(TT&VH) - Lippi đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự về nhân sự trong lúc một loạt trụ cột chấn thương, bằng cách tận dụng cơ hội đó để cho ra sân những nhân tố mới, như Simone Pepe. Nhưng sau 90 phút anh có mặt trên sân ở Bulgaria, tất cả nhận ra là cả anh lẫn Italia đều thiếu một chút “pepe” (hạt tiêu).
Thử nghiệm không thành công lắm, và Simone Pepe, tiền vệ cánh phải của hiện tượng Udinese đang tỏa sáng mùa này vẫn là một dấu hỏi bí hiểm cần giải đáp. Người được gọi vào đội tuyển nhằm lấp chỗ trống cho Camoranesi chấn thương đã không làm được cái điều mà Lippi mong đợi ở anh: những pha đi bóng cắt vào trung lộ, những tình huống đột biến anh có thể tạo ra từ những pha dốc bóng bên cánh mà anh vẫn thường làm ở Udine, những quả tạt chính xác từng milimet cho các tiền đạo.
Nhưng trong 90 phút trên sân Levksi, Pepe không tạo ra một ấn tượng đặc biệt nào đáng chú ý. Cũng không thể đòi hỏi quá nhiều vào một cầu thủ mới lần đầu ra mắt ở ĐT, một khi trước đó anh ta chưa được gọi một lần nào, mới chỉ khoác áo các ĐT trẻ và trong 7 năm qua đã sống một cuộc sống nay đây mai đó, đổi đến 7 đội bóng khác nhau.
Trung phong duy nhất (Gilardino) bị chia cắt với các tiền vệ biên và tuyến dưới
Sau trận đấu Lippi đã tuyên bố ông hài lòng với những gì các cầu thủ, đặc biệt là các tân binh đã thể hiện, nhưng tất cả đều hiểu là ông chưa nói thật. Vị HLV ĐT Italia, trong trận thứ 3 chính thức dẫn dắt Italia ở vòng loại World Cup 2010, đã chỉ hài lòng với 1 điểm để Italia củng cố thêm ngôi đầu bảng. Còn lại, không có gì để hài lòng hơn nữa.
Những tân binh lần đầu ra mắt như Pepe đã chơi tròn vị trí và không phải là những đấng cứu thế. Montolivo, lần đầu đá chính cho Azzurra, hầu như không hiện hữu và có đến 20 phút đầu anh giống như một người mất tích được truyền hình đăng bố cáo đi tìm trong chương trình tìm người lạc có tên “Chi l’ha visto”? (Có ai thấy người này không?). Chỉ có chân sút trẻ Giuseppe Rossi là để lại một chút ấn tượng nào đó đủ để tin rằng, anh sẽ cùng Italia đến World Cup 2010 và xứng đáng có một chỗ trong trận đấu tới, khi Gilardino chắc chắn đá chính (Toni sẽ bị treo giò) và cần một người hỗ trợ ở bên.
Trong đêm Sofia, sơ đồ 4-3-3 theo kiểu Udinese với 2 cầu thủ chạy cánh đến từ đội bóng Đông Bắc này có lẽ chưa ổn và cơ hội cho Pepe đá chính trận tới với Montenegro vẫn còn là điều bí ẩn, khi Italia cần chiến thắng để tiếp tục củng cố vị trí nhất bảng. Trung phong duy nhất (Gilardino) bị chia cắt với các tiền vệ biên và tuyến dưới, những quả tạt vào trong trở nên vô nghĩa, lối chơi ở tuyến giữa hầu như mất nét, và hệ quả là cả trận Italia chỉ sút về khung thành Bulgaria đúng 3 lần. Quá ít ỏi và thiếu thuyết phục.
Điều đáng chú ý là sự chắc chắn của hàng phòng ngự sau khi Chiellini đã trở lại đá cặp với Cannavaro. Nhưng trong một trận đấu mà Italia chơi như một đội hạng 2 của thế giới và ru ngủ cả người Bulgaria, điều đó cũng không nói lên nhiều điều, bởi đội chủ nhà quá rón rén và bất lực trong tấn công, với cú sút nguy hiểm đầu tiên đến khi trận đấu chỉ còn 2 phút nữa là kết thúc trong khi cả trận Amelia lạnh cóng với tư cách khán giả bất đắc dĩ trong khung thành. Italia đã có một Pepe tạm được và cần phải tiến bộ hơn nữa, nhưng lối chơi của đội Thiên thanh cũng cần nhiều “pepe” (tiếng Italia: hạt tiêu), nghĩa là sự sắc sảo hơn nữa trong lối chơi. Điều đó cần thời gian, mà Lippi lại đang có thời gian.
Cuộc cách mạng của Lippi vẫn phải tiếp diễn và không được phép gián đoạn, kể cả khi những trụ cột chấn thương trở lại, bởi dừng cuộc cách mạng nhân sự đó lại đồng nghĩa với sự tụt lùi. Ở Sofia, Italia giống như một Italietta (Italia nhỏ), một ĐT U21 hơn là một đội ĐKVĐTG với chỉ 4 ngôi sao Berlin trong đội hình xuất phát và những người trước nay bị gạt ra rìa hoặc chìm trong bóng tối như Amelia, Chiellini, Montolivo và G.Rossi, trở thành ngôi sao. Cannavaro, với 119 lần khoác áo ĐT (chỉ còn kém kỉ lục của Maldini 7 trận) sẽ vẫn là người thủ lĩnh của toàn đội. Nhưng thời của anh chắc chắn đã qua. Giờ đã đến thời khắc của G.Rossi và những ngôi sao trẻ khác trong đội U21.
Anh Ngọc(Roma)