31/08/2022 18:16 GMT+7 | Văn hoá
Cô Tô đang bừng sáng giữa biển khơi. Từ khi có điện lưới, huyện đảo đổi thay từng ngày, đặc biệt là ngành Du lịch có bước phát triển vượt bậc.
Với vị thế huyện đảo chiến lược vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, những năm qua huyện Cô Tô luôn được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Cuối năm 2013, công trình đưa điện lưới ra huyện đảo tiền tiêu Cô Tô hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cô Tô bừng sáng giữa biển khơi. Từ khi có điện lưới, huyện đảo đổi thay từng ngày, đặc biệt là ngành Du lịch có bước phát triển vượt bậc.
Hòn đảo của du lịch
Huyện đảo Cô Tô được đánh giá là một trong 10 hòn đảo du lịch đẹp tại Việt Nam. Được mệnh danh là đảo ngọc của du lịch Quảng Ninh, Cô Tô có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển. Cô Tô có 71 đảo lớn nhỏ; trong đó có 3 đảo có dân sinh sống là Cô Tô lớn, Thanh Lân và đảo Trần. Cô Tô lớn là đảo lớn nhất, có nhiều bãi tắm đẹp như Hồng Vàn, Vàn Chảy, Tình Yêu…; các hòn đảo lân cận có hình thù kỳ thú như hòn Sư Tử, hòn Cá Chép, Cô Tô con, Thanh Lân… Cô Tô sở hữu nhiều bãi biển đẹp, có bãi trải dài cả cây số với cát trắng mịn, phẳng lỳ, có bãi lại nằm nép mình giữa những vách đá, uốn quanh hàng dương xanh ngắt.
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, bãi đá Cầu Mỵ - Móng Rồng với những thớ, vân đá độc đáo xếp chồng lên nhau, được sóng biển bào mòn qua hàng triệu năm, trải dài gần 2km, trông như một bức hải đồ khổng lồ, độc đáo hiếm thấy. Du khách có thể đi bộ tới điểm cao nhất để nhìn ngắm toàn bộ cảnh đẹp, phóng tầm nhìn rộng ra biển lớn, từng con sóng biển vỗ trắng xoá về phía đất liền. Đây cũng là nơi đón ánh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp trên đảo Cô Tô.
Dạo quanh đảo Cô Tô bằng xe điện, du khách được chiêm ngưỡng cảnh quan thơ mộng của con đường Tình Yêu với những hàng phi lao rì rào trong gió biển, rừng chõi nguyên sinh, cầu gỗ Bắc Vàn, hồ Trường Xuân…
Đảo Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi không chỉ về danh lam thắng cảnh, khí hậu trong lành, mà còn có di tích lịch sử, văn hóa độc đáo. Điểm đến đầu tiên và ý nghĩa nhất khi đến Cô Tô là tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng dịp kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô 9/5 (1961-2022), công trình Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo được khánh thành, có kích thước bằng cột cờ và lá cờ Tổ quốc ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Trên đảo Cô Tô có ngọn hải đăng, được ví như "nóc nhà của đảo ngọc". Trèo hết 72 bậc cầu thang, du khách tới đỉnh của hải đăng, phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh Cô Tô xanh ngút ngát màu của biển và rừng, tâm hồn thư thái. Tiếp tục hành trình, du khách có thể đến tham quan di tích lịch sử đền thờ Đại Đội Ký Con và chùa Trúc lâm Cô Tô.
Huyện đảo sở hữu trữ lượng hải sản dồi dào, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như ốc hương, bào ngư, sá sùng… Cô Tô đã xây dựng thương hiệu nhiều sản phẩm OCOP hải sản, trở thành quà tặng du lịch.
Hằng năm, Cô Tô thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng và tham quan, khám phá vùng biển đảo nguyên sơ, nước xanh như ngọc, không khí trong lành, tách biệt hoàn toàn với đô thị công nghiệp hóa.
Những đột phá trong phát triển
Thiên nhiên cùng với sự đầu tư chăm chút của con người đã biến Cô Tô tựa như một cô gái có nét đẹp hoang sơ và hiện đại. Từ khi có điện lưới, huyện đảo đổi thay từng ngày, đặc biệt là ngành Du lịch đã có bước phát triển vượt bậc. 7 tháng năm 2022, Cô Tô đón trên 180.000 lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt trên 400 tỷ đồng.
Cùng với phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng du lịch ở Cô Tô được đầu tư mạnh mẽ. Trên địa bàn huyện hiện có 220 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 44 khách sạn từ 1-3 sao, tổng số gần 3.000 buồng/phòng đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Từ đầu năm 2022, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi… đảm bảo cảnh quan xanh, sạch đẹp. Người lao động trong lĩnh vực du lịch được bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ.
Giao thông từ đất liền ra huyện đảo Cô Tô được cải thiện. Hiện hệ thống 27 tàu cao tốc (2 tàu cao tốc 2 thân, 300 chỗ ngồi, chạy được đến gió cấp 6) từ các cảng tàu khách Tuần Châu (Hạ Long), Vũng Đục (Cẩm Phả), Cái Rồng (Vân Đồn) ra đảo Cô Tô và ngược lại, đáp ứng tốt việc vận chuyển khách, kể cả dịp cao điểm. Anh Phạm Hùng Bình, du khách Hà Nội, cho biết: "Sau gần 5 năm trở lại Cô Tô, tôi thấy nơi đây có rất nhiều thay đổi. Nhất là di chuyển bằng tàu cao tốc giúp du khách có nhiều thời gian trải nghiệm, tham quan ở Cô Tô. Dịch vụ khách sạn, phòng nghỉ đa dạng, hấp dẫn hơn. Điều quan trọng là cảnh đẹp hoang sơ, bãi biển sạch đẹp vẫn được giữ gìn".
Huyện đang nỗ lực đưa Cô Tô trở thành điểm du lịch xanh thân thiện với thiên nhiên. Trong đó tập trung xây dựng các điểm du lịch xanh, sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ môi trường; kêu gọi đầu tư thêm các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4-5 sao. Huyện đang nghiên cứu, xin cấp phép khoanh vùng bảo tồn và phát triển du lịch biển ở các khu vực có san hô; dự kiến cho ra các sản phẩm lặn biển, trải nghiệm khu vực bảo tồn biển. Các doanh nghiệp đang mời các đơn vị có năng lực đào tạo lặn biển, cấp chứng chỉ hướng dẫn viên lặn biển quốc tế để sớm đưa vào phục vụ du khách.
Một trong những hình ảnh đẹp giữ chân du khách là ý thức về bảo vệ môi trường sống, cảnh quan của người dân nơi đây. Để phát triển du lịch bền vững, huyện thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch Cô Tô từ ngày 1/9/2022.
Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh, cho biết: Để phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, người kinh doanh dịch vụ du lịch về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh thái, tái tạo lại các rạn san hô, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, tiết kiệm điện, nước; thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch, hướng tới mỗi người dân là một đại sứ du lịch Cô Tô. Đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, mở thêm các tuor tuyến du lịch mới nhằm thu hút du khách đến Cô Tô vào tất cả các mùa trong năm, kể cả vào mùa thu và đông.
Cô Tô đang vươn tầm cao mới, trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng, sinh thái biển đảo mới ở Việt Nam”.
Dấu mốc trong lịch sử phát triển huyện Cô Tô
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Đầu thời Nguyễn, một số dân cư Trung Quốc đánh bắt được những toán cướp biển và xin được nhập cư sinh sống.
Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, tất cả đều là người gốc nhiều dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam phiêu bạt đến.
Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã (Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp) thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Năm 1945, ta chưa kịp lập chính quyền cách mạng thì quân Pháp đã quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và Hải Phòng. Tháng 11-1946 Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Creysac mới chiếm được của hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Genève, quân Pháp mới rút, Cô Tô được giải phóng. Đầu năm 1954 ta thành lập chính quyền hai xã Thanh Lân, Cô Tô thuộc huyện Móng Cái - Sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh, từ 16-7-1964 , hai xã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả.
Ngày 9-5-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Cô Tô, sau đó đây là nơi đầu tiên được dựng tượng toàn thân Hồ Chủ tịch khi Người còn sống. Nay bức tượng Hồ Chủ Tịch cao trên 5m được tôn tạo và giữ gìn đã trở thành một di tích lịch sử - văn hoá được liệt hạng.
Ngày 23-3 -1994, Chính phủ ra Nghị định 28 -CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 24-12-1994 trên đảo Cô Tô Lớn, lễ đón nhận Nghị định được cử hành trọng thể và huyện đảo Cô Tô chính thức ra đời.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất