Vũ Ngọc Đãng: Nhiều người coi chúng tôi như quái vật!

28/02/2009 15:53 GMT+7 | Văn hoá

Đó là bức xúc của Vũ Ngọc Đãng khi nhận định lại những luồng ý kiến về phim của anh cũng như về những đạo diễn trẻ thế hệ anh - những người mong muốn đem lại luồng gió mới cho phim Việt.
 
Anh cũng nói thêm rằng, đây là bài phỏng vấn đầu tiên anh nhận lời sau khi bị báo chí đánh “tơi tả” sau "Đẹp từng centimet", cũng hy vọng sau những tâm sự rất thật này, mọi người sẽ có cái nhìn khác về anh cũng như những người bạn đồng nghiệp cùng thế hệ.

* Anh nhận định về bộ phim Đẹp từng centimet của mình như thế nào?

Đó là một bộ phim thành công cả về doanh thu lẫn nghề nghiệp. Một bộ phim thành công với nhà sản xuất và với cá nhân thương hiệu của tôi. Bỏ ra 3,3 tỷ mà thu về 15 tỷ đến thời điểm này rõ ràng là một bất ngờ lớn.

* Thành công về doanh thu, nhưng báo chí vẫn đánh giá nó không được như kỳ vọng ban đầu, thậm chí còn đánh tơi tả. Suy nghĩ của anh như thế nào?

Tôi nghĩ là chúng ta phải nhận định lại phạm trù thành công hay thất bại thật rạch ròi và công bằng. Chúng ta ca ngợi phim nước ngoài nhưng phim Việt lại vùi dập một cách không thương tiếc. Hollywood họ làm phim theo mùa, mùa giáng sinh thì nhẹ nhàng lãng mạn, yêu đương. Mùa hè thì với những phim bom tấn dữ dội….Việt Nam cũng đang đi theo hướng làm như thế nhưng tại sao báo chí lại không đồng quan điểm? Như ba phim chiếu Tết vừa rồi: Đẹp từng centimet Huyền thoại bất tử thì chê, Giải cứu thần chết thì chẳng khen cũng chẳng chê. Phim chưa chiếu thì ý tứ báo chí đã rõ: “Đừng có đi xem phim đó, nó chả có gì đâu”. Rất may là phim của tôi vẫn được khán giả ủng hộ. Đẹp từng centimet hay Giải cứu thần chết cũng chỉ là phim thời vụ, phục vụ ngày Tết, nó cần nhẹ nhàng, cần thu hút khán giả. Ngay như báo Tết, năm nào cũng đầy ắp tính giải trí, năm Trâu thì viết về Trâu, năm Gà viết về Gà…đó cũng là mang tính thời vụ. Với Đẹp từng centimet, cho dù có tranh luận như thế nào, tôi luôn cho đó là sự thành công.

* Nhưng như vậy nghĩa là báo chí đánh giá cao khả năng của anh, họ muốn anh có sự đột phá. Không loại trừ, họ muốn anh - một trong những nhân tố trẻ có thể làm thay đổi bộ mặt điện ảnh Việt Nam hiện nay?

Làm như vậy là giết chết điện ảnh Việt Nam thì đúng hơn. Nói ra thì hơi sốc nhưng chúng tôi, những người trẻ làm điện ảnh với một cái tâm trong sáng, một ý muốn hoàn toàn tốt nhưng nhiều người cứ coi chúng tôi như “quái vật”. Tôi thấy dùng từ này chính xác vì nhiều người cho rằng “thằng Dũng và Đãng bất chấp mọi thủ đoạn để câu khách”. Chúng tôi biết những điều chúng tôi đang làm, biết từng thời điểm mình nên làm gì và mục tiêu là gì. Chúng tôi có ý thức đổi mới, mang lại một luồng gió tươi trẻ cho điện ảnh Việt Nam nhưng chưa đủ tài để thay đổi toàn bộ, phải đi từng bước từ từ. Nhiệm vụ “thay đổi bộ mặt điện ảnh nước nhà” mà chỉ đặt lên vai của các đạo diễn thì đúng là 1 nhiệm vụ bất khả thi, bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô khác nữa. Thế hệ chúng tôi chỉ đang góp 1 phần rất nhỏ bé vào sự thay đổi ấy. Ví dụ với bộ phim Giải cứu thần chết, đạo diễn Quang Dũng muốn đẩy mạnh phần kỹ xảo Việt Nam, muốn hút các khán giả trẻ ở lứa tuổi 11-12 đến rạp chứ không phải chỉ 17 tuổi trở lên như năm ngoái. Lứa tuổi này sang năm họ sẽ lại đi xem và lại có thể bắt đầu từ những lứa tuổi ít hơn. Họ phải có thói quen thì các nhà làm điện ảnh mới có tiền đề làm những dự án khác như phim thiếu nhi, mùa hè…Thời điểm này, chúng tôi cần kéo khán giả, nói thật tôi và Dũng phải làm trò trong phim khá nhiều. Tôi cũng mong một lúc nào đó chỉ chú tâm làm phim hay mà không phải làm trò nữa.

* Anh có nói đến phải “làm trò”, đó cũng là điểm mà nhiều người vin vào đó để chỉ trích?

Trò của chúng tôi ở đây không phải là mấy chiêu câu khách rẻ tiền. Là đạo diễn, chúng tôi luôn ý thức mình phải đi tìm cái mới lạ, ý tưởng khác với người ta như vậy mới thu hút được sự chú ý. Tôi luôn cho rằng, phim phải có vấn đề thì người ta mới đi xem dù là “vấn đề lớn” hay “vấn đề bé li ti”. Một bộ phim mà chỉ nói được “phim hay lắm, dễ thương lắm” không gây được hiệu ứng. Báo chí cũng vậy thôi, phải có vấn đề gì đó thì người đọc mới tìm đến tìm hiểu, nhỏ hay to cũng là tò mò. Là đạo diễn, muốn người ta đến xem phim mình thì nhiệm vụ đầu tiên phải mới. Mới từ hướng đi lẫn đề tài. Nếu cứ thụ động, quen con đường sẵn có thì sẽ ra một xã hội điện ảnh giống nhau hết.

* Thế hệ anh, những đạo diễn trẻ suy nghĩ thế nào về việc làm tươi mới nền điện ảnh?

Về phương thức, chúng tôi làm phim để được tiếp tục làm phim. Cùng thế hệ tôi, Ngô Quang Hải, Bùi Thạc Chuyên là những đạo diễn giỏi. Họ chọn con đường theo đuổi một bộ phim, có khi mất mấy năm trời. Tôi thì không chờ đợi được, tôi cảm thấy tiếc nếu thời gian đó không làm phim trong khi mình có quá nhiều cơ hội. Cứ chờ đợi để làm được điều mình muốn thì sẽ không có phim chiếu Tết, chiếu Hè…Chúng ta kêu rằng phải xã hội hoá điện ảnh đi nhưng lại cứ thích phải đi theo lối cũ mòn với tư duy cũ. Không có nhiều phim, không có sự cạnh tranh thì làm sao có xã hội hoá.

* Nhiều người cho rằng, phim nhà nước làm xong cất kho, nhưng phim tư nhân chiếu tết xong cũng…cất kho. Anh nghĩ sao?

Đây là việc của nhà sản xuất nhưng tôi cũng xin nói thêm. Tư nhân họ tính toán kỹ lắm, không có chuyện cất kho đâu. Chiếu xong Tết thì ra DVD, bán cho truyền hình…Ví dụ Những cô gái chân dài của tôi bán cho Sony để họ làm DVD phát hành tại các nước khu vực châu Á. Đẹp từng centimet cũng đang đi theo con đường đó. Đạo diễn chỉ có trách nhiệm trong việc PR, quảng bá cho phim. Cái gì ảnh hưởng trực tiếp tới họ thì không bao giờ họ thụ động cả. Bộ phim Đẹp từng centimet vừa rồi, có rất nhiều hãng chung vốn nhưng chỉ BHD ra mặt. Họ đâu cần, họ chỉ cần biết bỏ ra bao nhiêu và thu về được bao nhiêu. Kinh doanh là thực tế, họ cần sinh lời.

* Là đạo diễn làm phim ăn khách, anh có tính tới thị trường phim hè không khi mà cụm từ “phim bom tấn mùa hè” chỉ dành cho phim Mỹ?

Có một điều nhiều người luôn nhầm lẫn rằng Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng là phim…chiếu Tết. Thực ra, đó là phim chiếu hè và chúng tôi tự tin đến mức dám chiếu đúng dịp đang diễn ra Euro, tôi nhớ năm đó Hi Lạp vô địch. Kết quả Những cô gái chân dài thu được 5 tỷ (Vốn là hơn 1 tỷ). Với nhà sản xuất lúc đó, họ cho là thất bại bởi hiệu ứng Gái nhảy với 12 tỷ thu được đang là lá cờ đầu. Chán nản và thất vọng, nhà sản xuất còn không tin vào Đãng nữa cho đến mãi sau này, họ mới nhận ra rằng, thu được 5 tỷ đã là giỏi. Sau Những cô gái chân dài là đến 1735 km rồi đếnDòng máu anh hùng nhắm vào thị trường phim hè đều không thành công về mặt doanh thu. Khán giả Việt chưa có thói quen đi xem phim hè. Kinh doanh thì không thu được vốn vậy là lại phải quay sang tập trung cho phim Tết. Tôi cũng đang nhận được một số dự án nhắm vào thị trường phim hè, hiện giờ mọi việc vẫn còn chưa đâu vào đâu nên chưa thể nói được điều gì.

* Tôi thích cách nhìn của Lê Hoàng về anh trong một bài viết theo kiểu ký sự chân dung. Trong đó Lê Hoàng có viết: “Ưu điểm của Đãng là tin vào những điều mình làm, đôi khi tin một cách mù quáng…”. Anh thấy nhận xét đó có đúng không?

Tôi luôn tự tin. Đúng! Bởi tôi biết được xung quanh mình là cái gì, tôi cần cái gì và cái gì nói là tôi làm được. Là đạo diễn làm phim bằng tiền của nhà sản xuất, nếu không tự tin thì không có tiền cũng như công việc. Ví dụ như Đẹp từng centimet, tôi thuyết phục được nhà sản xuất với đúng một cái tên phim. Mình phải có sự tự tin để khiến người ta tin mình.
 
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và quay phim Nguyễn Nam

* Vậy anh có đủ tự tin để làm một bộ phim khiến những người làm phim “dự thi” phải ngả mũ thán phục hay bạn bè thế giới biết đến và nói: “A! Điện ảnh Việt Nam có Vũ Ngọc Đãng”

Thời điểm này có cần thiết không? Rất nhiều người làm những bộ phim kiểu đó rồi, thêm một Vũ Ngọc Đãng để làm gì? Chứng minh Vũ Ngọc Đãng làm phim nghệ thuật được à? Có quá nhiều đạo diễn xây dựng tên tuổi bằng các liên hoan phim nhưng có bao nhiêu người xây dựng tên tuổi được ở các phòng vé? Tại sao tôi đang là số 1 ở sân này lại phải nhảy vào đám đông khác làm gì. Chắc vào đó mình có được tôn trọng không? Nếu tất cả mọi người đổ xô đi làm phim thương mại, thì chắc chắn lúc đó tôi lại chuyển sang làm phim nghệ thuật.

* Nếu như bây giờ nhà sản xuất yêu cầu anh làm một phim để khẳng định thương hiệu?

Tất cả các hãng phim tư nhân bây giờ đều khẳng định thương hiệu qua doanh thu phòng vé.

* Hầu hết đề tài phim của anh đều về tình yêu, đều đèm đẹp bay bổng thiếu kịch tính, thiếu mẫu thuẫn. Đó có phải là điểm yếu của anh?

Tin liên quan:
 
 
 
 
Phim Việt Nam từ xưa tới nay đều khai thác tính kịch làm điểm hấp dẫn, tôi đi ngược lại. Mỗi đạo diễn khi làm phim đều có một mục đích riêng . Trong cuộc sống đã có quá nhiều kịch tính này, tôi muốn đem cho họ một cái nhìn lạc quan hơn. Ngày xưa tôi cũng làm theo hướng: “À, cứ lên Sài Gòn gặp xe ôm là bị lừa. Thôi, cứ ở nhà cho lành” thì bây giờ tôi làm theo hướng:“Cứ lên đi, ai cũng tốt cả”. Điều đó ảnh hưởng cả đến cách làm phim của tôi. Khuôn hình đẹp, trong sáng, màu sắc tươi trẻ, lạc quan như cách tôi nhìn cuộc sống. Không thị phạm diễn viên, không gò ép phim phải toát lên được điều gì. Cứ nhẩn nha tỉa tót cho nó ngấm vào lòng người xem. Ví dụ như cảnh khóc của Tăng Thanh Hà trong bộ phim Bỗng dưng muốn khóc, tôi bảo với Hà: “Cứ diễn đi, khóc cũng được mà không khóc cũng chẳng sao”. Hoặc để yên cho diễn viên lấy cảm xúc, khi nào thấy khóc được thì giơ ngón tay lên là mọi người bập vào quay. Người quay phim phải chạy theo diễn viên để bắt lấy hình ảnh chứ không hạn chế phạm vi của họ. Chính vì thế, nếu bạn tinh mắt sẽ thấy những cảnh khóc của tôi luôn bắt được những giọt nước mắt đầu tiên, rất thật.

* Vũ Ngọc Đãng nhận xét thế nào về phim nghệ thuật?

Tôi không quan niệm những bộ phim mang thông điệp lớn lao hay chầm chậm buồn buồn là nghệ thuật. Nghệ thuật đừng xét chung một cái tổng thể mà phải chia nhỏ nó ra. Oscar rất công bằng, bộ phim được chia nhỏ và nhìn dưới nhiều góc độ để đánh giá. Có thể phim này kịch bản dở nhưng đạo diễn hay. Phim không hay nhưng nhạc phim hiệu quả tốt…Nhân tiện nói về việc này, tôi rất buồn cười khi ở Việt Nam mình giải Phim hay nhất lại do đạo diễn lên nhận. Phim là của nhà sản xuất và giải thưởng cho phim thuộc về họ. Ngoài tiền thưởng thì cúp cũng phải được lưu ở trụ sở của họ chứ không phải đạo diễn. Ông đạo diễn lên nhận là giải cá nhân của đạo diễn, nếu có, như các hạng mục khác. Tôi nói với nhà sản xuất rằng: Nếu phim tôi làm đoạt giải, nhà sản xuất cứ việc lên lĩnh giải và tiền thưởng.

* Lại nói đến giải thưởng, anh có quan tâm tới giải Cánh diều vàng diễn ra vào ngày 01/03 tới?

Năm nay thì quan tâm vì Cánh diều vàng năm nay khá thú vị. Sau 5 năm, từ khi Những cô gái chân dài của tôi lọt thỏm giữa LHP quốc gia lần thứ 14 đến nay thì mới thấy rõ sự thành công của xã hội hoá điện ảnh. Tôi nhớ năm đó, nhiều người còn lên báo nói là “xấu hổ khi nhận chung giải với Những cô gái chân dài”. 5 trong 6 phim năm nay là của tư nhân sản xuất. Nhiều người cho rằng năm nay ít phim, chất lượng không cao nhưng tôi thấy nó rất thú vị ở một điểm là mỗi phim là một sự khác biệt, đa dạng về đề tài. Ban giám khảo năm nay sẽ rất khó khăn, dù phim nào được trao thì cuối cùng họ cũng bị nói. (cười)

* Anh có nghĩ phim mình đoạt giải?

Đẹp từng centimet của tôi âm nhạc tốt, quay phim đẹp và diễn viên diễn xuất tuyệt vời. Tôi nghĩ sẽ có. Chưa năm nào LHP mà tôi chưa có giải cả (cười).

* Tôi tán đồng ý kiến chỉ có “phim hay” thì đoạt giải hơn là “ăn khách” hay “nghệ thuật”. Nhưng có một thắc mắc tại sao nhiều đạo diễn tư nhân thường quay lưng với giải thưởng. Theo cách nhìn của anh thì thế nào?

Tôi cũng không hiểu tại sao giải thưởng gì của chúng ta cũng chỉ được thời gian đầu rất chất lượng nhưng càng về sau càng kém. Thứ hai là cách đi của chúng tôi không đặt nặng giải thưởng mà đi vào thực tiễn với đơn đặt hàng của nhà sản xuất và lượng khán giả đến với nó. Chúng tôi lấy tiền của nhà sản xuất và hỏi “anh cần gì” chứ không phải lấy tiền xong tự hỏi “tôi sẽ làm gì”. Yếu tố thực tiễn đi trước sau đó mới đến yếu tố giải thưởng nếu nhà sản xuất muốn tham dự. Đạo diễn không phải là một quyền lực to tát gì cả mà chỉ là một bộ phận của đoàn làm phim. Nếu làm phim để tham dự giải, nên tự bỏ tiền túi ra làm. 
 
Đãng và êkip làm phim của mình

* Vậy Vũ Ngọc Đãng coi điện ảnh là gì?

Điện ảnh là một giấc mơ và tôi đem bán giấc mơ đó.

* Để đổi lấy thứ gì?
 
Tất cả mọi thứ Đãng đang có đều do điện ảnh mang lại. Không phải nghĩ nhiều đến tiền bạc, công việc chủ động, có niềm vui, được tâm sự, được kể những câu chuyện theo cách của mình….

* Nhận xét về mình, Đãng là một đạo diễn….?

Tay nghề bình thường nhưng thông minh nhanh nhạy trong thị trường. Biết thời điểm, biết mình biết ta và luôn chạy theo những ý tưởng mới lạ./
 
Theo TGĐA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm