13/02/2014 09:41 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Vào mùa lễ hội đầu xuân, vỉa hè nghiễm nhiên thành nơi bàn chuyện văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử.
Nghiêm túc đấy! Những xe du lịch sáng sớm đón khách dọc phố, với cồng kềnh đồ lễ và các bà khách khăn the áo nhung suốt từ sau tết đến giờ trở thành tiền đề bàn luận trong quán nước vỉa hè của N.
Câu chuyện trong quán ngày nào cũng loanh quanh đề tài đi lễ, phải nói là rôm rả. Nào Chùa Hương, nào Yên Tử, nào Bái Đính, nào Đền Trần, Phủ Giầy kết hợp chợ Viềng, du Xuân kết hợp tâm linh. Nào than vãn, nào hỉ hả, nào tiếc nuối. Dân mình vui thế, cứ lễ cứ hội là lăn vào bất kể đông, bất kể xô bồ chặt chém mất trật tự. Cứ có thờ có thiêng, đi xin lộc đầu năm rộn ràng, dù có tả tơi thế nào đi nữa. Có những người đi tất cả các đền các phủ, chẳng sót chỗ nào. Mà chỗ nào rốt cuộc cũng giống chỗ nào, cơ quan chức năng bảo năm nay không in tiền lẻ nữa, để đỡ cái cảnh nhét tiền lẻ vào tượng Phật tượng Thánh, mà cảnh tiền lẻ rải như lá rụng vẫn cứ đầy ra. Chắc tích cóp từ đời nào rồi, có cấm hẳn tiền lẻ mươi năm nữa cũng không hết cảnh này.
Hôm qua, mấy người khách đi lễ chùa Dâu, chùa Phật Tích bên Bắc Ninh về, than trời vì rác ứ đọng gần chùa. “Đâu chẳng thế!”, những người khác trả lời, cứ đông người là có rác rưởi tồn đọng, có mà xử lý bằng mắt. Dân mình hồn nhiên đi lễ, hồn nhiên xả rác, chuyện muôn năm rồi. Sau này, mấy trăm năm nữa, có khai quật khảo cổ các điểm lễ hội tâm linh bây giờ, chắc những cổ vật đào được chủ yếu là lon bia với bịch nước, nhựa, trăm năm không suy suyển. Khéo lúc ấy hậu thế lại phải tổ chức hội thảo khoa học về các vật thể lạ không biết liên quan gì đến tín ngưỡng đầu thế kỷ 21. Thỉnh thoảng lại có vụ khai quật gây xôn xao, nhưng mà xôn xao trong giới khảo cổ, chứ các nhà quản lý văn hóa có nhẽ quan tâm nhiều đến các vật thể có sẵn trên mặt đất...Giờ đi chùa nào cũng thấy mới tinh hết cả. Tượng mới, la hán mới, mái mới, tam quan mới, tháp mới...
Nghe nói mỗi năm Nhà nước quan tâm di tích nên kinh phí trùng tu nhiều lắm, mà nhà nước thì chỉ bằng một phần dân đóng góp, nên chùa chiền nước ta nói chung đổi mới từng ngày. Tượng mới, chùa giờ lại hay có đôi sư tử đá Trung Quốc ngay trước cửa.Nói đến tượng, mấy ông khách ào ngay lên chuyện pho tượng lạ xuất hiện trên một ban thờ mới ở ngôi chùa nghìn tuổi, khởi lập từ thời Lý Thánh Tông, ngay gần Bờ Hồ, chùa Bà Đá rất nổi tiếng. Tượng nhìn lạ lắm, chất liệu cũng lạ. Thấy bảo làm bằng composit, hiện đại thế đấy. Giả sử bể dâu ngàn năm, tượng gỗ tượng đất không còn, thì tượng composit vẫn cứ trường tồn. Đến khi ấy, hậu thế phân vân phải biết, lại nghiên cứu xem đâu là yếu tố ngoại lai, đâu là yếu tố bản địa của tín ngưỡng. Thể nào cũng vô số luận án tiến sĩ và vô vàn bài báo được viết ra. Vui phải biết! nếu các cơ quan chức năng kết luận luôn từ bây giờ thì không sao, chứ cứ để lâu, thể nào cũng lẫn lộn hết cả, các nhà khoa học sau này ối việc mà làm.
Thật ra, phân vân thì đã từ bây giờ, chẳng cần mai sau mới phân vân. Nhưng thế đấy, những phân vân giờ không ai giải quyết, thì cứ để về sau con cháu lo vậy.
Mặc cho hậu thế phân vân!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất