28/06/2023 07:30 GMT+7 | Văn hoá
Qua quá trình khai quật Di tích quốc gia núi Bân (thuộc phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) giai đoạn 2, các nhà khoa học đã công bố nhiều thông tin, tư liệu về quy mô, kết cấu của di tích Đàn tế giao thời Tây Sơn ở núi Bân. Những dấu tích quan trọng này là tiền đề để tỉnh chuẩn bị tư liệu, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận núi Bân là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lần khai quật này đã xác định rõ hơn quy mô, kết cấu nguyên gốc của Đàn tế giao thời Tây Sơn ở núi Bân, vốn được cải tạo, bồi đắp tạo thành 3 tầng đàn theo thuyết tam tài (thiên - địa - nhân) như truyền thuyết trong các di tích đàn tế trời của các nước Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Kết quả khai quật đã góp phần xác định đây là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ; đồng thời cũng là nơi xuất phát của cuộc hành quân thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, làm nên chiến công hiển hách vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Đây cũng là di tích lịch sử có quy mô, kết cấu đặc biệt và lần đầu được phát hiện ở Việt Nam.
Về kỹ thuật xây dựng, đoàn khai quật kết luận, do thời gian gấp gáp, núi Bân được tiến hành ban xẻ, tạo thành 3 tầng đàn có hình nón cụt. Vì bề mặt núi có nhiều vị trí bị lõm hụt, không được bằng phẳng nên đã được bồi đắp bằng đất laterite, đất sét vàng thuần hoặc lẫn sỏi cuội nhỏ và đá dăm, đầm kỹ tạo mặt phẳng. Ở phần chân đế đàn, đa số đều được xắn thẳng, tạo thành các cạnh đế, những vị trí bị lõm hụt được xếp bó đá hoặc gạch vỡ tận dụng để tạo thành bó móng vòng quanh chân đế.
Các nhà khoa học cho rằng, Đàn tế giao thời Tây Sơn ở núi Bân có kỹ thuật xây dựng đơn giản, lợi dụng địa thế núi đá tự nhiên, được ban xẻ, bồi đắp tạo thành quy mô, kết cấu đặc biệt. Điều này phản ánh rõ tính chất gấp gáp trong việc xây dựng đàn tế, lên ngôi hoàng đế.
Tuy nhiên, những nhà thiết kế đương thời vẫn có ý thức quy hoạch, đem đến sự hài hòa, cân đối và đảm bảo thuyết triết lý. Riêng với đế đàn hình bát giác có sự khác biệt, độc đáo, chưa từng gặp đối với các loại hình đàn tế giao trên thế giới.
Ngoài ra, những dấu tích bó móng, kè đá và gạch xuất lộ, đặc biệt là gạch tìm thấy trong các hố đào, qua giám định đã xác định được tính chất, niên đại của hiện vật trong khung thế kỷ 18. Gạch ở đây có kích thước và màu sắc hoàn toàn tương đồng với các loại gạch bó móng kiến trúc tìm thấy tại các đền, phủ thời Chúa Nguyễn. Khác các công trình kiến trúc xây dựng giai đoạn đầu của triều nhà Nguyễn tại Huế, góp phần chứng minh tính xác thực của Đàn tế giao thời Tây Sơn được xây dựng tại núi Bân.
Núi Bân là di tích hiếm hoi còn lại của triều Tây Sơn tại Huế. Năm 1988, núi Bân đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Đến năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư tôn tạo, xây dựng khu tưởng niệm với điểm nhấn là tượng đài Quang Trung và không gian cảnh quan tạo thành một công viên văn hóa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất