thú thiêng Đông Sơn gắn với hệ tâm linh phồn thực, mong cầu tốt lành cho mùa lúa.
Tuy nhiên, mới chỉ thấy hình tượng thú thiêng này trong nghệ thuật Đông Sơn giai đoạn muộn, khoảng trước sau Công nguyên. Ngoài vị trí chễm chệ trên mặt trống đồng Đông Sơn muộn và trên rìa một số vòng đồng mặt cắt chữ V dễ lẫn với cá sấu thì khá hiếm thấy ếch được thể hiện trên các đồ dùng, vũ khí Đông Sơn khác.
Những hình cá sấu đặc biệt
Khi nhắc đến một loài thú thiêng Đông Sơn khác là cá sấu, nhiều nhà nghiên cứu liên tưởng luôn đến thạp Đào Thịnh - một bảo vật quốc gia được ngư dân phát hiện từ đầu những năm 1960, do lở một khu mộ Đông Sơn sát bờ trái sông Hồng phía thượng nguồn thành phố Yên Bái hiện nay. Trên thân thạp có 6 chiến thuyền, cứ hai chiếc làm thành một cặp liên kết bởi hai đôi cá sấu.
Thực ra, trước đó, trong sưu tập EFEO Pháp để lại (nay còn giữ tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia) có chiếc qua đồng Núi Voi (Hải Phòng), hình cá sấu đúc chìm trên thân lưỡi qua rất rõ nét, đặc biệt có những gai nổi cao ở gáy và đỉnh đầu như thế sắp hóa rồng.
Trong trường hợp khác, trên mỗi mặt của lưỡi rìu chiến bằng đồng vớt ở sông Chu xứ Thanh thuộc sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng hiển hiện rõ nét như tả thực hình hai con cá sấu chạy song song hai bên đốc rìu, một con đầu lao về phía đầu lưỡi dài gấp đôi con kia đang lao về phía cuối lưỡi. Nghệ nhân xưa đã thể hiện hình cá sấu như bức tranh tả thực với chiếc mõm dài và nhọn đi cùng cặp mắt lồi to có vành xung quanh và đuôi dài xẻ ngạnh khiến bất kỳ ai cũng nhận ra cá sấu ngay không chút ngờ vực.
Cũng ở lưỡi rìu này, vị trí đốc tra cán cũng có đôi cá sấu nhỏ cong phần thân và đuôi như một con tôm. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu thường nghĩ là hai con tôm, nhưng ở chiếc rìu này giúp khẳng định đó là đôi cá sấu nhỏ.
Trên nhiều thắt lưng đồng của quý tộc hay thầy cúng Đông Sơn thường thấy hình cá sấu đúc nổi trông đôi khi khá giống thằn lằn. Trong tài liệu dân tộc học ở ta cũng như nhiều vùng trên thế giới, thằn lằn thường được coi là một thú thiêng. Loài bò sát nhỏ này sống gần người, ăn côn trùng, không gây hại cho người, được nhiều dân tộc coi như vật trung gian giữa người và thế giới thánh thần, ma quỷ.
Tuy nhiên, nhờ những hình đúc chìm trên thạp Đào Thịnh - và thường thấy hơn trên một loại rìu chiến, trên khóa thắt lưng - chúng tôi nghiêng về phía cá sấu hơn là thằn lằn. Chúng thường đi cặp với những con ba ba, giải sống dưới nước.
Khá nhiều băng hình cá sấu từng thấy trên thân các thạp đồng Đông Sơn. Điển hình, đó là băng cá sấu trên thân một chiếc thạp thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ). Trên một số tượng cán dao găm loại hình Làng Vạc (Sông Hiếu, Nghệ An) có hình đôi thú dùng miệng đỡ chân voi chở người, ta thấy phần miệng thú dài, nhọn, cũng khá gần với hình tượng một đôi cá sấu… Không còn nghi ngờ gì nữa, trải từ trung du Sông Hồng đến thủy vực sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa), thậm chí vào tận vùng sông Hiếu (Nghệ An) đều có bằng chứng tôn thờ cá sấu như một thú thiêng.
Xin tạm kết thúc ở đây, hẹn gặp lại độc giả trong thứ năm tuần sau tiếp dòng mạn đàm về các thú thiêng Đông Sơn khác: hươu và hổ!
"Câu chuyện về "con cóc là cậu ông trời" không biết xuất hiện ở nước ta từ khi nào, ghi nhận con cóc cũng từng là một loại thú thiêng trong tâm linh Việt cổ" - TS Nguyễn Việt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất